Viêm tai giữa là chứng bệnh thường gặp trong số những bệnh ở tai. Đa số mọi người thường nhầm lẫn bệnh này với các bệnh khác ở hệ thần kinh cũng như tiền đình nên khi để lại biến chứng mới đi khám. Từ những năm 1990 trở lại đây, nhiều người đã ý thức được tác hại của viêm tai giữa nên đi khám kịp thời giúp chẩn đoán bệnh, điều trị sớm để tránh gây ra hậu quả lâu dài về khả năng nghe của tai.
Bà Nhàn (Thái Bình, Hà Nội) đang khỏe mạnh, bỗng dưng xuất hiện triệu chứng nhức đầu, đau vùng tai. Tuy nhiên, bà Nhàn chủ quan không đi khám chỉ tự uống thuốc tại gia. Người này người kia tự tư vấn cho bà có thể bị bệnh ở tiền đình nên mới có những triệu chứng như vậy. Ban đầu các hiện tượng đau đầu, đau tai xuất hiện thưa thớt, chỉ thoáng qua rồi biến mất nên càng khiến bà Nhàn không để ý. Sau đó, những triệu chứng này xuất hiện dồn dập hơn. Thậm chí, có những ngày bà Nhàn không thể ngủ trưa hay ngủ tối được, cứ nhắm mắt là cơn đau hành hạ đến mức đi không vững.
“Cách đó một thời gian, tôi thấy nước chảy ra từ tai. Ban đầu nghĩ là do tắm không để ý nên nước vào tai. Sau khi nước chảy ra, cảm thấy tai bị ù, đau. Đi khám bác sĩ chẩn đoán là viêm tai giữa mới biết được sự nguy hiểm của căn bệnh này”, bà Nhàn nói.
Viêm tai giữa là vấn đề ở tai. Đây là tình trạng viêm xương hòm nhỉ, xương chũm. Khi viêm tạo dịch trong khu vực hòm nhĩ. Dịch này có thể nhiễm trùng hoặc vô trùng. Bệnh này có thể gặp ở trẻ em nhưng người lớn cũng có thể bị.
Dấu hiệu của viêm tai giữa có chảy mủ tai, đau đầu, nhức tai. Khi bệnh biến chứng có thể chảy mủ nhiều, liên tục mà không khám, sử dụng thuốc thường xuyên mà nay đột nhiên bị sốt lại; tai chảy mủ nhiều và rất nặng mùi (biểu hiện bệnh đã biến chứng viêm xương chũm), nghiêm trọng hơn nữa, mủ sẽ xuất ngoại sau rãnh tai, rãnh sau tai sưng nề.
Với người lớn, bệnh viêm tai giữa là hệ quả của viêm tài ngoài hoặc bị vấn đề ở xoang, khối u vùng xoang mũi. Cũng có bệnh nhân bị viêm tai giữa do khối u vòm mũi họng, lao thái dương. Với trẻ em, bệnh viêm tai giữa do siêu vi gây bội nhiễm ở ống tai qua màng nhĩ và vào tai giữa, hoặc bị viêm V.A dẫn đến viêm tai giữa.
Viêm tai giữa mãn thường không có triệu chứng, có thể duy nhất là sức nghe bị giảm xuống. Để chữa viêm tai giữa mãn có thể dùng thuốc hoặc rạch màng nhỉ, đặt ống thông nhĩ hay nạo V.A ở trẻ em. Còn viêm tai giữa cấp có thể nguyên nhân xuất phát từ việc bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Triệu chứng có thể là sức nghe giảm, chảy mủ, đau tai, sốt. Để chữa viêm tai giữa cấp cần điều trị bằng kháng sinh hoặc kháng viêm.
Đề phòng viêm tai giữa như thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Cường (Chuyên khoa Tai – Mũi – Họng) cho biết, để đề phòng viêm tai giữa cần lưu ý khi tiếp xúc với nước. Với người bị viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa không nên đi bơi ở bể bơi hay ao hồ. Nếu cơ thể xuất hiện dịch vàng chảy từ tai, đau vùng sụn trước của tai, khó chịu…cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chữa trị kịp thời.
Nếu bơi ở biển, bể bơi xong cần vệ sinh tai kỹ, giữ tai khô thoáng hoặc dùng khăn lau khô tai ở vòng ngoài.
Thường xuyên giữ vệ sinh môi trường sống, dọn dẹp nhà cửa. Khi tắm cần lưu ý tránh để nước vào tai, nếu nước vào tai cần cho nước ra ngoài khi tắm xong.
Giữ vệ sinh tai, tránh tự lấy ráy tai bằng những dụng cụ không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi lấy ráy tai, hoặc không láy ráy tai thường xuyên. Nếu bị chảy máu, trầy xước do lấy ráy tai cần phải đi khám để tránh viêm nhiễm.
Trẻ em sau khi bú hay ăn uống không nên nằm ngủ liền vì như vậy sẽ khiến vi trùng ở cổ họng nếu có xâm lấn lên tai.
Cần phát hiện bệnh sớm, điều trị triệt để các ổ viêm vùng mũi họng như điều trị viêm mũi xoang, thường xuyên bị phải cân nhắc nạo VA. Trẻ cần được chữa sổ mũi, ho kịp thời để tránh bị viêm tai giữa.
Đông Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.