Xóm ô nhiễm

Xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TPHCM) có một điểm tập trung nhiều cơ sở chuyên thu gom, tái chế bao nhựa, bịch ny lông… gây ảnh hưởng sức khoẻ người dân

Rác thải ny lông phơi đầy trong xóm (Ảnh: SGGP)

Đường Láng Le – Bàu Cò từ Tỉnh lộ 10 đến cống Láng Le thuộc xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) có chiều dài hơn 6km, lộ giới 20m, vốn là tuyến đê bao thủy lợi chạy dọc kênh B.

Khoảng 2 năm trở lại đây, tuyến đường được nâng cấp trải nhựa nóng, việc lưu thông trở nên thuận tiện nên nhiều chủ doanh nghiệp đến mở cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thấy các chủ doanh nghiệp đến mở cơ sở làm ăn, người dân địa phương ai cũng mừng, nào ngờ lại mang thêm nỗi lo vì môi trường bị ô nhiễm…

Cả xóm tái chế rác nhựa, ny lông

Hiện nay, trên một đoạn đường chưa tới 1km từ Tỉnh lộ 10 đến Bưu điện Láng Le-Bàu Cò có không dưới 10 điểm chuyên thu tái chế bao nhựa, bịch ny lông phế thải.

Những cơ sở này hoạt động suốt ngày đêm, thải vào môi trường đủ thứ khí độc hại, đe dọa sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Văn Định ở ấp 7, bức xúc: “Khoảng một năm nay ở khu vực này mọc lên vô số điểm thu mua, tái chế bao bì ny lông phế thải. Hàng ngày họ ngâm rửa các loại rác dơ bẩn dưới kênh B gây ô nhiễm nguồn nước và phơi phóng rác bẩn dọc hai bên bờ kênh làm cho bầu không khí càng ô nhiễm nặng hơn”.

Còn Bà Nguyễn Thị Nghiệp cả năm nay đau yếu thường xuyên vì hít phải mùi khí thải của cơ sở xay ny lông nấu keo bên cạnh, than thở: “Nhà tôi có hai người đều bị bệnh cả hai vì chịu không nổi sự tra tấn của chiếc máy xay ny lông nấu keo kế bên. Ngày nào cũng vậy, nhất là vào buổi tối cơ sở sản xuất này hoạt động liên tục, bụi bay mù mịt, tiếng máy phát ra đinh tai, nhức óc nên hàng xóm không ai ngủ được”.

Hàng chục hộ dân ở khu vực lân cận cũng đều phải sống trong tình cảnh tương tự.

Ô nhiễm này chồng lên ô nhiễm kia… Làm sao sống?

Tình trạng môi trường bị ô nhiễm từ chất thải của các cơ sở tái chế nhựa phế thải ở khu vực ấp 7 xã Lê Minh Xuân xảy ra đã lâu.

Người dân đã nhiều lần làm đơn gởi UBND xã Lê Minh Xuân và Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bình Chánh kiến nghị có biện pháp khắc phục.

Thế nhưng, nhiều lần chính quyền địa phương đến kiểm tra hứa sẽ buộc các chủ cơ sở ngưng hoạt động, nhưng rồi đâu vẫn vào đó.

Hiện nay, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân lại liên tục xả nước thải vào kênh B làm cho nguồn nước kênh đen ngòm và hôi thối nên môi trường sống của người dân càng bị đe dọa nghiêm trọng.

 

Theo SGGP/VietNamNet