Vì sao động vật tự phát quang

Vì sao động vật tự phát quang

Những protein huỳnh quang màu xanh lục giúp cơ thể một số loài động vật phát sáng có thể ngăn chặn hiện tượng oxy hóa, bảo vệ cơ thể khi chúng khi bị ốm hoặc căng thẳng. 

Vì sao động vật tự phát quang

Protein huỳnh quang trên cơ thể con lancelet phát sáng với mức độ khác nhau. Mũi tên trỏ vào đầu con vật. Ảnh: Scripps.

Các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) tiến hành nghiên cứu lancelet – một động vật lưỡng tiêm giống cá có khả năng phát sáng – để tìm hiểu vai trò của các protein huỳnh quang. Họ nhận thấy ngoài tác dụng phát quang, những protein đó có thêm chức năng sinh học.

“Mặc dù các nhà khoa học biết khá nhiều về các đặc tính hóa sinh của protein huỳnh quang, song họ lại hiểu rất ít về các chức năng sinh học của chúng”, Dimitri Deheyn, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết. Ông và cộng sự nhận thấy, các protein huỳnh quang của lancelet phát quang với độ sáng khác nhau. Chẳng hạn, những protein huỳnh quang ở đầu luôn phát sáng mạnh nhất.

Theo các nhà khoa học, những protein phát quang có khả năng tiêu diệt các gốc oxy hóa – những phân tử có hoạt tính cao thường gây ra những phản ứng hóa học có hại cho cơ thể. Như vậy, chúng có tác dụng giống hệt các chất chống oxy hóa trong cơ thể người. Nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện của họ sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn quá trình tiến hóa của protein phát quang trong thế giới động vật.

Lancelet là động vật không xương sống có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với động vật có xương sống. Chúng sở hữu thân hình khá dẹt, trong suốt và thon vào ở cả đầu lẫn đuôi. Chiều dài thân tối đa của lancelet là 2,5 cm. Chúng vùi thân dưới cát và chỉ nhô đầu lên để tiếp xúc với dòng hải lưu chảy qua. Trước khi lancelet được phát hiện, người ta cho rằng chỉ có sứa và san hô có khả năng phát quang. Protein phát sáng huỳnh quang đã giúp ba nhà hóa học đoạt giải Nobel hóa học vào năm ngoái.

 

Theo VnExpress (National Geographic)