Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?

Có vô số cách để con người bị dắt mũi, bị lừa hay bị chơi khăm. Đôi khi những hành động này chỉ nằm mục đích… vui là chính, nhưng thường chúng dùng để phục vụ lợi ích của người khác.

Trong thời đại mở cửa như hiện nay với nguồn thông tin vô hạn, việc lựa chọn cái nào nên tin, cái nào nên xem qua cho vui thực sự là một thử thách. Nhưng một số người lại khá tệ trong trò chơi lựa chọn đó. Vậy, đâu là nguyên nhân tâm lý đằng sau sự cả tin?

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?
Tin người quá nhỉ…

Cơ sở tâm lý của sự nhẹ dạ cả tin

“Cả tin” được định nghĩa là sự dễ bị “bẻ cong” tư tưởng để tin vào những thứ không đúng. “Nhẹ dạ” cũng dùng được trong trường hợp này, diễn tả sự tự nguyện tin vào những nhận định được đưa ra mà không có bằng chứng nào cả.

Theo nhà tâm lý học người Israel – Daniel Kahneman, sự cả tin được sinh ra từ quá trình tiến hóa, sử dụng 2 hệ thống suy nghĩ thiết yếu nhằm đối mặt với các luồng thông tin thu nhận được.

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?
Sự cả tin được sinh ra từ quá trình tiến hóa.

Hệ thống 1 là kiểu suy nghĩ nhanh, tự động, bản năng, không phản biện và khuyến khích để chấp nhận các giai thoại và thông tin liên quan đến cá nhân.

Đây là một quá trình mang tính thích nghi với điều kiện sống của tổ tiên ta trong những cộng đồng nhỏ, luôn giao tiếp mặt đối mặt, khi mà niềm tin được dựa vào những mối quan hệ lâu dài ngoài đời.

Hệ thống 2 có kiểu suy nghĩ gần hơn với các thành tựu hiện đại của con người: rất chậm, phân tích rõ ràng, nghiêng về lý trí, bỏ nhiều công sức và dẫn tới sự đánh giá toàn diện thông tin được đưa đến.

Sự khác nhau về niềm tin cũng ảnh hưởng đến sự nhẹ dạ. Điều này có thể có liên quan đến những kinh nghiệm thời trẻ thơ, với niềm tin rằng thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp và dễ chịu để sống.

Chúng ta có muốn trở nên cả tin hay không?

Cả tin hay nhẹ dạ có liên quan đến cách mà ta suy nghĩ, và lượng thông tin cần thiết để chấp nhận một thông tin là đúng.

Trong phần lớn trường hợp, “ngưỡng” nghi ngờ mà con người dành cho nhau thường rất thấp, do chúng ta được sinh ra với “đặc tính tích cực” và luôn cho rằng phần lớn hành động của con người đều chân thật.

Điều này thể hiện qua việc dù đã biết tỏng ý đồ của người đối diện, những lời nói ngọt luôn dễ lọt tai hơn là “sự thật mất lòng”.

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?
Luôn có một tên phá đám khiến ta tin vào lời bịa đặt.

Hơn nữa, con người có xu hướng thích nghe những thông tin có vẻ mù mờ nhưng phù hợp với lập trường của bản thân. Đồng thời, ta có xu hướng chối bỏ những thông tin làm cho niềm tin của mình lung lay, bất kể tính xác thực cao đến đâu.

Một đặc tính tương tự nữa cũng xuất hiện khi chúng ta… chém gió. Chúng ta thường tự biên tập lại các tin đồn theo chiều hướng phù hợp với những điều mình nghĩ, bằng cách thay đổi một số thông tin mà mình không chắc chắn (mặc dù đôi khi nó đúng). Từ đó mới sinh ra thành ngữ “tam sao thất bản”.

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?
Chúng ta thường tự biên tập lại các tin đồn theo chiều hướng phù hợp với những điều mình nghĩ.

Sự cả tin trong cộng đồng

Sự nhẹ dạ cả tin đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện đại, nơi mà hàng vạn nguồn thông tin được đưa đến ta hằng ngày hằng giờ.

Hãy lấy một ví dụ như thế này: phần lớn các nhãn hiệu đã “vi diệu hóa” sản phẩm của mình để gây hấp dẫn đối với người tiêu dùng, bằng cách đưa ra những hình ảnh như mơ mà khách hàng sẽ đạt được khi mua sản phẩm của họ.

Đương nhiên điều này khó lòng mà trở thành sự thật nhưng dù gì đi nữa thì ta vẫn bị hấp dẫn và mua thôi.

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?
Tâm trạng cũng góp phần vào việc chúng ta có dễ bị “dắt mũi” hay không.

Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp con người sàng lọc những thông tin sai lệch. Trên thực tế, những người được rèn luyện trí não theo hướng khoa học thường có xu hướng đa nghi và suy nghĩ nghiêng về lý trí, dễ dàng nhận ra đâu là kẻ nói dối.

Tâm trạng cũng góp phần vào việc chúng ta có dễ bị “dắt mũi” hay không. Một vài thí nghiệm cho thấy con người có tâm trạng tiêu cực thường hay hoài nghi và dễ chỉ ra được đâu là lời nói dối. Đây là một việc rất quan trọng để nhận dạng kẻ lừa bịp hay ăn bám trong tập thể.

Vì sao nhiều người trong chúng ta lại nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị dắt mũi?
Đa nghi một tí cũng tốt đấy.

Tóm lại, nhẹ dạ và cả tin là những đặc tính thuộc về bản năng của con người. Nhưng xã hội đã thay đổi, không phải lúc nào bạn cũng có thể tin người một cách ngây thơ được.

Vậy nên hãy tập suy nghĩ một cách khoa học, tự đặt câu hỏi cho mình rằng thông tin mình đọc hay nghe được có đúng không, và đừng chia sẻ một cách vô tội vạ những thứ trôi nổi trên mạng mà mình không chắc chắn nhé.

 

Theo Trí Thức Trẻ