Sau hàng thế kỷ, con người đã tìm ra lý do vì sao loài rắn có một cơ thể dài đến vậy.
Rắn – loài vật vốn nổi bật với thân hình dài ngoẵng, không có bất kỳ một chi nào, di chuyển bằng cách uốn éo trông rất kinh dị.
Nhưng đã khi nào bạn tự hỏi, vì sao loài rắn có thân hình dài như thế? Thực ra, các nhà khoa học cũng hỏi y chang như vậy, và mãi đến gần đây họ mới tìm ra câu trả lời.
Theo đó cơ thể dài của rắn chỉ xuất phát từ một loại gene duy nhất, mang tên Oct4. Đó là loại gene có tác dụng tinh chỉnh tế bào gốc và ảnh hưởng đến phần thân giữa của các loài vật có xương sống.
Cơ thể dài của rắn chỉ xuất phát từ một loại gene duy nhất, mang tên Oct4.
Ở rắn, có một giai đoạn trong quá trình tiến hoá đã khiến gene Oct4 liên tục được kích hoạt với thời gian lâu hơn các loài vật bình thường. Và gene này ảnh hưởng đến sự phát triển phôi thai của rắn.
Theo tiến sĩ Rita Aires từ Viện Gulbenkian de Ciencia (IGC) thuộc Lisbon, Bồ Đào Nha: “Sự hình thành các vùng cơ thể giống như một sự phối hợp giữa các loại gene. Loại gene liên quan đến phần thân giữa phải hoạt động, để loại gene hình thành đuôi có thể vận hành sau đó”.
“Với rắn, chúng tôi quan sát thấy gene Oct4 hoạt động với thời gian dài hơn trong giai đoạn phát triển phôi thai, cho thấy rằng phần thân của rắn sẽ rất dài, trong khi đuôi thì ngắn” – Aires cho biết.
Có điều, các chuyên gia đặt ra được kết luận này dựa trên các thí nghiệm từ… chuột. Cụ thể, những con chuột mang gene Oct4 thường có phần thân dài hơn.
Các chuyên gia cho biết, việc phát hiện ra vai trò của gene Oct4 có thể đặt ra một tia hy vọng mới trong việc hồi phục chấn thương cột sống.
Tiến sĩ Moises Mallo, chủ nghiệm nghiên cứu cho rằng: “Chúng tôi xác định được yếu tố chính cho phép phân thân phát triển không giới hạn, miễn là gene đó còn hoạt động. Nếu như có thể sử dụng Oct4 và một số gene khác để tái tạo lại cột sống, chúng ta sẽ chữa được những căn bệnh liên quan – vốn cực kỳ khó giải quyết với nền y học hiện nay”.
Theo Trí Thức Trẻ