Các phương pháp điều trị ung thư thường gây cho người bệnh biếng ăn, thay đổi khẩu vị, khô miệng, nhiễm trùng miệng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón…Không ít bệnh nhân chết vì suy kiệt trước khi qua đời do ung thư.
Bệnh nhân ung thư cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh suy kiệt. Ảnh: docstoc
“Khối u ác tính có thể sản sinh ra những chất làm ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu dưỡng chất trong cơ thể. Nếu khối u ở dạ dày hay đường ruột có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hấp thu các chất đạm, béo, bột đường của cơ thể, làm cho bệnh nhân có thể cảm thấy đầy bụng, không có cảm giác đói, biếng ăn”, bác sĩ Ngọc Anh cho biết.
Chính vì thế, ăn uống đúng cách trước, trong và sau điều trị có thể giúp bệnh nhân được tăng cường dinh dưỡng, hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn do các căn bệnh ung thư hay do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư gây ra, góp phần quan trọng vào sự thành công của việc điều trị.
Xử trí với các vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư:
-
1
Cảm giác biếng ăn:
Đây là vấn đề thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư. Tâm lý sợ hãi, trầm cảm cũng làm cho bệnh nhân ăn mất ngon. Nôn, buồn nôn, thay đổi khẩu vị cũng có thể góp phần làm biếng ăn.
– Do đó, cần ăn chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày thay 3 bữa lớn như bình thường, bổ sung thêm năng lượng vào thực phẩm như cho thêm bơ, sữa, mật ong…
– Nếu bệnh nhân khó nuốt, chuyển sang các loại thức ăn lỏng, nghiền, trộn, xay nhuyễn (canh, súp, cháo, nước ép…).
– Dự trữ sẵn các loại thức ăn hợp khẩu vị bệnh nhân nhằm tiện dụng mọi lúc mọi nơi (phô mai, bánh quy, nho khô…).
– Thức ăn nên được trình bày hấp dẫn, sạch sẽ và thường xuyên đổi món, đa dạng thức ăn chính, thức ăn tráng miệng.
– Trong bữa ăn cố gắng tạo không khí vui vẻ, thư giãn.
– Vận động cơ thể, tập thể dục cũng góp phần làm tăng cảm giác ngon miệng.
-
2
Thay đổi khẩu vị:
Thịt hay thực phẩm có hàm lượng đạm cao có thể gây cho bệnh nhân có cảm giác đắng và hay có mùi tanh. Thông thường vấn đề thay đổi khẩu vị sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị.
– Cần súc miệng với nước sạch trước khi ăn, nếu được hãy thử ăn những trái cây có vị chua như cam, quýt, bưởi…
– Sử dụng đồ đựng thức ăn bằng nhựa thay vì bằng kim loại có thể làm giảm mùi tanh.
– Thêm gia vị và nước sốt vào thức ăn, ăn thịt gia cầm, cá, trứng, phô mai thay cho các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn.
– Có thể ăn các loại thực phẩm giàu đạm thực vật như ăn chay (tàu hủ, sữa đậu nành).
– Có thể uống bổ sung viên kẽm sulfat có thể làm mất cảm giác tanh miệng khi xạ trị vùng đầu, mặt, cổ.
-
3
Khô miệng:
Hóa trị hay xạ trị vùng đầu, mặt, cổ có thể làm giảm tiết nước bọt gây khô miệng, gây cho bệnh nhân khó nhai, khó nuốt và chán ăn trầm trọng hơn.
– Nên ăn thức ăn mềm, nhuyễn, nhiều nước (xốt, súp…).
– Nhai kẹo singum để kích thích tăng tiết nước bọt.
– Ăn thức ăn tráng miệng ướp lạnh.
– Vệ sinh răng miệng và súc miệng 4 lần một ngày (sau mỗi bữa ăn và trước khi ngủ tối).
– Uống nước nhiều lần, mỗi lần một ngụm nhỏ.
– Tránh các thức ăn, đồ uống có nhiều đường.
– Nếu không có vết thương vùng miệng thì có thể dùng một số loại thức ăn, đồ uống vị chua để kích thích tăng tiết nước bọt.
– Có thể thoa vaselin lên môi để luôn dưỡng ẩm cho môi.
-
4
Đau vùng miệng, hầu họng:
Có thể là tác dụng phụ của hóa trị hay xạ trị hay bị nhiễm trùng.
– Để xử trí vấn đề này, nên ăn những thực phẩm mềm, cắt nhỏ, dễ nhai nuốt (chuối, dưa hấu, phô mai, khoai tây nghiền, mì, bún, phở, sữa, bột ngũ cốc).
– Ăn thực phẩm lạnh hay để nguội ở nhiệt độ phòng.
– Tránh ăn cay, mặn, chua
-
5
Buồn nôn – nôn:
– Nên ăn trước khi đói vì cơn đói có thể làm tăng cảm giác buồn nôn.
– Uống ít nước trong khi ăn để giảm cảm giác đầy bụng, óc ách. Nên uống chậm, uống nhiều ngụm và sử dụng ống hút.
– Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi…
– Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
– Ăn những thực phẩm khô nếu được.
– Nên ngồi hay nửa nằm nửa ngồi sau ăn khoảng một tiếng
– Tránh ăn trước khi điều trị (xạ trị hoặc hóa trị) 1-2 tiếng đồng hồ.
– Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi.
– Nơi ở thoáng mát, không khí trong lành.
-
6
Táo bón:
Bệnh nhân ung thư thường bị táo bón (đi cầu ít hơn 3 lần một tuần, phân khô, rắn) do ăn uống thiếu nước, thiếu chất xơ tiêu hóa, thiếu hoạt động thể lực hay tác dụng phụ của điều trị.
– Cần uống đủ nước (8-12 ly mỗi ngày, gồm nước chín, nước ép…). Không uống trà, cà phê.
– Ăn nhiều chất xơ tiêu hóa (ăn 300g-500g rau quả mỗi ngày).
– Đi bộ thường xuyên.
– Nếu vẫn còn bị táo bón thì có thể liên hệ bác sĩ để uống thuốc chống táo bón.