Vợ “Giáo sư Xoay” chia sẻ kinh nghiệm trị tắc tia sữa cực hay!

Tắc sữa là việc thông thường, không quá phức tạp, nhưng nếu không hiểu bản chất và có cách chữa đúng thì mẹ sữa sẽ gặp phải vô cùng nhiều nguy cơ và chịu đau đớn, em bé thì lại không có sữa mẹ để bú. Vì thế, đây là note ghi lại những gì mình hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân mình sau 8 lần tắc sữa đi tắc sữa lại. Tuy cơ địa mỗi người khác nhau, nhưng để chữa tắc tia sữa thì quan trọng nhất là các mẹ phải hết sức bình tĩnh!

Tắc sữa có hiện tượng như thế nào?

Có rất nhiều triệu chứng cho thấy mẹ bị tắc tia sữa, nhưng điển hình là:

– Bầu ngực cương, có những mảng cứng, thậm chí như hạch từng viên, từng tảng, có người còn lan ra cả nách. Cảm giác rất đau và nặng.

– Đầu ti có thể sưng hoặc không.

– Cảm giác sữa bên trong thì nhiều mà vắt hay bú hút đều không ra, nếu có thì ri rỉ ra mấy giọt. Thậm chí có người còn ra mủ xanh – vàng.

– Có thể sốt cao, người rét run. Nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C hoặc hơn.

– …

Chị Hồng Nga và bé Pony đáng yêu.

Vì sao lại bị tắc tia sữa nhỉ?

Nguyên nhân tắc tia sữa cũng… vô vàn, có thể do:

– Mới sinh xong, cơ thể người mẹ đang dần “tiến hoá” chức năng tiết sữa nên cần cho nó thời gian thích nghi. Lúc này, hiện tượng cương sữa là rất phổ biến, chứ chưa phải là tắc.

– Con bú không đúng khớp ngậm. Mẹ đã biết khớp ngậm đúng là gì chưa nhỉ? Đó là:

1 – Cằm bé cắm sâu vào bầu vú mẹ

2 – Đầu bé ngửa ra (góc giữa cằm cổ khoảng 140 độ)

3 – Lưỡi của bé đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới

4 – Miệng bé mở rộng (như cá đớp mồi), không chỉ ngậm đầu ti mà ngậm sâu vào quầng vú.

5 – Bé ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú trên. (Đỉnh đầu ti sẽ chạm sát vòm trên trong họng bé)

6 – Mẹ không có cảm giác đau hay khó chịu khi bé nút.

7 – Khớp bám rất chắc cho dù lúc bé ngưng nút.

8 – Bé nút nhanh ngay lúc đầu (massage), sau đó khi có sữa bé nút, nuốt, thở, thỉnh thoảng nghỉ vài phút rồi lại nút tiếp.

– Vệ sinh “ti” không sạch, không đúng cách gây bịt kín đầu tia sữa. Chẳng hạn, nhiều mẹ vì quá cẩn thận nên luôn dùng nước muối vệ sinh đầu ti, rồi dùng khăn sữa của con để lau nhưng thực ra khăn sữa có thể có rất nhiều sợi vải nhỏ li ti, chúng có thể cuộn lại và bịt kín các đầu tia sữa mà mình không hay. Mẹ biết không, tự nhiên sinh ra ti mẹ đã đủ chức năng tự làm ẩm. Mình chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bằng nước ấm sau khi bé ti, và tận dụng chính sữa mình để làm mềm và dưỡng ẩm cho ti. Các trường hợp nứt cổ gà hay bệnh khác thì mới cần bôi thuốc.

– Thời gian mỗi cữ bú quá lâu (hơn 6h) gây căng tức quá lâu mà không được bú hay vắt ra.

– Con bú xong mà ngực vẫn còn cương, sữa còn lại trong cữ đó không được vắt ra, lâu dần đọng lại gây tắc tia sữa. (Đương nhiên là không bao giờ vắt hết sữa được nhưng mẹ nên vắt đến khi ngực mềm nhé).

– Lưỡi của con: nguyên nhân này mình… té ngửa người khi đi chữa ở viện sản. Cô điều dưỡng nói là con mình những tuần đầu có kết hợp dùng sữa công thức, khi pha thì nhiệt độ nước không ổn định dẫn đến lưỡi con phát sinh một loại vi khuẩn (không có hại cho bé nhưng hại cho ti mẹ). Mà khuẩn này lại càng phát triển mạnh khi rơ lưỡi cho bé bằng nước muối sinh lý, thế nên mình phải dừng lại lập tức.

– Với cá nhân mình thì có thể nguyên nhân tắc tia sữa đến từ cả máy hút, hoặc chí ít là cách hút. Cái này mình không dám chắc nhưng sau khi cho bé bú mẹ hoàn toàn, không vắt không hút bằng máy nữa thì thấy không bị tắc lại nữa. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ khác vắt, hút sữa bằng máy vô tư mà cũng không tắc bao giờ. Thế nên mẹ sữa phải tự lắng nghe vấn đề của chính mình nhé!

Điều trị như thế nào?

Đây là các cách mình nghĩ dành cho cương sữa/ tắc sữa dạng nhẹ, ta có thể tự làm hoặc mời người về nhà chữa cho. Còn nếu đã tắc lâu hoặc có mủ, sốt cao…thì các mẹ rất nên đến bệnh viện ngay để tránh bị áp se vú, khi đó sẽ đau và khổ lắm, hệ lụy càng không tốt chút nào và nhất là phải dùng kháng sinh.

Nhưng, kể cả trường hợp ấy các mẹ cũng đừng quá lo sợ. Con đường nuôi con còn dài, không chỉ có mỗi vấn đề sữa mẹ, nên quan trọng nhất là mẹ khoẻ mẹ vui thì khắc sẽ nuôi con tốt. Nếu kháng sinh quá nặng ảnh hưởng đến sữa thì phải cân nhắc. Nếu không thì bác sĩ sẽ kê các loại dùng được cho mẹ sữa. Các mẹ cũng nên đến bệnh viện sản vì ở đó chuyên môn triệt để hơn.

Mẹo trị tắc sữa ở nhà

Có nhiều bài thuốc dân gian mà mọi người “Google” có rất nhiều, nhưng mình đã tìm hiểu sau 8 lần tắc, thì đều rút ra nguyên lý chung:

– Mát-xa đúng cách bầu ngực phần nang sữa. Vê đầu ti và dùng hai ngón cái + trỏ vắt tia sữa bắn ra thành tia là được.

– Sau đó làm nóng phần nang sữa + đắp một loại tinh dầu nào đó: làm nóng bằng gì thì tuỳ vì có nhiều cách, có người dùng lá mít, men rượu, đèn hồng ngoại chiếu vào, chườm cơm nếp nóng…

+ Mẹ lưu ý độ nóng kẻo bỏng thì khổ lắm.

+ Không bôi không đắp gì lên vùng quầng thâm và đầu ti – là những nơi nhạy cảm.

+ Men rượu là bài thuốc của cung đình Huế, mẹ có thể tìm mua ở các dịch vụ chăm sóc sau sinh.

+ Đèn hồng ngoại thì mình mua loại nhỏ (khoảng 400 ngàn), tìm trên Google nhiều lắm. Chiếu cách ti 50-70cm, thời gian 15 phút thôi. Đèn hồng ngoại cũng có tác dụng chống viêm.

+ Mát-xa dưới vòi hoa sen ấm nóng cũng cực tốt, tốt cho cả quá trình sau này chứ không chỉ tắc sữa.

– Sau đó rửa sạch và mát-xa nhẹ nhàng, cho bé bú ngay hoặc không được thì vắt/hút. Các mẹ có thể nhờ chồng hút cũng rất tốt nhé, không có gì phải ngại cả. Mẹ biết không, lực hút của người hơn máy nhiều, nhất là em bé, không gì bằng bé bú cả.

– Xong xuôi thì vệ sinh ngực bằng nước ấm, lau khô. Dưỡng ẩm bằng chính sữa của mình.

Trong quy trình trên thì mát-xa là khó nhất, rồi vắt sữa sao cho thông được tia. Nhiều người không biết sẽ làm vỡ nang sữa do bóp quá mạnh. Thế nên các mẹ có thể gọi người tới nhà làm cho, có thể là y tá hay người có chuyên môn, kinh nghiệm. Mình thì từng gọi 2 người và đều mát-xa khá êm ái. 1 người là mát-xa và đắp men rượu, ủ nóng. 1 người mát-xa bằng máy cầm tay, chích đầu ti nếu cần, vắt sữa và chiếu đèn hồng ngoại.

Một số cách khác

Ngoài đi viện, chữa tại gia bằng mát-xa, ủ nóng… thì còn cách châm cứu, cụ thể là châm vào huyệt nhũ nhi. Cách này mình chưa thử nhưng có chị bạn đã dùng và hiệu quả, các mẹ có thể tìm hiểu, tham khảo nhé!

Nói chung, để vượt qua “cơn ác mộng” tắc tia sữa thì đúc kết lại là các mẹ phải:

– Hết sức bình tĩnh.

– Không quá lệ thuộc vào sự “huyền ảo” của các mẹo dân gian, nên thấy bản chất của các phương pháp khá giống nhau: mát- xa đưa sữa từ nang xuống túi sữa, chườm nóng ấm, bú/vắt.

– Vệ sinh lưỡi con, ti mẹ đúng cách.

– Cho con bú nhiều nhất có thể.

– Uống nhiều nước: 2-3 lít/ngày.

– Nếu nặng nên đi viện siêu âm vú và khám chữa theo chỉ định.

Mình hi vọng giúp được những mẹ cùng hoàn cảnh tắc sữa như mình những tháng đầu nuôi con đầy hoang mang lo lắng! Chúc các mẹ và bé luôn khỏe mạnh, vui vẻ!

Thiên An

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.