Sách Đỏ Việt Nam 2004 sắp ra đời sẽ đưa thêm vào danh mục chính thức nhiều lòai động, thực vật bị nguy cấp (tuyệt chủng hoặc nguy cơ cao bị tuyệt chủng).
Từ năm 2001 đến 2003, Đề án tu chỉnh và soạn thảo Sách Đỏ Việt Nam 2004 do Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, nay là Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam chủ trì đã ra đời, có sự tham gia của đông đảo cán bộ khoa học các ngành trong cả nước.
Kết quả đề án cho thấy mức độ bị đe dọa ở từng thành phần động, thực vật trong thiên nhiên có sự thay đổi đáng báo động.
Tu chỉnh Sách Đỏ
Sách Đỏ Việt Nam gồm các phần: Động vật, Thực vật. Lần đầu tiên được soạn thảo và công bố trong các năm 1992 và 1996, Sách Đỏ Việt Nam nhanh chóng đi vào cuộc sống, được sử dụng rộng rãi ở các ngành, địa phương, làm căn cứ xem xét, đánh giá, xử lý các trường hợp vi phạm luật lệ, quy định của Nhà nước về cấm săn bắt, khai thác, vận chuyển, buôn bán các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa, cũng như đề xuất các biện pháp bảo vệ cần thiết cho từng đối tượng.
Kể từ thời gian công bố Sách Đỏ Việt Nam 1992 -1996, thực trạng thiên nhiên nước ta nói chung, đa dạng sinh học nói riêng đã có sự thay đổi và cần được cập nhật những thông tin mới.
Do đó, việc tu chỉnh và soạn thảo Sách Đỏ Việt Nam 2004 là rất cần thiết.
Hươu sao nay đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên |
Sau hai năm thực hiện, với sự cộng tác của trên 70 nhà khoa học, Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam đã hoàn thành việc soạn thảo cả 2 tài liệu cơ bản: Danh lục Đỏ Việt Nam 2004 và Sách Đỏ Việt Nam 2004, được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc.
Kết quả thực hiện Đề án tu chỉnh và soạn thảo Sách Đỏ Việt Nam 2004 (chưa ra mắt) cho thấy tình hình mới về đa dạng sinh học ở nước ta sau 10 năm.
Động, thực vật nguy cấp tăng cao…
Tổng số loài động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa ở các mức khác nhau đã lên tới 857 loài, trong đó có 407 loài động vật và 450 loài thực vật.
So với số liệu công bố trong Sách Đỏ Việt Nam 1992 -1996 là 709 loài bị đe dọa (359 loài động vật và 350 loài thực vật), có thể thấy rằng số loài hiện thời bị đe dọa tăng lên đáng kể.
Điều đáng quan tâm hơn là mức độ bị đe dọa ở từng thành phần động, thực vật trong thiên nhiên cũng có sự thay đổi rất đáng báo động.
Trong thành phần động vật, ở Sách Đỏ Việt Nam 1992, mức độ bị đe dọa cao nhất của các loài chỉ ở thứ hạng Nguy cấp thì năm 2004 đã có tới 6 loài bị coi là tuyệt chủng trên lãnh thổ.
Về thú rừng có 3 loài: Tê giác hai sừng, heo vòi, cầy rái cá có thể coi là tuyệt chủng hoàn toàn. Hươu sao chỉ còn tồn tại ở trạng thái nuôi dưỡng và đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.
Trong số các loài động vật sống dưới nước, loài cá chép gốc và cá sấu hoa cà cũng được coi là tuyệt chủng hoàn toàn trong thiên nhiên.
Hiện có 149 loài động vật sống dưới nước được coi là Nguy cấp, tăng hơn rất nhiều so với 71 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 1992.
Có 46 loài được coi là Rất nguy cấp, nhiều nhất là ở các nhóm: Thú rừng (12 loài), Chim (11), Bò sát lưỡng cư (9), Côn trùng (4)…
Đáng chú ý là một số loài côn trùng có hình dáng, màu sắc đẹp bị săn bắt quá nhiều và đang là đối tượng Rất nguy cấp như: Cặp kìm sừng kiếm, cặp kìm lớn, bọ hung 3 sừng, cánh cam bốn chấm…
Trong thành phần thực vật, hiện chưa thấy có các loài bị coi là đã tuyệt chủng, song trong Sách Đỏ Việt Nam 1996, một số loài trước đây được xếp trong diện Sẽ nguy cấp nay phải chuyển sang diện Nguy cấp và Rất nguy cấp.
Sách Đỏ Việt Nam 1996 mới chỉ có 24 loài thuộc diện Nguy cấp thì nay đã lên tới 192 loài, trong đó có 45 loài được coi là Rất nguy cấp. Phần lớn số loài này thuộc ngành Mộc lan (hạt kín) và ngành Thông (hạt trần).
Trong số các loài thực vật thuộc diện Rất nguy cấp hiện nay, có các cây gỗ quý như: Hoàng đàn rủ, hoàng đàn, bách vàng, bách tán Đài Loan, một số cây thuốc quý như: Ba gạc hoa đỏ, sâm vũ diệp, tam thất hoang, các loài thực vật đặc hữu của Việt Nam như: Giác đế Tam Đảo, sao lá cong.
Cây cảnh quý hiếm như: Lan hài đỏ, lan hài điểm ngọc, lan hài Tam Đảo, lan hài Hê-len cũng được xếp vào dạng Rất nguy cấp.
Trong Sách Đỏ Việt Nam 2004, số loài được đánh giá ở mức Sẽ nguy cấp cũng tăng rất nhiều. ở thực vật, động vật, số loài được xếp vào diện trên lần lượt là 209 và 173 loài.
Số tăng nhiều hơn cả là nhóm: Chim, Cá nước ngọt, Thú, Côn trùng, Động vật biển. Riêng thực vật, ngành Mộc lan trước đây chỉ có 48 loài được coi là Sẽ nguy cấp thì nay tăng lên tới 180 loài.
Một điều đáng lưu ý là, có những loài động vật hoang dã được coi là tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trên lãnh thổ nước ta như: Tê giác hai sừng, heo vòi, cầy rái cá; hoặc có thể đã tuyệt chủng như bò sát hiện vẫn tồn tại ở một số quốc gia lân cận.
Bảo vệ động, thực vật hoang dã: Nhiệm vụ cấp bách
Từ kết quả nêu trên có thể thấy mức độ đa dạng sinh học ở nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Việc hoàn thành soạn thảo Sách Đỏ Việt Nam 2004 ngoài ý nghĩa góp phần đánh giá tình hình đa dạng sinh học hiện thời, dự đoán được xu thế phát triển trong thời gian tới còn làm cơ sở để soạn thảo Luật Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam đang được tiến hành.
Đồng thời, nó cũng đặt ra những nhiệm vụ cấp bách về bảo tồn tài nguyên sinh vật thiên nhiên nước ta, không chỉ chú trọng các sinh vật có giá trị về kinh tế mà cả giá trị khoa học, văn hóa. Sách Đỏ Việt Nam sẽ ra mắt trong thời gian tới. Rồi đến lúc đó, tình hình sẽ lại còn nguy cấp hơn?
GS-TSKH Đặng Ngọc Thanh (Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam) – theo Hà Nội Mới
Theo VietNamNet