Voi Gold – “báu vật” của Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk

Voi Gold -

Voi Gold được Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk nhận nuôi khi mới 2 tháng tuổi – điều chưa từng có ở Việt Nam và ngay cả thế giới cũng hiếm, bởi tỷ lệ sống sót của voi con nuôi rất thấp.

Ngày 28/3/2016, con voi đực khoảng 2 tháng tuổi, nặng 100kg, cao 90cm bị rơi xuống giếng tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (khu vực hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk).

Người dân đi làm nương rẫy phát hiện voi bị nạn, báo với Trung tâm Bảo tồn voi cùng công ty. Chuyên gia bảo tồn và cơ quan chức năng huyện Ea Súp đã đến cứu hộ. Voi được bác sĩ thú y của Trung tâm hồi sức, cung cấp dinh dưỡng bằng sữa hộp dành cho trẻ dưới một tuổi và giúp bớt hoảng loạn.

Thấy voi quá nhỏ, đang trong giai đoạn bú sữa, chưa biết ăn, các chuyên gia đã nhanh chóng tìm mẹ cho nó. Giữa cái nắng 40 độ C hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4 của Tây Nguyên, trong cánh rừng thiếu thốn cả nước và thức ăn, các nhà bảo tồn trong và ngoài nước đã vừa chăm sóc voi, vừa lần theo dấu chân tìm mẹ cho nó và đưa nó hòa nhập bầy đàn.


Voi Gold đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk.

“Lần thứ nhất vào chiều 28/3/2016, voi con được đưa đến gần giếng nước với hy vọng tối đó đàn voi rừng sẽ quay lại tìm và đưa nó theo mẹ. Lần thứ hai, thứ ba, chúng tôi mạo hiểm đưa voi đến sát bầy đàn, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công”, bác sĩ thú y Nguyễn Công Chung của Trung tâm Bảo tồn voi nhớ lại.

Sau 15 ngày đêm trong rừng nhưng không tìm được mẹ cho voi, cán bộ trung tâm đã đưa nó về chăm sóc tại khu bán hoang dã ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Voi được đặt tên là Gold với mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến với nó.

Theo bác sĩ Chung, nuôi voi “mồ côi” rất khó khăn, hơn nữa cá thể này quá nhỏ. Từ trước đến nay tại Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung chưa từng nuôi sống voi con nào. Vì vậy từ lúc cứu hộ đến nay, cán bộ trung tâm bên cạnh việc chăm sóc tận tình còn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia hàng đầu thế giới. Ngay cả việc tìm hiểu sữa nào thích hợp với Gold cũng mất nhiều thời gian.

Hiện khẩu phần ăn của Gold gồm hai hộp sữa pha cùng nước dừa, nước gạo và các thức ăn bổ sung tập ăn như dưa leo, táo, chuối, khoai lang, cỏ.

Ngoài thời gian Gold ngủ buổi trưa, buổi tối nó thường được thả đi chơi tự do quanh khu bán hoang dã và có nhân viên chơi cùng. Lúc đi chơi Gold rất thích chạy đuổi theo, nô đùa với mọi người. Với Gold, những nhân viên chăm sóc chính là người thân của nó, cứ thấy mọi người đi đâu là nó đi theo.


Voi Gold chơi đùa với các chuyên gia bảo tồn. (Ảnh: Tổ chức động vật châu Á).

Gold đặc biệt thích vào nhà ở của nhân viên. Nó thông minh, có trí nhớ tốt. “Hồi bé khi thấy cửa đóng thì Gold sẽ bỏ đi, nhưng giờ nó biết cửa đóng vẫn vào nhà được, nên thường dùng đầu mông hoặc cả người húc vào cửa”, bác sĩ Chung nói.

Qua một năm chăm sóc, hiện Gold phát triển tốt, cân nặng 250kg (tính đến 14/3/2017), cao gần 130cm.

Không chỉ Gold, Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk còn đang nuôi cá thể khác là Jun (6 tuổi, được cứu hộ năm 2015). “Đây được xem là hai báu vật của Trung tâm nên chúng tôi luôn tận tụy với công việc, không ngại khó ngại khổ để cùng nhau nuôi dưỡng Gold và Jun”, anh Chung nói.

 

Theo VnExpress