Vì sao sếp không chọn bạn?

Vì sao sếp không chọn bạn?
Nhiều hơn một lần, tôi phải nghe cô bạn mình than thở, rằng cô đi làm bao nhiêu lâu, công việc hoàn thành chẳng thua kém gì ai nhưng chưa một lần được quan tâm, đề bạt. Trong khi “mấy đứa” học hành chẳng bằng cô thì thay nhau lên hết chức vụ này đến danh hiệu kia. Nói chán, cô tặc lưỡi, quy cho mình thẳng thắn thật thà nên thua thiệt. Nghe như kiểu cả thế giới và tất cả những người được đề bạt, được danh hiệu trên đời đều là những người ưa nịnh, không thật thà hết vậy.
Dưới đây là những lý do cơ bản khiến sếp không chọn bạn. Hãy thử trung thực với mình xem mình có thuộc nhóm nào sau đây không?
Luôn trong tư thế bị động:
Bạn chẳng bao giờ cãi sếp, chẳng bao giờ chống lệnh sếp giao, mọi việc bạn làm chẳng sai sót gì. Nhưng bạn không chủ động, cũng ít khi bộc lộ tâm thế tự tin trong công việc. Bạn đợi sếp giao việc và giải thích kỹ lưỡng bạn mới làm. Lại thêm cái quan điểm chỉ làm đúng những gì được hướng dẫn, yêu cầu. Ít khi bạn suy nghĩ nhiều hơn xem sếp có cần gì nữa không, điều gì có thể khiến dự kiến ban đầu của sếp không thành hiện thực mà bạn lại có thể phòng trừ? Liệu bạn nên chuẩn bị những gì để hoàn thành tốt nhất công việc thay vì cứ nghe đến yêu cầu mới bắt đầu loay hoay?
Thật ra chuyện bạn không chủ động trong công việc chưa đủ để sếp quy thành cái lỗi và xử lý, trừ lương của bạn. Nhưng trong lòng sếp, thường không có cảm giác yên tâm và không muốn cất nhắc, khen thưởng gì bạn cả. Nói vui, bạn “làm nền” thôi, không đủ thành “điểm nhấn”.
Vì sao sếp không chọn bạn?
Xây dựng hình ảnh không dành cho công việc:
Nói sao nhỉ? Bạn xinh tươi, phóng khoáng, bạn hiểu biết nhiều, bạn thân thiện vui vẻ… Biết bao nhiêu điều hay ở bạn, nhưng tóm lại bạn không xây dựng được hình ảnh một người sinh ra để dành cho công việc đang làm thì cũng rất khó để sếp thừa nhận sự nổi trội của bạn. Điều này, đa số chúng ta không nhận ra được, vì chúng ta mải mê với cá tính, phẩm chất riêng, chúng ta mải mê với cảm giác mình cũng hoàn thành xong công việc như thường, không muốn bận tâm thêm, nên không chú trọng xây dựng cho sếp cảm giác bạn sinh ra để làm công việc sếp đang cần. 
Tất nhiên, nếu bạn thấy không có nhu cầu thăng tiến thì không nói làm gì. Nhưng nếu bạn cứ băn khoăn mãi vì sao sếp chỉ chọn những người khác mà không chọn bạn, thì đây rất có thể là một câu trả lời. 
Có những người phụ nữ chưa từng để sếp nhắc nhở một điều gì dù là vụn vặt, nhưng nhìn cái cách họ lăm le mấy công thức nấu ăn khi vừa ngơi công việc, cách họ rủ nhau “chuồn” khỏi công ty ngay khi kim đồng hồ vừa chạm vạch “hết giờ”, cách họ chống trả quyết liệt để bảo vệ ngày nghỉ với gia đình là cảm thấy ngay họ hướng về gia đình chứ không thật sự mong được tiến thân. Và dù họ mong được tiến thân đến mấy mà cứ để bộc lộ những điều ấy liên tục, thì chẳng bao giờ được sếp để tâm. 
Quá chú trọng vào chuyên môn:
Đa số những người được cất nhắc, bổ nhiệm hay khen thưởng đều không hẳn là những người hoàn thành công việc theo cách xuất sắc nhất. Khoan hãy nói đến những gì thuộc về mặt trái hay sự tiêu cực ở đây, điều ấy có thể tồn tại đâu đó chứ chắc chắn không phải là tất cả. Lý do chính mà những người giỏi chuyên môn ít khi được thăng tiến là ở chỗ họ có cái nhìn tuy sâu nhưng lại thiếu bao quát. 
Vì sao sếp không chọn bạn?
Gần như những người giỏi chuyên môn chỉ có một mối quan tâm duy nhất là chuyên môn. Họ không nghĩ được đến muôn vàn những khía cạnh phức tạp khác đang tồn tại và đe dọa đến sự tồn tại của chính công ty và môi trường công việc. Bởi thế, người giỏi chuyên môn nhận được nhiều tôn trọng, nể phục, có cơ hội nhận thu nhập cao nhưng rất khó thăng tiến. Ngoài ra, cũng không phủ nhận, những người giỏi chuyên môn, yêu thích đến mức ham mê, thậm chí cuồng công việc thường hay có thái độ coi nhẹ mấy thứ kiểu như nội quy. Họ rất hay vi phạm những điều lặt vặt. Họ làm được những việc ít ai làm được nhưng sau đó nhanh chóng chìm vào mớ rắc rối của nội quy, quy chế. Họ khá cực đoan và ít khi thay đổi. 
Không tương tác tốt với sếp đang quản lý:
“Tương tác tốt” không phải theo nghĩa chúng ta cần làm những “con tắc kè hoa” đổi màu theo ý sếp. Tương tác ở đây là sự thống nhất trong cảm nhận về công việc. Thật khó để phán xét ai đúng ai sai, nhưng chắc chắn nếu bạn không nghĩ theo cách mà sếp hiện thời đang nghĩ, thì cơ hội để sếp quan tâm, lựa chọn bạn để nâng cao vị trí cho bạn là không thể. Bởi vậy, lời khuyên là có thể chúng ta bất đồng nhưng ít nhất cũng nên bớt cái tôi của mình để thừa nhận những điều người khác nghĩ. Đừng vội vàng nghĩ sếp “nông cạn, hiểu sai”… mà phủ nhận hết mọi định hướng mà sếp đang chú trọng. Dù gì đi nữa, sếp cũng có cái khó riêng của sếp. Và sếp có thể không quá nổi bật về kiến thức, chuyên môn nhưng ít nhất cũng là người có sự nhạy cảm nhất định trong quản lý và tổ chức. Nhất nhất đẩy mình ra khỏi bánh xe chung nhưng cứ cố tình buộc người khác phải thấy là mình đúng, thì đó là cách tốt nhất để bạn vĩnh viễn bị loại ra khỏi niềm vui đề bạt và thăng tiến!
Dạ Thảo
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.