Vua lười – Lười đến mọc rêu

Vua lười - Lười đến mọc rêu

Trong thế giới loài thú, có lẽ con Bradypus tridactylus là loài thú to con nhưng lại lười biếng nhất, do đó nó được đặt với tên xấu xí: “Con lười”. Ít có con thú nào di chuyển chậm chạp hơn con lười, chúng nổi tiếng là “chậm hơn rùa”. Tốc độ tối đa của những con vật này thật không thể chấp nhận nổi: đo tổng cộng hết cả một ngày, chúng di chuyển chưa tới 30m.

Vua lười - Lười đến mọc rêu

(Ảnh:tropicalhardwoods)

Con Bradypus tridactylus chỉ thích ăn lá, trái, cành non của loại cây Cecropia lyratiloba. Chúng tìm thức ăn như kiểu người mù: bằng cách ngửi và sờ mó do thị giác và thính giác của chúng kém phát triển nên không thể tìm thức ăn theo kiểu mà những con thú khác thường làm.

Nhìn chúng ăn mà chúng ta không khỏi phát bực: Chúng chỉ từ từ kéo vào và ăn những thứ ở trong tầm với của miệng, với một tốc độ cực kỳ chậm chạp. Đó là những cử chỉ hành động bên ngoài, còn bên trong: Cơ thể chúng tiêu hóa thức ăn cũng hết sức chậm – khoảng 1 tháng mới tiêu hóa hết 1 bao tử đầy thức ăn. Do ăn uống như vậy nên cơ thể “Vua lười” phải có cách thích nghi: Cơ thể chúng luôn tìm cách hấp thu hết mức có thể các chất bổ dưỡng trong thức ăn. Bên cạnh đó, bao tử “Vua lười” cũng đủ to để chứa một lượng thức ăn tương đương với 1/3 trọng lượng cơ thể. Một lượng thức ăn khá lớn.

Con lười còn có kiểu sống trên cây cực kỳ không giống ai: Chúng có thể treo mình bất động hàng nhiều giờ liền. Ở vị trí này, trông chúng cứ như là những cành cây cụt, vì thế chúng được ngụy trang trước những con thú dữ. Bình thường, chúng treo mình trên cây, khi ăn cũng ngửa bụng lên trời, lúc ngủ cũng ngửa bụng lên trời, thậm chí lúc đẻ cũng ở tư thế ngửa bụng lên trời, còn lưng thì hướng xuống đất. Gần như cả đời, chúng sống theo kiểu “ngược đời” như vậy.

Tưởng chừng dễ thành mồi ngon cho thú dữ, nhưng các “Vua lười” cũng có vài chiêu tự vệ: Mỗi ngón tay và mỗi ngón chân đều có 1 móng vưốt vừa cong và dài, đủ để gây ra những vết thương sâu. Một cú đánh bằng vuốt nhọn có thể làm cho thú dữ phải chựng lại. Bình thường, các vuốt cong như những cái câu móc đó giúp cho chúng treo mình, di chuyển và “làm tượng động” trên cây. Chúng ngụy trang rất giỏi, đặc biệt là vào mùa mưa khi tảo xanh mọc nhiều trên lông chúng. Bộ lông vừa dài, vừa dày, lớp lông ngoài cùng có các khe, tảo xanh mọc trong những khe này, tạo cho chúng những bộ lông màu hơi xanh. Chúng lại hay bất động nên trông như những cành cây cụt. Phải lười “có đẳng cấp” mới có thể tạo cho mình những chiếc áo rêu xanh như thế.

Hầu như cả đời, những con vật đặc biệt này chỉ sống trên cây, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng xuống đất.

Mỗi tuần, con lười xuống đất 1 lần để đi vệ sinh vào một cái lỗ mà chúng tạo ra bằng cái đuôi. Những con vật này cũng “biết phép lịch sự” và “biết giữ vệ sinh”, dù là chuyện xuống đất hết sức nguy hiểm đối với chúng.

Vua lười - Lười đến mọc rêu
(Ảnh: u-blog)

Lúc ở trên mặt đất, chúng chỉ có thể nằm ngửa bụng lên trời, haynằm sấp và kéo lê người đi một cách khó khăn nhờ vào các chi và bộ móng vuốt. Chính vì thế, nếu xuống đất chúng dễ trở thành món mồi ngon cho báo đốm và nhiều loài thú dữ khác.

Tuy leo treo cực kỳ chậm chạp, di chuyển từng chi một, và dưới đất thì vô cùng vụng về nhưng thật ngạc nhiên, những con vật đại lười này lại có thể bơi một cách dễ dàng dưới nước. “Vua lười” có thể ngâm mình dưới nước giỏi hơn bất kỳ động vật nào trên cạn.

Chúng có một đặc điểm khác thường nữa: cổ của chúng đặc biệt dễ quay tới quay lui. Lười có hơn các động vật có vú khác đến 2 đốt sống cổ – cho phép chúng xoay đầu một cách nhẹ nhàng quanh một cung 270 độ (con lười có đến 9 đốt sống cổ trong khi hầu hết động vật hữu nhũ chỉ có 7 đốt sống cổ).

Vua lười ngủ suốt ngày, khi ngủ thường đặt đầu giữa các chi trước. chúng hoạt động về đêm và thường sống đơn độc, sẵn sàng đánh đuổi những con lười khác cùng giới tính xâm nhập vào khu vực sinh sống của mình.

Mùa giao phối diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4. Sau thời gian mang thai từ 120-180 ngày, con cái sinh chỉ duy nhất 1 con non. Chúng đẻ con ngay trong thư thế đang treo mình trên cây. Mới sinh ra, lười non bám ngay vào lông mẹ và sống trong vòng tay mẹ cho đến lúc được 5 tuần tuổi, lúc đó chúng đã có thể tự lo bám vào thân cây và kiếm ăn. Con non bú sữa mẹ khoảng 1 tháng, rồi được nuôi bằng thức ăn do mẹ nhai mớm. Con non sống quanh quẩn mẹ cho đến khi được 6 tháng tuổi.

Về hình dáng: chúng có một cái đầu tròn, nằm trên một cái cổ dài và mềm dẻo. Đôi mắt và đôi tai nhỏ xíu, so với thân mình to kềnh càng. Bộ lông màu nâu xám, dày và lởm chởm với những đốm trắng và vàng trên lưng. Các chi dài, tay trước dài hơn chân sau. Lòng bàn tay và lòng bàn chân đều có lông. Chiều dài thân mình con trưởng thành khoảng 55cm, đuôi dìa khoảng 7cm, cân nặng khoảng 4,5kg. Chúng thường im lặng, nhưng cũng có thể phát ra những tiếng kêu rít.

Phân bố ở Trung và Nam Mỹ trong những rừng cây và dọc bờ sông, nơi có cây Cecropia lyratiloba sinh sống.

Vua lười - Lười đến mọc rêu
(Ảnh: hedweb)

 

Theo H.T (Thế giới sinh vật)