Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương
“Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”, đó là câu ca dao mà người dân Việt Nam trên khắp thế giới ai ai cũng ghi nhớ trong tâm thức. Đây là ngày lễ trọng đại của dân tộc được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng, của các bậc tiền nhân từ bao đời nay. Trong ngày này, người dân ở khắp mọi miền đất nước dâng lên vua Hùng những sản vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống như bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu…
Sự ra đời của Giỗ tổ Hùng Vương
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi. Con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Thông thường, nói đến giỗ Tổ là nói đến giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Đây là dịp để con cháu ghi nhớ và tôn vinh công lao của tổ tiên, ôn lại những năm tháng hào hùng của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ xưa đến nay, ngày lễ này đã có vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người dân Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” trong một lần về thăm Đền Hùng. Câu nói bất hủ này thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp của dân tộc ta.
Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính truyền thống, là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn của người Việt. UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Là người dân Việt Nam phải tự hào và hiểu được ý nghĩa của ngày GIỗ Tổ Hùng Vương , chứng tỏ được bản sắc văn hóa của chúng ta đã được thế giới công nhận.
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.