Các nhà khoa học đã tiết lộ lý do tại sao chúng ta luôn “phát cuồng” trước những vật đáng yêu.
Một ví dụ tiêu biểu là hãng hàng không Eva Airways của Đài Loan. Máy bay được sơn hình chú mèo Hello Kitty nhiều màu sắc, còn các món ăn trong chuyến bay cũng được trang trí theo phong cách cực đáng yêu.
Hình ảnh trang trí bên ngoài máy bay của hãng Eva Airways
Bữa ăn với cách trang trí đáng yêu được đem phục vụ hành khách trên máy bay
Còn ở tại Nhật Bản, thuật ngữ “kawaii” được dùng để chỉ việc sử dụng sự đáng yêu một cách phổ biến trong văn hóa đại chúng, từ trang phục, đồ chơi cho đến phim ảnh, nghệ thuật.
Chẳng hạn, nhiều phương tiện giao thông công cộng ở Nhật như máy bay, xe lửa được trang trí với hình ảnh nhân vật truyện tranh quen thuộc như chú mèo máy Doraemon.
Trong khi đó, các nhà khoa học đã dành nhiều công sức nghiên cứu ảnh hưởng của sự đáng yêu đối với não bộ và hành vi của con người. Họ chia sự đáng yêu thành 2 loại khác nhau, một loại có nguồn gốc từ những vật sống (em bé, chó mèo con) và loại kia có đến từ những “vật không sống”, hay những hình ảnh, đồ vật do con người tạo nên.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, nếu chúng ta nhìn thấy các em bé hoặc động vật đáng yêu, tình cảm quan tâm, muốn chăm sóc và bảo vệ sự đáng yêu đó sẽ xuất hiện trong đầu chúng ta.
Kết quả là mức độ tập trung của não bộ sẽ tăng lên để giúp thực hiện suy nghĩ này. Ví dụ, nếu nhìn thấy một chú mèo con, bạn sẽ muốn ôm nó và vuốt ve một cách cẩn thận để không làm mèo sợ hoặc bị đau.
Năm 2009, các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm. Một nhóm tình nguyện viên được cho xem 27 tấm ảnh của những chú chó con, mèo con đáng yêu trước khi chơi một trò chơi điện tử.
Kết quả là, nhóm đối tượng xem ảnh mèo, chó con đạt kết quả cao hơn hẳn nhóm được xem ảnh chú chó, mèo trưởng thành. Điều đó cho thấy, sự đáng yêu giúp chúng ta hành động cẩn thận và chính xác hơn.
Còn sự đáng yêu đến từ những hình ảnh “không sống”, tức do con người tạo ra lại gợi sự thư giãn, khiến chúng ta muốn tận hưởng và nghỉ ngơi. Trong tạp chí Journal of Consumer Research, hai nhà khoa học Nenkov và Scott công bố kết quả một cuộc thử nghiệm.
Hai nhóm người được mời ăn kem, một nhóm ăn với chiếc thìa kem bình thường trong khi nhóm còn lại dùng một chiếc thìa “đáng yêu” có hình dáng một cô gái.
Hình ảnh chiếc thìa có hình cô gái (bên trái) và chiếc thìa bình thường (bên phải)
Kết quả thật bất ngờ, mặc dù chiếc thìa đáng yêu xúc được ít kem hơn nhưng chúng lại được lựa chọn nhiều hơn. Bên cạnh đó, chiếc thìa đẹp cũng khiến người sử dụng ăn nhiều kem hơn so với bình thường.
Hai nhà khoa học trên tiếp tục tiến hành một thử nghiệm khác trên 119 tình nguyện viên. Họ được phát 3 tấm thẻ mua hàng miễn phí của Amazon: một loại màu trắng (trung tính), một có hình em bé đáng yêu và cái còn lại có hình những hình tròn nhiều màu. Họ có thể chọn mua nhiều bộ phim thuộc hai thể loại là hàn lâm (khiến người xem phải “trăn trở”, suy nghĩ) và giải trí (phim xem để thư giãn, phim hài).
Sau khi đối chiếu kết quả, các nhà khoa học nhận thấy những người có tấm thẻ hình tròn nhiều màu sắc có xu hướng chọn nhiều phim giải trí hơn so với hai nhóm còn lại. Dường như “sự đáng yêu, màu sắc sặc sỡ” kích thích con người ta tận hưởng sự vui vẻ nhiều hơn.
Tóm lại, có thể thấy mỗi loại “đáng yêu” khác nhau sẽ khiến con người có những hành vi và phản ứng hoàn toàn khác nhau. Trong khi “sự đáng yêu sống”(đến từ em bé, động vật) khiến con người hướng sự quan tâm ra bên ngoài bản thân và nâng cao sự tập trung, thì “sự đáng yêu không sống” lại khiến ta hướng vào bên trong, thỏa mãn những nhu cầu của chính mình và khuyến khích ta nghỉ ngơi, thư giãn.
* Bài viết dựa trên quan điểm của nhà nghiên cứu Eric Jaffe, đăng trên trang Fastcodesign.