Tị nạn khí hậu ở Nam Cực, đại dịch cướp đi hàng triệu sinh mạng, mỗi quốc gia chỉ còn cố đấu tranh để sinh tồn, thế giới năm 2030 có thể sẽ như thế theo cảnh báo của nhiều chuyên gia. Nhưng chúng ta cũng có thể chứng kiến những viễn cảnh đẹp, như sa mạc Sahara trở thành ốc đảo màu mỡ.
Cách đây vài ngày, các nhà khoa học cảnh báo rằng những mất mát do khủng hoảng tài chính quá nhỏ bé so với những thiệt hại do con người gây ra đối với thiên nhiên. Mới đây, “Diễn đàn vì tương lai” (Forum for the Future) ở Anh vừa đưa ra một dự báo không mấy tốt đẹp cho tương lai. Các đại biểu mở đầu với lời nhận xét: “Mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế sẽ nghiêm trọng chẳng kém gì khủng hoảng tài chính”.
Trong báo cáo “Climate Futures“, các chuyên gia phác thảo 5 kịch bản. Để làm nên báo cáo này, các tác giả đã thăm dò ý kiến của 70 chuyên gia, trong đó có nhiều nhà kinh tế học và khoa học xã hội, nhà báo, nhà hoạt động môi trường và chính khách. Bên cạnh những cảnh báo về khí hậu, báo cáo cũng đưa ra những viễn cảnh tốt đẹp.
Dưới đây là 5 kịch bản có thể xảy ra vào năm 2030:
Con người được cứu thoát nhờ công nghệ
Nhiều cải tiến, phát minh ra đời, giúp con người sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và giảm thiểu lượng khí nhà kính thải ra đến mức chúng ta hầu như không phải thay đổi lối sống. Kinh tế phát triển không bị kìm hãm.
Nhu cầu ngày càng tăng của tròn 8 tỷ con người sinh sống trên Trái Đất vào năm 2030 có thể sẽ được thỏa mãn qua những mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Thịt nhân tạo có thể nuôi sống hàng trăm triệu con người.
Các nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời sẽ biến đổi sa mạc Sahara trở thành một vùng đất màu mỡ. Công nghệ nano giúp chúng ta tạo ra “bụi thông minh” để theo dõi môi trường trong thời gian thực nhằm ngăn ngừa mọi thảm họa trước khi chúng xảy ra.
Nam Cực có thể trở thành nơi sinh sống của hàng triệu người vào năm 2040. (Ảnh: paleofuture.com)
Cuộc cách mạng dịch vụ
Nền kinh tế của năm 2030 sẽ dựa vào dịch vụ nhiều hơn là công nghiệp. Các công ty sẽ phải bỏ ra nhiều tiền để được thải khí CO2. Điều này sẽ thúc đẩy tính sáng tạo. Một dự án không phụ thuộc năng lượng của châu Âu thành công và được áp dụng ở mọi nơi trên thế giới. Con người đi bằng xe đạp thay vì lái ôtô.
Kinh tế được xã hội hóa cực độ. Tất cả mọi thứ sẽ được nhiều người sử dụng chung vì mức độ hiệu quả: Do máy giặt hay ôtô quá đắt đối với một cá nhân, hiện tượng nhiều người sử dụng một ôtô hay tiệm giặt công cộng sẽ trở nên phổ biến.
Định nghĩa mới của tiến bộ
Kịch bản này giống như một không tưởng xã hội ra đời từ những khó khăn kinh tế. Trì trệ kinh tế toàn cầu từ 2009 đến 2018 bắt buộc con người, đặc biệt là trong những nước công nghiệp, phải chấp nhận một lối sống giản dị hơn, làm cho người ta hướng nhiều hơn đến việc nâng cao đời sống tinh thần cá nhân và chất lượng cuộc sống. Ở Mỹ, người ta làm việc 25 giờ/tuần cho chính mình và thêm 10 giờ cho cộng đồng.
EU giới hạn thời gian làm việc trong một tuần ở mức 27,5 giờ. Ngân hàng Thế giới đưa ra chỉ số đánh giá các biện pháp cải tiến chất lượng cuộc sống. Hàn Quốc chủ trương cải thiện chất lượng cuộc sống thay vì phát triển kinh tế. Con người vẫn làm việc, tiêu dùng và tạo ra của cải, nhưng quan điểm của họ với tiền bạc sẽ khác nhiều so với ngày nay.
Tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu sẽ khiến người ta hướng đến các giá trị tinh thần nhiều hơn tiền bạc. (Ảnh: Ehow.com)
Ưu tiên bảo vệ môi trường
Trong kịch bản này, các chuyên gia mô tả “một thế giới phản ứng quá chậm trước biến đổi khí hậu”. Các cuộc thương lượng nhằm cho ra đời một thỏa thuận thay thế Hiệp ước Kyoto thất bại. Mỗi vùng trên thế giới đều theo đuổi quyền lợi riêng. Thương mại quốc tế gần như không còn. Giá dầu tăng lên đến 400 USD/thùng. Các hộ gia đình sẽ bị cắt điện nếu sử dụng quá nhiều. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm dần, nhưng con người phải trả giá bằng cách từ bỏ nhiều lợi ích cá nhân.
Ở vài nước, vợ chồng chỉ được phép có con khi được cấp giấy phép qua một hệ thống điểm. Sống thân thiện với môi trường sẽ được thêm điểm.
Các hậu quả thảm khốc của tình trạng hủy hoại môi trường dẫn đến nhiều cuộc di dân quy mô lớn. Ngay cả Nam Cực cũng trở thành đích đến của những dòng người lánh nạn. Khoảng 3,5 triệu người sẽ sống ở Nam Cực trong năm 2040.
Trào lưu bảo hộ nội địa
Trong thế giới tối tăm của năm 2030, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn thoái trào. Xung đột vũ trang vì tài nguyên xảy ra ngày càng nhiều. Chiến tranh hóa học và sinh học nhằm tranh giành nguồn nước ở vùng Cận Đông để lại hậu nhiều quả thảm khốc.
Hậu quả của tình trạng trên là sự lên ngôi của chính sách bảo hộ nội địa cực đoan do mỗi nước đều muốn bảo vệ cái mà họ có. Giá cả tăng vọt, thương mại gặp khó khăn, nạn đói và dịch bệnh (trở nên trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu) cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Các quốc gia đóng cửa biên giới do lo ngại dịch bệnh lan truyền.
“Một ngày nào đó, thế giới có thể sẽ như thế. Có một vài khả năng không được tốt đẹp cho lắm. Có lẽ một ngày nào đó các sử gia sẽ nhìn lại thời gian hiện nay và gọi nó là ‘Những năm của biến đổi khí hậu’. Họ sẽ khen ngợi thế hệ của chúng ta, nhưng cũng có thể nhìn chúng ta bằng con mắt ghê tởm – giống như cách chúng ta nhìn nhận tình trạng mua bán và sử dụng nô lệ trong quá khứ“, ông PeterMadden, chủ tọa “Diễn đàn vì tương lai“, phát biểu.