Xe chết máy nếu tài xế say rượu

Ngày 26/4, Hiệp hội các đại lý ôtô Mỹ thông báo sẽ sử dụng khóa khởi động nhằm ngăn cản tài xế khởi động xe nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định. Hiện tại, 6 vùng ở Canada và 43 bang, thành phố ở Mỹ yêu cầu các xe phải lắp đặt thiết bị này.

Nếu lắp hệ thống khoá khởi động IIS (Ignition Interlock System), khi lên xe, người lái phải thổi hơi thở của mình vào thiết bị đo nồng độ cồn trong máu. Nếu không thực hiện động tác trên, xe sẽ không khởi động. Sau khi thiết bị đo xác định nồng độ cồn dưới 20 mg trong 100 ml máu, nó cho phép khởi động máy, còn ngược lại, khóa động cơ không mở và tài xế chỉ còn cách nằm chờ cho đến khi tỉnh rượu. 

Kiểm tra hơi thở trước khi khởi động xe. (Azsafeharbor)

Trong trường hợp xe đã khởi động, hệ thống yêu cầu người lái thổi hơi thở vào thời điểm ngẫu nhiên nhằm đề phòng trường hợp nhiều người láu cá cho xe khởi động xong rồi mới uống. Nếu không đáp ứng yêu cầu của IIS hoặc nồng độ cồn cao quá giới hạn, khóa động cơ sẽ đưa ra cảnh báo, ghi lại sự kiện và kích hoạt các thiết bị như nhấp nháy đèn hoặc kéo còi tới khi động cơ tắt hẳn. Giá của bộ IIS nằm trong khoảng 200-20.000 USD tuỳ chủng loại.

Các nhà soạn thảo luật tại New York đang nghiên cứu xem có nên bắt buộc lắp thiết này trên tất cả các xe từ 2009. Trong khi đó, Volvo và Saab, hai hãng xe Thụy Điển, đã lắp và mong muốn đưa sản phẩm sang Mỹ. Hiệp hội các đại lý ôtô Mỹ cùng nhà tài trợ là tổ chức phi lợi nhuận MADD (Mothers Against Drunk Driving – Hội các bà mẹ chống say xỉn khi lái xe) đã tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ của các chính trị gia trong việc luật hóa việc sử dụng IIS tại nhiều bang.

Trong khi các Cơ quan an toàn giao thông Mỹ và Canada ủng hộ và xây dựng một chương trình khuyến cáo người đi xe lắp đặt khoá khởi động thì một số người lại ra sức phản đối bởi theo họ, phương pháp đo nồng độ cồn bằng hơi thở không có tính thực tế, không chính xác. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tỷ lệ tai nạn giao thông do say rượu giảm đi từ 50% tới 70% tại nhiều thành phố bắt buộc sử dụng thiết bị trên.

MADD là tổ chức phi lợi nhuận, thành lập năm 1980 tại Mỹ với mục đích chống các hành vi uống rượu trước và trong khi lái xe. Tổ chức này nhận được sự đồng tình của cơ quan an toàn giao thông cũng như các nhà tài trợ và có nhiều đóng góp làm thay đổi thói quen xấu của người đi xe. Số nhân viên hiện có của MADD hơn 100 người, chủ yếu là sinh viên.

Nguyễn Nghĩa

 

Theo VnExpress