Yêu đồng tính, khi được người thân ủng hộ

Sự ủng hộ của gia đình là hạnh phúc quý giá

Khác biệt với sự hoạt náo của Linh, Mai ít nói và trầm tính. Thấy Mai hiền lành, chịu học hỏi nên Linh rất nhiệt tình hướng dẫn công việc mới cho Mai. Ngoài thời gian làm việc cùng nhau, Linh hẹn Mai đi ăn, đi xem phim. Ban đầu nghĩ sự thân thiết đó chỉ ở mức độ bạn bè, nhưng rồi cả hai phải nhận định lại tình cảm của mình, khi luôn có cảm giác nhớ nhung dù mới gặp nhau.

 

Linh luôn tự tin khi được diện đồ, cắt tóc như con trai

Ngày đầu biết có cảm giác đặc biệt với nhau, không sợ hãi, nhưng cả hai cũng có đôi chút lo lắng. Có phần cứng cỏi hơn nhưng người lo lắng nhiều là Linh. Khi đó Mai lại là người an ủi: “Mình yêu nhau mà có gì đâu lo lắng!”. Và rồi họ lại tiếp tục yêu nhau.

Mối tình đầu kéo dài trong bảy tháng, đó không hẳn là khoảng thời gian dài, nhưng nó đã để lại biết bao cảm xúc buồn vui và hạnh phúc trong Linh. Lần đầu Linh biết yêu, và cũng lần đầu biết rằng mình chỉ có cảm giác với người cùng giới.

Khi bắt đầu yêu người mới, Linh quyết định nói sự thật với gia đình. Người Linh đầu tiên thổ lộ là mẹ. Trong một lần mẹ lên Sài Gòn thăm Linh, hai mẹ con nằm ngủ chung, Linh nói: “Mai trước đây là người yêu của con đó, còn bây giờ thì con đang quen với Trang. Con yêu Trang lắm, con mong là mẹ không phản đối và cũng thương Trang như thương con gái của mẹ”. Nghe xong mẹ Linh không nói lời nào. Thấy mẹ im lặng, Linh lo lắng hỏi: “Mẹ có giận con không?”. Mẹ Linh đáp: “Có chứ…nhưng con là con của mẹ, con yêu ai cũng được, chỉ cần không làm gì sai pháp luật, con có thể lo cho cuộc sống của mình thì mẹ không phản đối gì hết”. Khi đó Linh cảm thấy rất hạnh phúc vì với Linh gia đình lúc nào cũng rất quan trọng, cho dù xã hội có không chấp nhận thì sự ủng hộ của gia đình là niềm hạnh phúc quý giá nhất.

 

Linh hạnh phúc khi những người con gái mình yêu cũng rất yêu mình

Riêng ba, khi nghe mẹ kể lại mọi chuyện, ba Linh đã khóc và viết thư tâm sự gửi lên báo với nội dung: “Con gái tôi năm nay 25 tuổi, cháu bị đồng tính. Bác sỹ có cách nào chữa cho cháu không?”. Khi nhận được trả lời của bác sỹ rằng đồng tính không phải là bệnh nên không cần thuốc chữa, rằng con của anh chị vẫn ngoan ngoãn, hiếu thảo và yêu thương cha mẹ thì dù có yêu ai cũng không quan trọng. Lúc ấy ba Linh mới bớt lo lắng.

Cô luôn suy nghĩ rồi tình yêu của mình sẽ đi về đâu

Yêu nhau được hai năm, có những khi cả hai đã xác định đi đến một cái kết có hậu, nhưng rồi Linh và Trang cũng đường ai nấy đi. Lí do thì có nhiều, nhưng lí do lớn nhất đó là sự phản đối gay gắt của ba mẹ Trang. Hiện tại Linh mới ngỏ lời yêu với một cô gái và cũng được người đó đồng ý. Nhưng người đó không dám cho ba mẹ biết hai người đang yêu nhau, bởi chắc chắn một điều ba mẹ cô ấy sẽ ngăn cấm kịch liệt.

“Buồn lắm chứ, 28 tuổi rồi mà mỗi lần rủ người yêu đi chơi đều không dám vào nhà. Ước gì ai cũng hiểu được nỗi lòng con cái như ba mẹ mình, và pháp luật cũng có cơ chế thoáng hơn trong việc kết hôn đồng tính để mọi người nhìn nhận hôn nhân đồng tính là chuyện bình thường như hôn nhân dị tính vậy”, Linh tâm sự.

“Tao không có thằng con biến thái như mày”

Hậu (nhân viên một công ty tài chính tại TP.HCM) chung sống với Cường được gần hai năm, hai người cùng quê Tây Ninh và hiện Cường cũng vừa xin vào làm cùng công ty với Hậu.

Ở cùng nhau, mọi chuyện ăn uống, dọn dẹp đều do Hậu đảm nhận. Hậu khéo tay, chu đáo lại nấu ăn ngon nên chưa bao giờ hai người to tiếng với nhau.

Tình yêu của hai người sẽ không có gì phải bàn nếu như Hậu và Cường không cùng giới tính. Ban đầu Hậu và Cường giấu tất cả mọi người, nhưng sau thời gian dài yêu nhau và dọn về ở cùng, họ quyết định công khai. Từ khi biết chuyện của hai người, bạn bè, đồng nghiệp không khi nào không xì xào về họ.

Khi quyết định công khai người đồng tính sẽ chịu sức ép từ dư luận

Về phía gia đình, khi Cường nói với bố rằng mình yêu Hậu, bố Cường mắng như tát nước vào mặt Cường và nói: “Tao không có thằng con biến thái như mày. Cút ra khỏi nhà tao”. Sau hôm đó Cường quyết định xuống Sài Gòn xin việc và quyết không quay về. Nhiều lần bố Cường xuống tận nơi năn nỉ Cường trở về và hứa sẽ cho căn nhà trị giá gần một tỷ nhưng đều thất bại. 

“Chẳng qua mình là cháu đích tôn của dòng họ nên mới có chuyện ổng năn nỉ như vậy, chứ chẳng phải vì thương hay lo lắng cho mình. Ổng là người cực kỳ độc đoán, vì sự độc đoán ấy mà mẹ phải ra đi từ khi mình còn rất bé. Mình thà sống trong căn phòng trọ chật hẹp mà hạnh phúc còn hơn trở về căn nhà khang trang nhưng chỉ coi mình là kẻ biến thái, là bộ máy duy trì nòi giống như vậy”, Cường tức giận.

Khi biết ba Cường phản đối dữ dội, Hậu đã khuyên Cường trở về nhà làm tròn chữ hiếu. Nhưng thấy thái độ của Cường kiên quyết như vậy, Hậu cũng không can thiệp thêm. “Gia đình mình ủng hộ mình vì từ bé mình đã có những biểu hiện rất nữ tính và cũng biết mình yêu Cường thật lòng. Nhưng ba Cường phản đối gay gắt như vậy, pháp luật lại không cho phép kết hôn đồng giới. Thôi cứ ở chung vậy đi đã, tới đâu hay tới đó”, Hậu nói.

Cha mẹ hãy đặt mình vào địa vị con cái để hiểu và cảm thông
    
Chuyên gia tư vấn Hải Linh, Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc, nhận định, tình yêu bị ngăn cấm, kỳ thị giữa những cặp đồng tính là một thực tế xã hội. Chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy việc không công khai tình yêu sẽ tốt hơn. Nhưng thực tế, nếu công khai thì bản thân mỗi người sẽ có một áp lực nhất định.

Cụ thể, nhiều cặp đồng tính chia tay nhau vì khi công khai chuyện tình cảm, không được gia đình, xã hội, cộng đồng chấp nhận. Kèm với đó là những khó khăn trong việc có con và nuôi con. Rồi khi gặp mâu thuẫn mà không có sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, không có ràng buộc về luật pháp. 

Chuyên gia phân tích, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình là người dị tính, sinh ra, lớn lên, lập gia đình rồi lại sinh con. Vì vậy, đa số họ sẽ phản đối kịch liệt chuyện con gái hoặc con trai mình có tình cảm với một người cùng giới tính. Đơn giản là họ không chịu được sự gièm pha của xã hội, họ sợ mất mặt khi có người bàn tán con của họ là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ.

Khi gặp sự phản đối mạnh mẽ của cha mẹ, nhiều cặp đồng tính đã thuyết phục gia đình và cố gắng sống thật hạnh phúc để mọi người hiểu rằng tình yêu của họ là chân chính. Tuy nhiên, rất nhiều đôi đã tìm đến những giải thoát tiêu cực như bỏ nhà đi, thậm chí có trường hợp tự tử.

Chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, khi con cái đã chịu sức ép từ phía dư luận, cha mẹ phải là điểm tựa để con cái vượt qua mặc cảm dư luận. Có thể sự chấp nhận đó sẽ là khó khăn nhưng hãy đặt mình vào địa vị con cái để hiểu và cảm thông. Khi bị bạn bè chê cười, bố mẹ hắt hủi chỉ khiến con cái sống bi quan và dễ dấn đến hành động lệch lạc về tình yêu. Đồng thời các bạn trẻ cũng cần có thái độ sống tích cực để mọi người phải thay đổi đánh giá về chuyện tình cảm của các bạn.

Chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn: “Tôi mong rằng trong thời gian sớm nhất pháp luật Việt Nam sẽ thừa nhận hôn nhân đồng tính và có những quy định cụ thể về hôn nhân đồng tính để những người đồng tính có được hạnh phúc trọn vẹn như bao người dị tính khác”.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.