Viêm mũi dị ứng: Nỗi khổ của nhiều người

0
100
Viêm mũi dị ứng- không đe dọa tính mạng nhưng rất khó chịu
Viêm mũi dị ứng đã và đang được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm vì bệnh này được xem là một trong những bệnh gây tốn kém nhất cho xã hội cả về thời gian điều trị và ảnh hưởng sức lao động cũng như chi phí điều trị.
Theo những thông báo về dịch tễ học, tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số thế giới và số người mắc bệnh này ngày càng nhanh trong vòng 20 năm qua. Tại Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong các bệnh lý về tai mũi họng. Viêm mũi dị ứng có thể gặp phải ở tất cả các độ tuổi, nhưng nhiều nhất ở độ tuổi từ 21-30. 

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng bản chất là sự phản ứng miễn dịch của mũi xoang trước các tác nhân kích thích từ môi trường như: thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, mùi lạ…Các tác nhân kích thích gây dị ứng có thể xâm nhập theo các đường: hít thở, ăn uống, hoặc qua da. 
Viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết với hiện tượng dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng. Như vậy, chúng ta có thể thấy bệnh viêm mũi dị ứng phát sinh không phải do vi khuẩn, viêm nhiễm, tổn thương…như viêm xoang mãn tính mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, cùng một tác nhân kích thích nhưng có người bị viêm mũi dị ứng có người hoàn toàn không việc gì.
Do phụ thuộc vào cơ địa của từng người nên bệnh viêm mũi dị ứng thường mang yếu tố di truyền. Viêm mũi dị ứng cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mỗi người: như khi sức khoẻ kém, chức năng gan yếu, có dị hình như gai, lệch vách ngăn…cũng dễ bị viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng- không đe dọa tính mạng nhưng rất khó chịu
Những triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

– Hắt hơi: triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng.
– Ngứa mũi: Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài.
– Chảy nước mũi: Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi. Người bệnh bị chảy nước mũi cả hai bên, nước màu trong suốt, không có mùi.
– Tắc, ngạt mũi: Do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt hoàn toàn cả hai bên mũi. Người bệnh phải thở bằng miệng và ở trẻ em có thể bị cảm giác ngạt thở.
– Ngứa mũi, ngứa họng
– Cảm giác nặng vùng xoang quanh mũi, và đau mặt
– Sưng quầng mí mắt dưới
– Giảm hoặc mất cảm giác nếm và ngửi
– Đau: Ngoài cảm giác đầy trong mũi, ngạt cứng trong mũi, vì thiếu thở nên người bệnh có cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não. Một số trường hợp đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm theo cả rối loạn vận mạch vùng mặt.
          Viêm mũi dị ứng: Nỗi khổ của nhiều người
Những nguyên nhân có thể dẫn tới viêm mũi dị ứng

Làm sao phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng thật đa dạng và nhiều nguyên nhân. Để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng, cần lưu ý:
– Không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Và nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng.
– Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng.
– Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển
– Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy
– Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào 
– Không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình  như : hải sản tôm, cua, ốc.
– Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi, kể cả bụi trong nhà và bụi ngoài đường. Vì vậy, cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường.
– Bảo vệ cơ thể khi thời tiết chuyển mùa: Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh nhất là ở những người có cơ địa dị ứng thì cần giữ ấm cơ thể như: mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm. 
Đặc biệt, khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để được điều trị sớm, tránh để bệnh thành mãn tính đưa đến viêm họng, phế quản dị ứng, hen suyễn. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.
Lazy

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.