Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện do bệnh viêm não vi rút tăng cao. Nguyên nhân là do mùa hè cũng là lúc đỉnh điểm của dịch viêm não. Bệnh viêm não vi rút là bệnh do vi rút gây nên, chúng tác động vào hệ thần kinh trung ương trong đó đặc biệt là não. Sự tác động này khiến để lại tổn thương và di chứng thần kinh nặng, nếu không được chữa kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.
Với bệnh viêm não vi rút, nguyên nhân xuất phát từ vi rút arbo, vi rút EV71, herpes. Từ trước những năm 1997, khi nước ta bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não vi rút chủ yếu là vi rút viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não vào năm 1995. Nhờ kết quả phòng bệnh của chương trình triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại nước ta, số trường hợp viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Hùng (chuyên khoa Nhi) cho hay, điều đáng lo ngại, cho đến nay chỉ có bệnh viêm não Nhật Bản là có vắc xin phòng bệnh còn lại các chứng viêm não vi rút khác không có vắc xin. Nếu nguyên nhân do vi rút arbo thường do côn trùng muỗi, ve đốt. Với vi rút herpes có thể lây qua đường tiếp xúc, qua nói chuyện nếu không cách ly hoặc đeo khẩu trang cho bệnh nhân. Còn vi rút đường ruột lây qua quá trình tiếp xúc chất dịch tiêu hóa của người bệnh, lây qua tay cầm cửa, nơi có vi rút mà không rửa tay, ăn uống không hợp vệ sinh.
Sở dĩ số lượng bệnh nhân tăng cao vào mùa hè do thời điểm này có lúc thời tiết thay đổi, đan xen giữa những đợt nắng nóng và mưa. Điều này khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng, nhất là với trẻ em sức đề kháng chưa tốt. Mùa hè cũng là mùa của những căn bệnh truyền nhiễm khác như chân, tay, miệng hay sốt xuất huyết. Vì vậy, nếu không có biện pháp phòng tránh mà để nhiễm 2 căn bệnh này sẽ có nguy cơ bội nhiễm dễ dẫn đến tử vong.
Triệu chứng của viêm não có sốt cao, co giật nên nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ con chỉ cảm sốt thông thường nên khi đưa đến bệnh viện đã ở trong tình trạng nặng. Triệu chứng ban đầu xuất hiện rất đột ngột, sốt cao, co giật, lờ đờ, hôn mê, mất ý thức. Bệnh diễn biến nhanh, nếu không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù triệu chứng như vậy nhưng cũng có trường hợp trẻ chỉ nôn ít, sốt không cao nhưng kèm tiêu chảy. Điểm lưu ý đặc biệt với phụ huynh, nếu trẻ kêu đau đầu thì rất có thể bé bị viêm não. Với viêm não Nhật Bản, thời gian ủ bệnh trong vòng 5-15 ngày. Khoảng thời gian 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Giai đoạn viêm não cấp tính có biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỉ lệ có di chứng rất cao.
Đề phòng bệnh viêm não virus
Gia đình cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi trong nhà. Cần chú ý những ao tù, nước đọng, phát quang bụi rậm dể tránh muỗi sinh sôi nảy nở. Thực hiện nếp sống ngủ màn, mặc quần áo dài tay khi đi vào những khu vực bụi rậm. Tăng cường diệt lăng quăng để chúng không phát triển thành muỗi.
Với người bị bệnh viêm não cần cách ly, thực hiện vệ sinh cá nhân tốt. Còn người khỏe khi tiếp xúc với người bị bệnh cần đeo khẩu trang, có thể hạn chế tiếp xúc với người bệnh nếu không cần thiết.
Thực hiện vệ sinh cá nhân hàng ngày, trong đó lưu ý rửa tay sạch sẽ đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc ở bên ngoài về.
Viêm não Nhật Bản đề phòng bằng tiêm vắc xin đầy đủ.
– Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi.
– Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
– Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Linh Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.