Các em bé mới chào đời còn khá non nớt nên luôn cần được nâng niu, ôm ấp, tuy nhiên, việc nâng niu ôm ấp bé cũng cần được thực hiện đúng cách.
Nắm được các thao tác nâng giữ bé cơ bản, bạn có thể ôm em bé trong tay mà không sợ làm bé khó chịu hay thấy đau và đảm bảo sự an toàn cho bé. Không chỉ có vậy, tư thế bế đúng cũng giúp bạn ôm bé một cách thoải mái và không bị mỏi trong thời gian dài.
Video sau đây sẽ cho bạn những hướng dẫn chi tiết nhất về cách bế trẻ sơ sinh. hãy cùng theo dõi nhé!
ế trẻ sơ sinh đúng cách rất dễ đối với những bậc phụ huynh giàu kinh nghiệm nhưng cực kỳ khó đối với những người sinh con đầu lòng. Các bạn nên lưu trẻ sơ sinh xương rất yếu do đó bế không đúng cách sẽ gây hại cho hệ xương của bé, thậm chí để lại dị tật không thể nào chữa khỏi. Cùng tham khảo tư vấn của các điều dưỡng viên bệnh viện phụ sản về cách bế và ẵm trẻ sơ sinh các bạn nhé.
Cách bế và ẵm trẻ sơ sinh đúng cách và chuẩn nhất
Cách bế trẻ sơ sinh lên
Đừng lo lắng khi thấy bé quá mỏng manh, yếu ớt, bé cứng cáp hơn bạn tưởng rất nhiều đấy. Điều duy nhất bạn phải cẩn trọng là đầu bé còn yếu. Phải đến khi được 4 tuần tuổi bé mới có thể tự điều chỉnh đầu mình được một chút. Vì vậy khi bế bé lên, bạn cần phải đỡ đầu của bé trước.
– Luồn một tay xuống dưới cổ bé để đỡ lấy đầu bé.
– Tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn.
Ôm bé theo cách này, mẹ có thể dễ dàng chuyển bé từ chỗ này sang chỗ khác một cách nhẹ nhàng và êm ái.
Cách đặt trẻ sơ sinh xuống
Khi đặt con xuống bạn cũng phải nhớ giữ đầu bé. Nếu không làm như vậy, đầu bé sẽ nghẹo xuống, và có thể làm cho bé có cảm giác bị ngã, khi đó bé sẽ giật nảy người lên, chân tay dang ra theo phản xạ giật mình. Hãy đặt bé xuống nhẹ nhàng như với cách bế trẻ lên, sao cho toàn bộ cánh tay bạn đỡ lấy xương sống, cổ và đầu bé. Bạn cũng có thể dùng khăn quấn bé hơi chặt một chút để đầu của bé được nâng giữ cho đến khi bạn đã đặt bé vào nôi, lúc đó mới nhẹ nhàng cởi khăn quấn ra.
Cách bế trẻ lên từ tư thế nằm ngửa
Trẻ sơ sinh phải luôn được đặt nằm ngửa khi ngủ hoặc khi thay tã. Chính vì vậy bạn phải thường xuyên bế trẻ lên từ tư thế này. Nếu con bạn đang ngủ tốt nhất là bạn đánh thức bé nhè nhẹ trước khi bạn bế bé lên. Khi bạn chưa nhuần nhuyễn, thao tác bế lên này có thể gây đột ngột và gây giật mình rất có thể làm cho em bé khóc. Trong tình huống đó bạn nên cười nói dịu dàng với bé hoặc nhẹ nhàng dùng tay khều má bé khi chuẩn bị bế bé lên. Sẽ dễ dàng hơn khi bạn cúi sát xuống trước khi nâng bé lên.
Bước 1. Đỡ lấy gáy và mông của trẻ : Cúi sát về phía bé và luồn một bàn tay dưới đầu và cổ bé đồng thời tay kia đỡ mông trẻ. Bạn cũng có thể luồn tay từ bên hông hay từ giữa hai chân bé. Vài lời dịu dàng của bạn sẽ trấn an em bé và tạo cho bé cảm giác an toàn.
Buớc 2. Nhẹ nhàng nâng bé lên : Vẫn còn cúi hẳn về phía trước, bạn đỡ lấy toàn bộ trọng lượng của cơ thể vào hai bàn tay, bảo đảm đầu của bé phải được giữa vững. nói với bé và nhìn vào mắt bé trong khi nhẹ nhàng nâng bé lên.
Bước 3. Đưa bé vào tầm ngực của bạn: Bạn đứng thẳng hơn và xoay cho bé song song với cơ thể của bạn, đưa bé về phía ngực của bạn. cố giữ cho đầu bé hơi cao so với thân mình.
Bước 4. Để bé nằm trên chỗ gấp khuỷu tay : Khi đưa bé vào sát ngực của bạn, hãy luồn bàn tay đang đỡ mông bé lên để đỡ cả đầu bé. Gập cánh tay kia của bạn lại ngang với thân mình bạn và để đầu bé tựa trên chỗ gập đó, cho bé nằm dọc theo cánh tay. Dùng bàn tay còn lại để đỡ phụ cánh tay ấy.
Bế trẻ lên từ tư thế nằm sấp
Mặc dù bạn thường xuyên phải bế bé lên từ tư thế nằm ngửa nhưng đôi khi bạn cúng phải nâng chúng lên từ tư thế nằm sấp, ví dụ khi trẻ lăn mình sang bên lúc đang nằm ngủ. lúc đầu bạn có thể thấy lúng túng với tháo tác này.
Bước 1. Dùng tay đỡ lấy cổ và bụng của bé : Luồn một bàn tay giữa hai chân của bé sao cho lòng bàn tay tiếp xúc với ngực của bé. Nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay kia dưới má của bé, bảo đảm đỡ lấy đầu của bé cho vững vàng.
Bước 2. Nâng và xoay bé về phía bạn : Từ từ nâng bé lên, giữ vựng trọng lượng cơ thể của bạn. giữ đầu bé cao hơn thân mình bé, dùng chỗ gập của cánh tay bạn để đỡ lấy đầu của bé.
Bước 3. Ẵm bé trong vòng tay của bạn : Khi xoay bé về phía bạn, hãy đặt bàn tay đang ở giữa hai chân của bé xuống dưới mông nó. Hạ thấp cánh tay kia của bạn để đầu bé tựa vào chỗ gập ở khuỷu tay và cẳng tay của bạn đỡ dọc theo thân mình của bé.
Bế tré lên không đúng cách : Khi bạn đỡ lấy cổ của trẻ, phải đảm bảo là đầu bé thẳng hàng với cả cơ thể. Đừng nâng đầu bé ngửa ra sau nhiều hơn so với cơ thể, hay đè mạnh vào cổ của trẻ, vì như thể sẽ làm trẻ khó thở.
Cách bế bé sơ sinh chuẩn theo từng giai đoạn
Tùy từng giai đoạn phát triển của bé mà mẹ lựa chọn cách bế bé phù hợp.
Tư thế bế trẻ sơ sinh đúng chuẩn
Trẻ sơ sinh 1 – 2 tháng: Tốt nhất nên bế trẻ theo tư thế nằm ngang, hạn chế thấp nhất tư thế bế thẳng lưng trẻ (còn gọi là bế vác vai). Lý do là vì trong giai đoạn này, chiều dài đầu của bé chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài toàn thân nên khi bế vác, trọng lượng của toàn bộ phần đầu bé sẽ dồn áp lực xuống cột xương sống.
Một số bà mẹ muốn bế vác con lên sau khi cho bú để vỗ lưng cho bé ợ hơi, tránh trớ sữa thì cần chú ý để phần thân bé áp vào ngực mình và đỡ phần đầu, cổ bé ngả tự nhiên vào vai sẽ hạn chế được áp lực lên cột sống bé. Tuy vậy, cũng không nên bế bé trong tư thế này lâu.
3 – 5 tháng: Khi bé đạt đến mốc tuổi này, bạn có thể chọn bế bé theo hướng nghiêng hoặc bế dựng thẳng đứng (bế vác). Trong giai đoạn này, đầu bé đã bước đầu giữ được theo phương thẳng nhưng cổ và các cơ ở lưng vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Vì thế, tuy được khuyên là có thể bế bé theo 2 cách trên nhưng cách bế dựng thẳng lưng bé không nên duy trì trong thời gian quá lâu.
Với tư thế bế thẳng lưng bé, bạn có thể cho bé ngồi lên một cánh tay bạn, cánh tay còn lại đỡ phần ngực và cổ của bé sao cho áp sát vào ngực của bạn. Lúc này, bạn như một điểm dựa vững chắc cho cổ và lưng của bé. Với sự thay đổi nhỏ về tư thế bế như thế này, chắc chắn bé sẽ rất thích đấy.
Trẻ 6 tháng trở lên: Từ giai đoạn này trở đi, bạn có thể lựa chọn nhiều tư thế bế bé khác nhau tùy theo tình huống cụ thể và ý thích của bé. Riêng kiểu bế cắp nách, theo kinh nghiệm dân gian được truyền khẩu thì nên đợi đến khi bé cứng cáp hẳn, thông thường khoảng gần 1 tuổi là tốt nhất.
Một số chú ý khi bế trẻ sơ sinh
– Trước khi bế bé, bạn nên rửa tay sạch sẽ và tháo hết các vòng đeo tay để tránh làm trầy xước làn da non nớt của bé. Sau đó, nên xoa hai tay với nhau để tạo độ ấm rồi mới bế bé.
– Trong khi bế bé, động tác của bạn cần nhẹ nhàng, dịu dàng, nên nhìn vào mắt bé và mỉm cười. Ngay cả khi bé khóc, bạn đừng tỏ ra mất bình tĩnh khiến động tác trở nên quá nhanh, quá mạnh. Hầu hết các bé sơ sinh đều thích được mẹ bế với sự bình tĩnh, dịu dàng vì như vậy bé mới thấy cảm giác an toàn.
– Khi chưa được 2 – 3 tháng, phần cổ của bé rất yếu, không có sức nâng đầu dậy. Vì vậy, bạn cần chú ý hỗ trợ cho phần đầu của bé khi bế bé lên hoặc đặt bé xuống.
– Khi bé tỏ ra thích thú với trò chơi nào đó, sau khi kết thúc trò chơi, bạn nên bế bé trong một khoảng thời gian để bé được được yên tĩnh, thư giãn sau khi tinh thần đã ở trạng thái phấn khích.
Bế ẵm bé mang lại nhiều lợi ích
Việc bé được ôm chặt trong vòng tay mẹ hay được quấn tã chặt đều tạo cho bé cảm giác an toàn. Việc ôm con vào lòng, nựng bé nhẹ nhàng, âu yếm con, khi nói nhìn thẳng vào mặt con thực sự là những điều trẻ cần và có lợi cho trẻ. Những thí nghiệm cho thấy, một đứa trẻ sinh thiếu tháng sẽ tăng cân nhanh hơn nếu được đặt nằm trên những tấm trải mềm mượt, mịn màng, đơn giản vì những tấm trải như vậy tạo cho bé cảm giác được tiếp xúc, vuốt ve. Vì thế, em bé mới sinh của bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi được mẹ ôm vào lòng, vuốt ve, trìu mến.
Sau khi đọc xong bài viết này, các bạn lần đầu tiên lên chức ba mẹ đã biết cách bế ẵm em bé đúng cách rồi phải không nào. Bế bồng trẻ sơ sinh là hành động quan trọng nhất thể hiện sợi dây tình cảm chữa cha mẹ và em bé, do đó hãy tích cực bế em bé các bạn nhé.