Đằng sau “quả bom” ly hôn này có sự góp tay từ những hành vi gây xói mòn hôn nhân của chính người trong cuộc.
Khảo sát ngẫu nhiên 400 người đã kết hôn từ 18 đến 55 tuổi tại Hà Nội và TP.HCM, dự án “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị” (do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp với các chuyên gia tâm lý thực hiện) đã đưa ra những cảnh báo đáng lo về sự “mong manh, dễ vỡ” của các gia đình đô thị.
Vỡ mộng quá nhanh
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 25% số người cảm thấy “rất hạnh phúc” (RHP) so với 32% số người cảm thấy “bình thường, không có gì đặc biệt” (BT) với cuộc sống hôn nhân của mình. Đây là sự vỡ mộng ghê gớm bởi gần hết trong số họ (99%) từng cảm thấy “rất hài lòng” lúc mới cưới.
Dự án đưa ra cảnh báo: giai đoạn có con đầu lòng đi cùng với sự sụt giảm lớn về mức độ hài lòng với cuộc hôn nhân của “người trong cuộc”.
Nhưng vì đâu nên nỗi? Trước hết là sự bức xúc bởi sự xuất hiện của những thay đổi “khủng khiếp” nơi bạn đời. Cụ thể, gần 1/3 số người bức xúc về thói tiêu xài hoang phí của vợ/chồng.
Và trên dưới 20% số ông chồng thường cảm thấy stress với việc “bị” vợ ghen tuông và kiểm soát, trong khi một tỉ lệ tương đương số bà vợ cảm thấy khó chịu vì các mối quan hệ bạn bè và các “bệnh” khác của chồng như cờ bạc, rượu chè, hút xách, làm biếng và sĩ diện.
Yếu tố gây vỡ mộng tiếp theo chính là sự thay đổi trong cách cư xử với bạn đời.
Lúc mới cưới, các cặp vợ chồng thường xuyên có nhiều hành động thể hiện sự yêu thương và vun đắp cho tình yêu như san sẻ việc nhà (81%), thường xuyên quan tâm (79%), nhường nhịn (61%), nói lời yêu thương (71%) cũng như có nhiều hoạt động vui chơi giải trí cùng nhau.
Việc các cặp đôi “quên” làm những điều tích cực đó giữa lúc vô số bất đồng phát sinh khiến mối quan hệ vợ chồng xấu đi nhanh chóng.
Đứng đầu bảng “lý do vợ khóc”, theo kết quả khảo sát, là chuyện “vợ chồng bất đồng quan điểm/cãi nhau” (63%), trên cả “lo lắng cho kinh tế gia đình” (42%) và “tủi thân do chồng hời hợt/không quan tâm” (15%).
Có 5 vấn đề thường gây bất đồng vợ chồng nhiều nhất là quan hệ bạn bè, tài chính, sinh hoạt hằng ngày, điện thoại/game và đối xử hai bên nội ngoại.
Ông Phan Quang Thịnh, giám đốc dự án khảo sát, cho biết: “Quan trọng là cách giải quyết bất đồng. Nhóm RHP có khuynh hướng đối mặt giải quyết, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần tôn trọng nhau.
Trong khi đó, nhóm BT lại theo hướng cố gắng nhường nhịn theo kiểu chịu đựng và để từ từ mọi việc sẽ qua, khiến những bất đồng giống như ngọn lửa âm ỉ chờ ngày bùng phát”.
Đâu là chìa khóa hạnh phúc?
Theo kết quả khảo sát, 82% gia đình nhóm RHP có các hành động quan tâm tới bạn đời trong dịp sinh nhật gần nhất như tổ chức tiệc sinh nhật, tặng hoa/quà, vợ chồng cùng đi xem phim… trong khi các gia đình nhóm BT có đến 43% sinh nhật trôi qua lặng lẽ.
Đối với nhóm RHP, buổi tối là “giờ vàng” cho các hoạt động chung như cùng ăn tối, trò chuyện, chơi đùa… trong khi nhóm BT thường hoạt động cá nhân như làm việc riêng (50%), giải trí theo cách riêng (17%), về nhà trễ (10%).
Vì vậy, dự án kết luận: “Càng quan tâm và dành nhiều thời gian cho gia đình thì càng hạnh phúc”.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của các yếu tố tác động đến hạnh phúc, câu trả lời là sự tin tưởng (62%), sức khỏe (61%) và vợ chồng hòa hợp (60%).
Tiếp theo là các yếu tố về kinh tế, “không trăng hoa”, con cái, hiểu/thông cảm/hi sinh cho nhau và yêu thương nhau.
Ông Thịnh đặc biệt lưu ý tác động của các yếu tố “tưởng ít quan trọng” là sống đạo đức, chuyện chăn gối, vợ chồng quan tâm/dành nhiều thời gian cho nhau, chăm chút bản thân để ngày càng hấp dẫn hơn, gia đình có nhiều hoạt động giải trí và chồng phụ giúp việc nhà…
Hầu hết người tham gia khảo sát đồng tình rằng sự chung thủy là một trong các yếu tố nền tảng để có hôn nhân hạnh phúc.
Nam có khuynh hướng thoáng hơn nữ về vấn đề chung thủy: 85% nữ cho rằng “ăn bánh trả tiền”, cà phê ôm, massage là không chung thủy so với 76% của nam và đó cũng chính là một trong các nguy cơ tan vỡ hôn nhân.
“Có thể người chồng cho là không vấn đề gì, nhưng người vợ lại rất đau khổ…” – ông Thịnh phân tích.
Ngoài ra, tính tình của “người trong cuộc” cũng là yếu tố quan trọng khác. Nhóm RHP trung bình có tới 5 điểm đáng quý được nhìn nhận nơi bạn đời của mình trong khi nhóm BT chỉ hơn 3 trong số các yếu tố như vui vẻ hòa đồng, quan tâm chăm sóc gia đình, tốt bụng, trung thực, lạc quan…
Ở góc độ khác, nhóm RHP thấy bản thân mình và bạn đời đều có những đức tính tốt và xấu khá tương đồng nhau, trong khi nhóm BT lại thấy mình tốt (và ít có điểm xấu) hơn bạn đời rất nhiều.
“Cần học cách khám phá và tập trung vào ưu điểm của bạn đời, nhìn tích cực về nhau, ngay bản thân cũng tự điều chỉnh để tạo thêm những ưu điểm mới cho mình” – ông Thịnh nêu giải pháp.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh?” (do báo Phụ Nữ TP.HCM và Công ty nghiên cứu thị trường TITA tổ chức vào chiều 12-3 ở TP.HCM), TS Nguyễn Thị Bích Hồng đề cập sự thiếu trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.
Ngoài ra, sự đảo lộn và thiếu định hướng các giá trị sống tích cực (chung thủy, tự trọng, hi sinh…) cũng tác động mạnh mẽ gây xói mòn hôn nhân.
Theo bà Hồng, trước hết vợ/chồng cần chủ động “tự cứu” hôn nhân của mình qua việc nỗ lực làm tròn trách nhiệm trong gia đình; điều chỉnh nhận thức – thái độ – hành vi bản thân; củng cố, giữ gìn, bảo vệ nếp nhà; học cách tổ chức cuộc sống cân bằng giữa gia đình – công việc – sức khỏe…
Nguồn: Theo Tuổi trẻ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.