Vùng cực xuất hiện các đám mây sáng rực bí ẩn

Những đám mây không ngừng rực sáng và bò dần về phía vùng cực, lần đầu tiên được vệ tinh chụp từ vũ trụ. Các nhà nghiên cứu không hiểu chúng là gì. Loại mây bí ẩn này được gọi là “đèn đêm“.

“Rõ ràng chúng đang biến dạng, một dấu hiệu cho thấy một phần của bầu khí quyển đang thay đổi và chúng tôi không hiểu bằng cách nào, vì sao hay cái gì đã khiến nó như vậy”, nhà khoa học khí quyển James Russell III từ Đại học Hampton, Virginia, Mỹ nói.

“Những quan sát mới cho thấy có mối liên hệ với sự thay đổi trên toàn cầu ở tầng khí quyển thấp và có thể đại diện cho một cảnh báo sớm rằng môi trường trái đất đang thay đổi”.

Vệ tinh Aeronomy of Ice in the Mesosphere của NASA lần đầu tiên chụp ảnh những “đèn đêm” này hôm 25 tháng 5. Người dân ở vùng bắc Âu bắt đầu nhìn thấy chúng từ hôm 6/6.

Một trong những lần đầu tiên các đám mây sáng rực này được quan sát từ mặt đất, trên bầu trời Budapest, Hungary hôm 15/06/2007. (Ảnh: LiveScience)

Các đám mây hình thành ở độ cao 80 km trên bề mặt đất, trong tầng trên của khí quyển gọi là mesosphere. Lớp hơi nước và tinh thể này xuất hiện trong những tháng hè ở cực Nam cũng như trong mùa hè ở cực Bắc.

Vệ tinh Aeronomy of Ice in the Mesosphere sẽ theo dõi hai mùa mây hoàn chỉnh trên cả hai vùng này, nhằm có được dữ kiện đầy đủ về vòng đời của những đám mây sáng rực. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giải đáp được câu hỏi tại sao chúng hình thành và mối liên hệ của chúng với sự thay đổi khí hậu trái đất

Vào ngày 11/06/2007, chiếc camera của vệ tinh nhân tạo AIM (Aeronomy of Ice in the Mesosphere ) đã cung cấp dữ liệu đầu tiên về những đám mây dạ quang ở Bắc cực thuộc khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Màu trắng và xanh sáng hiển thị cấu trúc đám mây dạ quang, màu đen là những nơi không có dữ liệu. (Ảnh: LiveScience)

T. An

 

Theo LiveScience, Vnexpress