Ngược với nỗ lực tăng cân không hề dễ dàng, nhiều chị em đang cảm thấy rất đau khổ vì cơ thể của mình. Dù không ăn nhiều song họ vẫn không ngừng tăng cân, thậm chí béo phì.
Lý giải điều này, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho hay, sự béo hay gầy của mỗi người phụ thuộc vào nguồn năng lượng đưa vào cơ thể (yếu tố khách quan – có thể thay đổi) và quá trình hấp thu thức ăn của cơ thể (yếu tố chủ quan – ít can thiệp được).
Cụ thể, thức ăn vào cơ thể sẽ qua rất nhiều quá trình. Đầu tiên là quá trình chuyển hóa, ví dụ tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường, chất đạm thành các axit amin, chất béo thành các axit béo. Những cấu trúc đơn giản ấy sẽ được cơ thể hấp thu qua hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là ruột non. Dạ dày co bóp làm nhỏ thức ăn, đến ruột non thức ăn sẽ được hấp thu ở các mao mạch của ruột.
Hệ thống enzym – men tiêu hóa sẽ là chất xúc tác để chuyển hóa thức ăn. Một người có đủ các yếu tố trên sẽ hấp thụ thức ăn tốt, tăng cân dễ dàng.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, độ tuổi trung niên là độ tuổi có biểu hiện rõ nhất của việc ăn ít, thậm chí không ăn vẫn béo. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa. Điều này không thể xem thường. Ví dụ khi bị rối loạn chất đường bột sẽ gây tiểu đường, rối loạn chất béo gây tim mạch, rối loạn chất đạm gây gout… Các rối loạn này thường gặp ở người cao tuổi vì các chức năng của cơ thể lúc này bị suy yếu.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cần phải làm rõ khái niệm “ăn không nhiều” hay “ăn ít” của chị em bởi thực chất đây là quan niệm rất cảm tính. Muốn biết chính xác năng lượng thức ăn phải dựa trên số liệu đo lường chính xác. Thực tế, nhiều hay ít không tính trên số lượng thức ăn, mà phải tính trên tổng năng lượng cung cấp trong ngày. Điều này cũng phụ thuộc vào việc bạn ăn thức ăn gì, chúng đã được chế biến bằng cách nào, lượng trái tráng miệng, đồ ăn vặt có nhiều năng lượng hay không?
Những món ăn có số lượng rất ít nhưng lại cung cấp năng lượng rất nhiều, ví dụ một đĩa bánh bột lọc nhỏ có thể cung cấp đến 700 kcalo, nửa trái dưa hấu là 870 kcalo, 100 g hạt dẻ có tới 363 kcalo – tương đương một bán bún mọc buổi sáng. Đó có thể là lý do tại sao bạn ăn ít mà vẫn mập, béo, tăng cân.
Theo chuyên gia, dinh dưỡng khoa học là phải duy trì ở mức năng lượng trung bình là 30 kcal/1 kg cân nặng/ngày. Ví dụ: nếu bạn 50 kg, năng lượng nạp vào trong ngày không được quá 1500 kcal.
Ngoài việc do ăn ít hay nhiều, các thói quen như ngồi nhiều, lười vận động, dùng thức ăn nhanh, đồ uống năng lượng,… cũng chính là những lý do khiến chúng ta bị béo.
Trong đó, ngồi nhiều là thói quen của rất nhiều người hiện nay do đặc trưng công việc và sự thiếu ý thức của nhiều người trong vấn đề giữ gìn sức khỏe. Theo PGS Lâm, việc ngồi quá nhiều không vận động nên cơ thể không đốt cháy được calo, lâu dần dẫn đến tăng cân và tích mỡ.
Riêng về việc nhịn ăn nhằm mục đích giảm cân của chị em, chuyên gia này cho hay đây là cách rất cực đoan, không thể áp dụng lâu dài. Giảm cân hiệu quả phải từ từ, không được nóng vội, đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, kết hợp giữa chế độ ăn uống và tập luyện, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh kể cả sau quá trình giảm cân.
Nguồn: Theo Zing
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.