Không giống như suy nghĩ của nhiều người, các hoạt động vui chơi có vai trò rất quan trọng với trẻ nhỏ. Những trò chơi phù hợp với độ tuổi bé theo từng giai đoạn sẽ giúp ích cho sự phát triển cơ thể của bé, đồng thời giúp bé học hỏi, rèn luyện thêm nhiều kĩ năng mới cũng như khám phá về thế giới xung quanh. Vậy nhưng làm thế nào để giúp trẻ có được những lợi ích tốt nhất từ việc chơi đùa và vẫn có được khoảng thời gian vui vẻ? Video sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.
Việc vui chơi với trẻ không hề khó, chỉ cần cha mẹ chịu chơi với trẻ. Hãy cùng giadinh.blog tham khảo những thông tin dưới đây để có thêm kinh nghiệm vui chơi cùng con nhé!
1. Cách vui chơi cùng bé hiệu quả
Vui chơi với bé sơ sinh 1 tháng tuổi
- Bạn hãy tạo nhiều bộ mặt khi gần bé. Cố làm theo những tiếng động và bộ mặt của bé thể hiện.
- Nói chuyện nhẹ nhàng vào tai bé. Cho bé nghe nhạc.
- Nâng bé lên vai bạn để bé có thể thấy xung quanh. Đỡ đầu bé khi ẵm bé.
- Cho bé thấy những bức tranh và những mẫu hình đơn giản có màu sáng và có trang trí, cách mặt bé khỏang 20-30 cm.
- Treo những vật quay nho nhỏ hay đồ chơi màu sáng ở nôi bé.
- Ẵm bé lên, chăm sóc, hôn và vuốt ve bé. Nói chuyện với bé, gọi tên bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 2 tháng tuổi
- Khi bạn muốn bé chú ý, hãy nói chuyện nhẹ nhàng với bé bằng giọng cao và nhìn thẳng vào bé. Khi bạn muốn bé yên lặng, hãy nói với bé bằng giọng trầm hơn. Hãy nói chuyện thường xuyên với bé.
- Lắc nhẹ cái lục lạc gần đầu bé. Đu đưa một đồ chơi sáng màu trước mặt bé khỏang 10 cm. Nói với bé bạn đang làm gì.
- Kêu tên bé nhẹ nhàng bên tai. Thì thầm với bé cho đến khi bé di chuyển mắt hay cố gắng quay đầu để nhìn thấy bạn. Làm như vậy ở tai bên kia của bé.
- Nếu thời tiết cho phép, hãy đưa bé ra ngòai mỗi ngày. Bây giờ là thời gian tốt nhất để thiết lập một cuộc đi dạo hàng ngày.
- Hãy ôm chặt bé, nói chuyện, vuốt ve và yêu thương bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 3 tháng tuổi
- Khi nói chuyện với bé, hãy nhìn trực tiếp vào mắt bé. Khuôn mặt bạn khi nhìn thẳng sẽ có ý nghĩa với bé rất nhiều hơn là khi nhìn nghiêng.
- Cho bé xem nhiều vật thể khác nhau. Để gần bé những vật có màu sáng và hấp dẫn dễ nhìn, nghe hay sờ nhưng phải lớn để bé không bỏ chúng vào miệng. Khuyến khích bé vươn tới vật thể đó hay chạm tới chúng.
- Đưa cho bé 1 cái lục lạc nhỏ và chỉ cho bé cách lắc nó như thế nào để tạo ra âm thanh.
- Khi có thể, bạn bế bé lên một cách an tòan trong lòng để bé có thể tiếp xúc, nhìn thấy quang cảnh xung quanh.
- Mỗi khi bạn hài lòng hay thích thú với những gì bé làm, hãy khen bé và gọi tên bé.
- Đu đưa và hát cho bé nghe. Hãy cho bé thật nhiều quan tâm và yêu thương.
Vui chơi với bé sơ sinh 4 tháng tuổi
- Đưa cho bé những đồ vật để bé dễ nhìn, nếm ngửi và nghe. Để bé tập ngửi nước hoa. Tập nghe nhạc từ băng, đĩa. Cho bé đồ chơi để bé cầm nắm.
- Cắt một băng khỏang 2,5 cm từ một chíếc vớ màu và tròng vào cổ tay đề bé có thể nhìn thấy, tìm thấy tay mình dễ hơn.
- Có thể tắm cho bé lâu hơn để bé chơi đùa. Té nước, đạp nước, giỡn với đồ chơi khi tắm rất cần cho sự phát triển của bé.
- Lấy tay bạn nắm giữ hai chấn bé để bé đạp chống trả lại bạn hay để một cái lục lạc phía trên chân bé để bé chòi đạp nó.
- Khi giỡn với bé, bạn hãy khen những cố gắng của bé, cười với bé và ôm chặt bé. Bé sẽ thích thú với những tán thưởng của bạn.
Vui chơi với bé sơ sinh 5 tháng tuổi
- Cho bé những đồ chơi mà bé có thể nhận những đáp ứng lại từ đồ chơi đó. Ví dụ như một cái hộp nhạc mà bé có thể khởi động khi kéo một cái quai cầm. Ở 5 tháng tuổi, bé có thể chơi trong chiếc nôi có trò chơi hoặc những vật treo có thể chuyển động được.
- Đặt vào nôi bé một chiếc gương bằng kim lọai không vỡ để bé có thể tự thấy mình. Nên chọn một cái gương tốt để bé có thể nhìn thấy hình ảnh mình rõ ràng và nên bảo đảm rằng gương không có cạnh sắc.
- Lập lại những gì bé “nói”, động viên bé nói chuyện và phát triển kỹ năng về ngôn ngữ. Nói với bé những từ hay cụm từ ngắn.
- Tạo cơ hội cho bé gặp những bé khác. Cho chúng nhiều thời gian để nhìn nhau, cười, “nói chuyện” và trườn tới gặp nhau.
- Ẵm bồng bé thường xuyên, nói chuyện và thủ thỉ với bé. Hãy cho bé cảm nhận là bạn rất yêu bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 6 tháng tuổi
- Cầm tay bé và cùng vỗ tay với bé khi bạn hát với bé. Hát những bái hát ru bé ưa thích, thay đổi giọng (to, nhỏ, lên xuống), và phát âm tử ngữ rõ ràng.
- Bồng bé vào lòng, mắt bé cách mặt bạn khỏang 20 cm. Bắt chước thể hiện những âm thanh do bé tạo ra.
- Để bé tự ngồi không cần giữ và theo dõi bé. Để nhiều gối xung quanh bé để bé có thể ngã trên đó.
- Để bé nằm sấp và nâng cao chân bé lên 8-10 cm so với mặt sàn. Khuyến khích bé đẩy người lên khỏi sàn bằng hai tay bé.
- Đứng ở một nơi bé có thể thấy bạn và nói với bé rằng bạn đang đi tới bồng bé. Đưa tay bạn ra, khi bé cười, “nói” hay vươn tới bạn, bạn hãy bồng bé lên.
- Tiếp tục những cử chỉ ôm bé, vuốt ve và yêu thương bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 7 tháng tuổi
- Cho bé xem những cuốn tạp chí và sách hình. Mua những lọai mà bé có thể vừa cầm vừa xem.
- Chơi trò “ú òa” với bé. Bịt đầu bạn lại với một cái khăn tay hay tấm mền con nít và hỏi: Mẹ đâu hay bố đâu? Lấy khăn ra và đến lượt bạn lấy chiếc khăn che bé để bé trốn. Bồng bé trước gương và hỏi bé: Ai đây? Sau đó chỉ vào hình bé và gọi tên bé.
- Mở nhạc và dìu cho bé nhảy, nói với bé mình đang làm gì.
- Âu yếm bé thường xuyên và nói chuyện nhẹ nhàng với bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 8 tháng tuổi
- Tạo những âm thanh hấp dẫn và khuyến khích bé bắt chước làm theo.
- Cho bé nghe những bài nhạc dành riêng cho trẻ sơ sinh và con nít.
- Để bé đứng và tập cho bé nhảy, lắc lư hay đi bộ.
- Bò chung với bé, vỗ tay khen thưởng và hôn bé khi bé đạt kết quả tốt. Nếu bạn có bé lớn hơn, rủ bé lớn chơi với em nhỏ của nó.
- Bỏ đồ chơi trong cái túi lưới và chỉ cho bé cách lấy chúng ra khỏi túi như thế nào và bỏ vô lại.
- Đưa bé cùng đi với bạn đến siêu thị, nơi đi dạo và những nơi đông vui khác. Sự kích thích của những môi ường đa dạng khác nhau rất tốt cho bé.
- Hãy dành thời gian để ôm ấp, vuốt ve, hôn và trò chuyện với bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 9 tháng tuổi
- Giấu một đồ chơi vào trong tấm mền và hỏi bé “Đồ chơi ở đâu?” Bé sẽ không kiếm được chúng dễ dàng; khi đó bạn hãy mở tấm mền ra cho bé thấy.
- Cho bé những đồ chơi phát ra tiếng kêu (ví dụ con thú bằng nhựa mềm khi bóp vô kêu chút chít,..) và chỉ cho bé cách làm nó kêu như thế nào. Khen bé mỗi khi bé làm tốt trò chơi.
- Đến giờ tắm, bạn có thể cho một súng bắn nước vào trong bồn, chậu tắm và cầm nó bắn nước nhẹ nhàng vào bé và sau đó để bé bắn lại mình.
- Có chế độ ăn và giờ ngủ thích hợp cho bé.
- Âu yếm và nói chuyện thật nhẹ nhàng với bé, đọc truyện hay là hát cho bé nghe. Gần đến giờ ngủ, bạn nên tránh những trò chơi có tính kích thích bé. Để những đồ chơi quen thuộc trong nôi khi bé ngủ.
- Tiếp tục trò chuyện với bé. Cho bé biết bạn đang làm gì và gọi tên những đồ vật quen thuộc.
Vui chơi với bé sơ sinh 10 tháng tuổi
- Cho bé xem những cuốn sách với màu sắc sặc sỡ và nhiều hình ảnh. Chỉ cho bé xem và đọc tên của những vật khác nhau trong đó.
- Cho bé xem một trái banh hay một đồ chơi, giấu nó sau lưng bạn và hỏi bé “Trái banh ở đâu?”. Khi bé kiếm được, lập lại trò chơi một lần nữa.
- Đưa cho bé một cái hộp và nhiều đồ chơi. Bỏ từ từ từng đồ chơi một vào trong hộp. Giúp bé bỏ đầy đồ chơi vào hộp và đổ ra sau đó. Hãy để bé tự chơi một mình.
- Động viên bé cố tự đứng dậy một mình và bạn hãy cho bé biết bạn vui như thế nào khi bé làm được điều đó.
- Để cho bé cầm ngón tay bạn và tự bước đi.
- Nói chuyện với bé thật nhiều, thường xuyên ôm bé và yêu thương bé.
Vui chơi với bé sơ sinh 11 tháng tuổi
- Đọc to và có biểu lộ cảm xúc cho bé nghe. Kể chuyện cho bé nghe theo những hình trong sách và để cho bé lật sách khi bé đã sẵn sàng.
- Cho bé những đồ chơi để xếp hay những vật có thể xếp khít lại với nhau ví dụ như bộ đồ chơi có thể xếp lồng vào nhau.
- Cho bé những đồ chơi có thể đẩy đi được dù bé chưa thể đi được.
- Cho bé những đồ chơi bắt chuớc theo những vật dụng quen thuộc. Ví dụ như cái đĩa đồ chơi hay cái điện thọai đồ chơi.
- Cho bé nhiều âu yếm và thương yêu.
Vui chơi với bé sơ sinh 12 tháng tuổi
- Để bé ngồi trong lòng và mặt đối diện với mặt bạn. Chỉ vào mũi bạn và nói “mũi”, sau đó chỉ vào mũi bé và nói tương tự; lập lại với các cơ quan khác như mắt, tai, miệng, cằm, tóc,…
- Đưa bé đi trên những con đường đi bộ thường ngày để bé quen dần với những thứ khác nhau: lá, cỏ, thân cây,…
- Giúp bé làm ngôi nhà bằng những đồ vật, những khối plastic và cho bé xô ngã chúng.
- Cho bé những đồ chơi có bánh xe hay cho bé chơi xe tập đi để bé có thể đi vòng quanh căn nhà.
- Khuyến khích bé đi theo bạn từ phòng này qua phòng khác.
- Tham gia vào những nhóm gia đình có em bé. Nó sẽ giúp cho bé của bạn dễ hòa nhập với những đứa trẻ khác và cho bạn có một nhóm cùng hỗ trợ bạn.
- Ôm ấp và yêu thương bé thường xuyên.
2. Những lý do bạn nên chơi với con thật nhiều
Suốt thời thơ ấu, việc chơi đùa có mối liên hệ không gì lay chuyển được với việc học tập, hòa nhập xã hội, sự phát triển và thậm chí cả trí năng của trẻ. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc được tiếp cận với những “nguyên liệu” chơi (như đồ chơi và trò chơi) là một trong những cách phù hợp nhất để khơi dậy trí thông minh của trẻ. Đồ chơi của các bé không cần phải đắt tiền hay là món đồ hiện đại nhất, và không nên là đồ chơi chạy điện, vì như thế có nghĩa món đồ chơi ấy sẽ tự mình làm mọi thứ để phục vụ bé tận răng. Những món đồ chơi đơn giản, rẻ tiền, tự do (những thứ mà bé có thể chơi theo bất cứ cách nào mà bé muốn) sẽ tốt hơn nhiều.
Chơi giúp con thông mình hơn.
Giờ chơi và sự tương tác với đồ chơi là quan trọng nhất, qua đó con sẽ tiếp thu được nhiều kỹ năng cơ bản. Hãy để ý một đứa bé chơi với một bộ đồ chơi xe lửa. Bé không chỉ chủ động biết được thêm về xe lửa mà còn biết được các bánh xe vận hành ra sao, làm sao để sử dụng đường ray và thậm chí cả trọng lực hoạt động thế nào. Cũng chính đứa trẻ đó khi phân loại những chiếc xe lửa, bé sẽ học được về màu sắc, con số, kích cỡ và hình dáng.
Bạn có thể làm gì? Hãy tắt TV và các đĩa DVD giáo dục, và lấy ra búp bê, ô tô, những quả bóng và bong bóng xà phòng.
Chơi giúp phát triển kỹ năng xã hội.
Chờ đến lượt, hợp tác cùng nhau, tuân theo luật lệ, thông cảm và khả năng tự điều chỉnh – những thứ trên chỉ là vài trong số những kỹ năng xã hội mà việc chơi đùa nhấn mạnh đến. Nó giúp trẻ con hiểu được các quy tắc tương tác xã hội mà sẽ rất có giá trị trong mọi mối quan hệ sau này của bé. Những đứa trẻ có thể chơi chung tốt với nhau sẽ có thể hợp tác tốt với mọi người khác sau này, và nghĩa là chúng có kỹ năng xã hội tốt.
Bạn có thể làm gì? Dù là một buổi chơi chung hay một chuyến đi đến sân chơi thì cũng hãy cho con bạn cơ hội tiếp xúc với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Những lúc như thế sẽ tạo nền móng cho những mối quan hệ xã hội trong tương lai, đồng thời gây nên những “áp lực” khiến chúng hành xử theo những cách chúng ta trông đợi.
Chơi giúp phát triển khả năng kiềm chế bốc đồng.
Người ta thường nói rằng chơi là công việc của trẻ con, và quả thật là thế, nó mang tính chất của công việc nhiều hơn ta tưởng. Đặc biệt, chơi tự do không phải là tự do. Đó là vấn đề của sự tự chủ và tuân theo những quy tắc xã hội. Những đứa trẻ từng tham gia vào trò chơi đóng kịch có thể rèn luyện được tính trách nhiệm xã hội cao hơn. Những đứa trẻ bốc đồng có xu hướng cho thấy sự tiến bộ tốt nhất khi được cho cơ hội chơi nhiều hơn.
Bạn có thể làm gì? Đừng quá vội vã tạo nên một lịch chơi khi cùng con ra ngoài hay tổ chức một buổi chơi chung với những nhà khác. Hãy cho con có cơ hội và đồ chơi để chơi (như quả bóng, những chiếc hộp và những khối nhiều hình thù) để tạo nên một buổi chơi “tự do” theo đúng nghĩa của nó.
Chơi làm giảm căng thẳng.
“Căng thẳng gì chứ?” bạn có thể đang tự hỏi như vậy. Chắc rồi, con bạn ngủ, ăn, và chơi bời gần hết thời gian của ngày, thế thì có gì mà căng thẳng chứ, nhưng tuổi thơ còn bao gồm cả việc học các quy tắc xã hội, kiềm chế những cơn bốc đồng, làm theo những điều mà người lớn nói và đối đầu với những “cuộc chia ly” – và đấy là chúng thậm chí chỉ mới vừa chập chững tập đi!
Bạn có thể làm gì? Nếu bạn đang đối mặt với thứ nhiều khả năng là một tình huống gây lo lắng cho con (một cuộc hẹn khám bác sĩ, một bữa ăn cùng rất nhiều khuôn mặt xa lạ…) hãy cố gắng đến sớm cùng với đồ chơi và dành thời gian cùng con chơi vui trước đó. Như thế sẽ giúp gián tiếp chuyển sự chú ý của con khỏi nỗi lo sợ và giúp con làm quen với môi trường mới thông qua những sự khuyến khích quen thuộc.
Chơi giúp tăng cường khả năng tập trung, sự chú ý và trí nhớ.
Khả năng tập trung và chú ý là những kỹ năng học tập, và chơi là một trong những cách tự nhiên nhất và thú vị nhất để một đứa trẻ có thể bắt đầu phát triển những kỹ năng này. Tất cả chúng ta đều từng thấy một đứa trẻ chập chững mải mê chơi đến nỗi thậm chí không nghe thấy khi bạn gọi tên bé. Sự tập trung này cũng chính là kỹ năng mà một đứa trẻ cần trong những năm sau đó để viết một bài luận, lắng nghe một bài giảng hay biểu diễn một bản piano.
Chúng ta vừa xem qua những hướng dẫn cách vui chơi cùng bé theo từng tháng tuổi hiệu quả tốt cho con trên đây hy vọng sẽ giúp cho các bậc cha mẹ biết cách giúp con phát triển thông qua những khoảng thời gian thư giãn. Các bạn đừng nghĩ trẻ còn nhỏ nên không thể biết vui chơi mà phải tích cực chơi với trẻ hơn nữa. Chúc gia đình bạn luôn vui vẻ khỏe mạnh