Vì sao Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc từ sáng đến chiều?

Vì sao Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc từ sáng đến chiều?

Hiện tượng sương mù dày đặc sẽ kéo dài đến hết tuần này khi Bắc Bộ đón một đợt không khí lạnh mới có cường độ mạnh.

Từ sáng 2/1, nhiều tuyến đường, phố ở thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thuộc Bắc Bộ chìm trong sương mù dày đặc, khiến tầm nhìn xa bị hạn chế. Quá trưa đến chiều, nhiều người tham gia giao thông vẫn phải bật đèn pha để thuận lợi di chuyển. Dù giảm bớt vào ngày tiếp theo nhưng đến 5/1, tình trạng này tiếp tục lặp lại.

Độ ẩm cao 70-85%

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, phân tích mùa lạnh ở Bắc Bộ kéo dài từ 8 đến 10 tháng, thường rơi vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Bên cạnh đó, mùa lạnh được chia làm 2 thời kỳ rõ rệt.

Thời kỳ đầu gồm tháng 10, 11 và 12. Trời nắng hanh, gây cảm giác khô, nứt nẻ. Sau đó, giai đoạn cuối của mùa lạnh gồm tháng 1, 2, 3 và đầu tháng 4, với đặc điểm lạnh ẩm.

Vì sao Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc từ sáng đến chiều?
Đứng dưới chân tòa nhà Keangnam sáng 4/1 không thể nhìn thấy tầng cao nhất. (Ảnh: Lê Hiếu).

Các khối không khí lạnh từ áp cao Siberia (Nga) được thổi xuống theo 2 con đường, gây đặc điểm thời tiết khác nhau. Với đường đi thứ nhất, khối khí đi thẳng xuống phía bắc nước ta, tình trạng khô hanh.

Tuy nhiên, cũng có một đường đi khác, là vòng sang phía đông nam Trung Quốc, khối khí lạnh mang theo nhiều hơi nước nên làm thay đổi tính chất, khiến trời ẩm và ấm hơn.

Hiện tượng sương mù ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống của người dân, bởi độ ẩm cao khoảng 70-85% gây nồm, ẩm ướt kéo dài. Thậm chí, độ ẩm vào tháng 3-4 có thể đạt mức 90%.

Theo ông Hải, sương mù là tác nhân khiến tầm nhìn hạn chế, đặc biệt cản trở các hoạt động đường hàng không.

“Nhiều chuyến bay ở sân bay Cát Bi, Vinh có thể phải hủy hoặc di dời lịch, do không đủ điều kiện an toàn. Hiện, tầm nhìn đường bay ở sân bay Nội Bài là khoảng 1 km, vẫn đảm bảo tiêu chuẩn để cất cánh và hạ cánh”, ông cho biết thêm.

Kéo dài đến hết tuần

Ông Lê Thanh Hải cho hay sương mù, ẩm ướt sẽ kéo dài đến hết tuần này và chỉ kết thúc khi Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh mới có cường độ mạnh vào đêm 7/1.

“Miền Bắc sẽ rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở khu vực đồng bằng khoảng 10-15 độ C, khu vực miền núi dao động 5-10 độ C, còn ở khu vực núi cao từ 0 đến 5 độ C”, ông Hải thông tin.

Vì sao Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc từ sáng đến chiều?
Từ đêm 7/1, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh mạnh, gây rét đậm rét hại. (Ảnh: Hoàng Hà).

Người dân cần giữ ấm cơ thể, bởi không khí nồm ẩm có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp, dễ mắc các bệnh cảm cúm.

Sương mù cản trở giao thông, người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt trên đường cao tốc, nên chú ý quan sát. Tàu thuyền ở khu vực gần bờ nên di chuyển chậm để tránh gây tai nạn đáng tiếc.

 

Theo Zing