Mẹ cũng không thể coi con là… cục vàng hay cục kim cương để nâng niu và bao bọc mãi, mẹ sẽ yêu con theo cách của mẹ, dù ai đó cho là mẹ “phát xít”, mẹ “Hitle”, mẹ “tàn nhẫn”…
Là khi con bắt đầu cai sữa, mẹ phải đi làm và gửi con ở nhà trẻ. Con thiếu hơi mẹ thì khóc mếu, quấy cả đêm cả ngày. Và dù thương con đến thắt ruột thì mẹ vẫn “tàn nhẫn” chứ nhất quyết không “từ từ hãy cai…”, bởi vì theo đúng chuẩn khoa học là 2 tuổi thì nên cai, và mẹ cũng cần phải đi làm để còn chăm nuôi con cho thật tốt. Là mẹ “phát xít” nên đã quyết tâm gửi con đi nhà ngoại đến năm bữa nửa tháng để con quên “ti” mẹ, để con tập ăn cháo, uống sữa ngoài, để mẹ có thể đi làm trở lại mà không phải “quấn” con quá nhiều…
Là khi con tập ăn cháo ăn cơm, con không thích vị lạ, con lười ăn và mải xem những món đồ chơi hay chương trình quảng cáo, mẹ sẽ bắt con ngồi một chỗ và dạy con tự xúc ăn, nếu con lười mẹ sẽ bỏ xuất ăn đó cho đến khi con đói và tập trung ăn uống đúng bữa đúng giờ. Mẹ sẽ không đưa con đi ăn rong ruổi mất thời gian và khiến con quen được người khác hầu hạ, bưng bê, chạy theo… dù người đó là mẹ…
Là khi con đã bắt đầu tập đi những bước chân lẫm chẫm, ngả nghiêng, con ngã xuống nền nhà đau điếng, con va đầu vào góc bàn sưng một cái u to tướng, con mếu máo quay lại nhìn mẹ và chờ mẹ “đánh chừa” cái bàn hay cái nền nhà vì đã làm con đau, thì mẹ cũng không bao giờ “đánh chừa” cái gì cả. Mẹ sẽ bảo con hãy đứng lên và đi tiếp, hỏi con “có đau không?” và nói cho con biết rằng tại vì con bước hụt, tại vì con không nhìn nên mới ngã, mới va vào bàn và đó là lỗi tại con chứ không phải tại điều gì khác. Vì mẹ “tàn nhẫn” nên mẹ muốn con hãy nhận thức được hành vi đúng – sai của mình và tập chịu trách nhiệm với bản thân thay vì đổ lỗi cho người khác hay một thứ vô tri…
Mẹ luôn nghĩ ý thức được hình thành từ trong trứng, chính vì thế mà mỗi đứa trẻ khi ra đời đã có những tính cách riêng biệt, đứa nghịch ngợm, đứa hiền lành… và quan trọng là con đã có ý thức với những điều xảy ra xung quanh, vì thế khi con tỏ thái độ ngỗ ngược với ai đó thì mẹ cũng không ngại ngần tét vào mông con để con biết sợ, vì mẹ “tàn nhẫn” nên mẹ không muốn con trở thành một đứa trẻ bất trị, ngỗ ngược… Là khi ai đó có thể đưa con đi mua hết những thứ đồ chơi, quần áo, đồ ăn mà con thích mà chẳng yêu cầu con phải làm gì, thì mẹ sẽ vẫn là một người mẹ “tàn nhẫn” khi con đòi hỏi một điều gì đó, mẹ yêu cầu con hãy tự gấp quần áo của mình lại, bỏ vào ba lô để mai đi học, con tự chải răng mỗi tối, làm những việc phù hợp với độ tuổi của con… Sau đó nếu con làm đúng, chuẩn thì mẹ sẽ có thưởng, con làm sai thì sẽ chịu phạt. Vì mẹ “phát xít” nên mẹ luôn muốn con hiểu đúng – sai luôn rành mạch ở cuộc đời này, và nếu như con không làm việc thì con cũng không có quyền đòi hỏi quyền lợi, dù là với mẹ…
Là khi con nhõng nhẽo, khóc mè nheo và lăn đùng ra ăn vạ ngay chốn đông người, chắc ai đó sẽ chạy đến bên con, bế con lên ôm ấp và cưng nựng thì mẹ vẫn lạnh lùng “thi gan” với con, mẹ có thể bỏ đi chỗ khác và đứng ở góc khuất quan sát con xem con sẽ làm điều gì tiếp theo. Con hãy cứ khóc đến khi lạc giọng, khản cổ thì con sẽ nín, mẹ sẽ không mất thời gian để nịnh nọt hay dỗ dành vì con là người có lỗi, mẹ không muốn một đứa trẻ đòi hỏi quá nhiều thứ trong cuộc sống, và nếu không được thỏa mãn thì lăn ra ăn vạ. Sau này lớn lên, con sẽ hiểu cuộc đời chẳng bao giờ như con mong muốn và khi ấy con cũng chẳng thể nhõng nhẽo hay ăn vạ cuộc đời, cách tốt nhất chỉ là đứng lên mà bước tiếp thôi. Là những khi con muốn mẹ âu yếm và cưng nựng, vì rốt cuộc con vẫn là một đứa trẻ thì mẹ cũng “tàn nhẫn” ôm con vào lòng, nói những lời yêu thương đơn thuần nhất “mẹ yêu con”, mẹ không thích những lời mật ngọt hoa mĩ, êm ái để thổi vào tai con những huyễn hoặc về bản thân mình, cho rằng mình là cái rốn của vũ trụ, là châu báu ngọc ngà quý hiếm trên đời. Không! Mẹ sẽ không bao giờ nói thế, vì mẹ không muốn con trở thành một đứa trẻ ảo tưởng về bản thân và luôn huyễn hoặc cho rằng mình quan trọng nhất!
Là khi con đang tập nói, ai đó dạy con những lời yêu thương còn mẹ thì “tàn nhẫn” dạy con biết chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi. Mẹ sẽ dạy con đến khi con biết cảm ơn người đã giúp mình, biết xin lỗi vì con đã làm sai với người khác. Mẹ luôn nghĩ “xin chào – cảm ơn – xin lỗi” luôn là những từ khóa tốt nhất để con bước vào đời đúng chuẩn. Những câu nói ấy đơn giản, nhưng nó mở ra chìa khóa của mọi vấn đề giao tiếp ứng xử trong cuộc sống. Nếu con biết nói “xin chào – cảm ơn – xin lỗi” thì tức là sức mạnh của con hơn vạn lần những lời yêu thương mà con được nói với người khác nếu không đúng thời điểm. Là mẹ luôn nghĩ rằng, con được sinh ra trên đời này thực sự là một phép màu của tạo hóa, là khi mẹ nhìn ngắm con không chán mỗi khi con say ngủ, là khi mẹ lo cuống lên mỗi khi con hắt hơi sổ mũi, là khi mẹ buồn khi con chưa nhận thức được đúng sai, là khi yêu thương trong mẹ chẳng bao giờ thuyên giảm mà ngày càng đầy lên theo cấp số nhân mỗi khi nhìn thấy con vui cười, là khi mẹ nhìn về tương lai của con, mẹ muốn con trở thành một đứa trẻ độc lập, có chính kiến, biết đúng sai, biết mục đích sống của cuộc đời mình, là mẹ nhìn về nơi xa hơn nữa, khi con trở thành một người con gái, phụ nữ, rồi làm mẹ… Mẹ muốn con của mẹ có một nền tảng nhận thức cơ bản, làm hành trang cho con bước vào đời vững vàng nhất! Có thể mẹ khắc nghiệt với con, nhưng sau này khi con lớn lên con sẽ hiểu những gì mẹ “tàn nhẫn” với con ngày hôm nay, chính là chìa khóa để con có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, con độc lập và trưởng thành… ghi tên mình một cách đúng chuẩn ở cuộc đời này! Vì mẹ nghĩ thế nên mẹ mới “tàn nhẫn” với con, hơn ai hết mẹ hiểu mẹ yêu con đến nhường nào…
Diệp Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.