Để bảo vệ các loài thuỷ sinh, các loài cá quí hiếm…, tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai thí điểm xây dựng chà – rạn nhân tạo tại vùng biển ven biển – giống như việc xây nhà trú ẩn cho các loài thủy sinh vùng ven bờ biển giúp bảo tồn các loài cá quí hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.
Theo Sở KH-CN Quảng Nam cho biết mô hình này được triển khai thí điểm dưới sự trợ giúp chuyên môn của Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang).
Hơn 120 “ngôi nhà” chà – rạn nhân tạo sẽ được xây dựng cho các loài thủy sinh tại vùng biển núi Bàn Than, huyện Núi Thành Quảng Nam.
Trước khi triển khai mô hình “xây nhà” cho các loài thủy sinh này tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học về rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam. Mô hình này được triển khai đầu tư tại phía đông bắc đảo Hòn Dứa vùng biển Bàn Than, Núi Thành.
Ông Trần Quang Kiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, chà – rạn nhân tạo được sử dụng để tập trung, tụ hợp các đàn cá ở ven bờ lẫn đại dương. Việc kết hợp chà – rạn nhân tạo giống như xây dựng một “ngôi nhà” cho các loài thủy sinh vật sinh sống, phát triển…
“Chà – rạn tạo nơi tập trung, kiếm ăn của loài thủy sinh giúp chúng sinh trưởng và không ngừng tăng về số lượng cũng như đa dạng loài” – ông Kiến nói.
ThS. Nguyễn Trọng Lương – cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học & công nghệ thủy sản (Đại học Nha Trang) cho biết: Việc xây dựng nên bãi cá nhân tạo từ chà – rạn nhân tạo đã cho thấy mật độ sinh vật trong bãi cá nhân tạo tăng lên rất nhanh so với bãi cá nguyên thủy. Việc xây dựng bãi cá nhân tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc tái tạo, phát triển nguồn lợi, không chỉ giới hạn tại khu vực thả chà – rạn nhân tạo mà cả các khu vực biển rộng lớn xung quanh.
Ông Lương cũng cho biết thêm, hiện tại, chà – rạn nhân tạo ứng dụng trên thế giới được chế tạo bằng nhiều loại như bê tông, đá, gạch, lốp xe, cabin tàu lửa, tàu biển… Thực tiễn đã cho thấy, riêng rạn được làm bằng bê tông cho hiệu quả cao nhất.
Có thể giải thích về điều này là do sự ổn định, tuổi thọ của chà – rạn. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sinh vật biển bám trú.
Mô hình chà – rạn nhân tạo được ứng dụng tại biển Bàn Than. Ảnh: N.Q.V (Báo Quảng Nam)
Với mô hình “xây nhà” cho loài thủy sinh này, trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng lắp đặt 120 chà rạn nhân tạo tại khu vực biển có độ sâu nước 15 – 20m để dẫn dụ các đàn cá quí và các loại thủy sinh.
Theo Vietnamnet