1. Hãy nói chuyện với nhau bất cứ khi nào có thể
Có nhiều cặp đôi yêu nhau được một thời gian bỗng cảm thấy mối quan hệ đã “không còn gì để khám phá, tìm hiểu”. Có khi họ không biết nói với nhau điều gì khi ở bên nhau, người thì cảm thấy lạc lõng với hiện tại và ngó nghiêng sang các mối quan hệ khác, người thì ngoái về quá khứ rồi so sánh “ngày xưa – ngày nay”. Thực ra, sự nhàm chán trong một mối quan hệ là có thật, khi sự quen thuộc khiến cho họ cảm thấy quá an toàn và mất hết cảm giác háo hức muốn khám phá về nhau.
Làm sao để một mối quan hệ lúc nào cũng có chuyện để nói? Hãy nhớ lại phút ban đầu, bạn háo hức điều gì ở đối phương? Thực ra, bạn đừng nghĩ rằng mình đã hiểu hết con người của đối phương. Mỗi con người đều xuất hiện rất nhiều khuôn mặt với từng cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, kể cả ngay với bạn, mối quan hệ tưởng chừng như thân mật nhất. Hãy trò chuyện với anh ấy/cô ấy để hiểu hơn về nhau. Trò chuyện chứ không phải tranh cãi, bạn hiểu chứ?
2. Đừng ngại nói “Anh yêu em/ Em yêu anh” mỗi khi muốn bày tỏ
Khi mới yêu, các cặp đôi không ngừng thể hiện những tình cảm nồng nhiệt của mình dành cho đối phương. Chuyện nói lời yêu thương khi ấy chẳng cần một sự chỉ dẫn nào, họ tự nhiên muốn nói với người yêu mình những lời ngọt ngào. Nhưng thời gian lại trôi qua, cảm giác sôi sục lúc mới yêu qua đi, họ nhìn nhau thân thuộc hơn và chính lúc ấy lời yêu thương nói ra bỗng trở nên ngại ngùng thậm chí trở nên “sến sẩm”.
Tuy nhiên có khi nào bạn bất chợt nghĩ đến việc đã quá lâu mình quên không nói với người yêu mình một lời yêu thương. Khi đó liệu đối phương còn có thể cảm nhận tình cảm của bạn thiết tha như thủa ban đầu? Vì vậy nếu yêu, hãy cứ nói lời yêu, đừng để đến một phút nào đó, bạn cảm thấy nuối tiếc khi không còn có thể nói với họ, bạn yêu họ rất nhiều…
3. Đối thoại như những người trưởng thành và không ngừng học hỏi ở nhau
Có nhiều mối quan hệ trở nên cũ kĩ và khó có thể “đánh bóng” chúng cho mới mẻ, nguyên nhân bởi vì một trong 2 phía là người “không chịu lớn”. Vấn đề bạn có thể làm là chia sẻ và cư xử như một người trưởng thành với đối phương, đừng cố lôi chuyện “tôi đúng – bạn sai” ra trong mọi chủ đề thảo luận. Hãy học cách lắng nghe lẫn nhau và xoa dịu đối phương bằng sự chín chắn của mình.
4. Luôn đề cao ưu điểm của đối phương
Hẳn bạn còn nhớ rõ, bạn từng mê mệt đối phương ở điều gì. Có những khi vì một vài mâu thuẫn nào đó mà bạn quên mất những ưu điểm của nửa kia “yêu nên tốt, ghét nên xấu” là điều dễ thấy ở tâm tính con người, thế nhưng đó không phải là tâm tính tốt, bởi nó khiến bạn mất đi tính khách quan của mình khi nhận định về người khác, nhất là với người mà bạn yêu thương.
5. Tôn trọng bạn bè và không gian riêng tư của nhau
Vấn đề này thường phải nhắc khéo các nàng hơn là các chàng, đặc tính thích chiếm hữu và kiểm soát luôn thuộc về giới nữ. Nên nhớ rằng, có những mối quan hệ không thể và không nên thay đổi đó chính là tình bạn. Có người sẵn sàng không có tình yêu, nhưng họ vẫn luôn luôn cần những người bạn, vì thế đừng bao giờ nói đến việc “anh coi bạn anh hơn hay em hơn?” vì điều đó chỉ khiến chàng cảm thấy mệt mỏi vì cô người yêu chưa kịp lớn của mình thôi. Ai cũng cần không gian riêng và những mối quan hệ xung quanh ngoài tình yêu, kể cả bạn, chắc hẳn bạn cũng không muốn anh ấy can thiệp chuyện bạn nên chơi với ai, đi đâu, bao giờ về…phải không nào?
6. Góp ý thẳng thắn nhưng khéo léo
Nếu bạn thấy đối phương đang phạm sai lầm, hãy góp ý thẳng thắn, nhưng với một thái độ khéo léo và mềm mỏng. Suy cho cùng, việc bạn chỉ ra cái sai của đối phương với mong muốn đối phương tốt lên và bạn làm việc đó với động cơ yêu thương chứ không phải hả hê khi đối phương “ngã ngựa”, vì thế ông bà ta đã dạy “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chẳng sai tý nào đâu!
7. Giữ vững quan điểm nhưng phải biết lắng nghe và tiếp thu
“Cái Tôi” luôn là cá tính, là nhân sinh quan của mỗi người, nó khiến chúng ta khác biệt với những người còn lại. Việc sử dụng “cái Tôi” thế nào lại là một vấn đề rất quan trọng trong một mối quan hệ yêu đương. Không ít người vì yêu đã đánh mất cái Tôi của mình, và cũng không ít người vì “cái Tôi” quá lớn đã đánh mất tình yêu của mình. Lời khuyên cho những cá tính đậm nét và “hãy biết lắng nghe và tiếp thu” khi đầu óc muốn mở mang, ta sẽ thấy cái “Tôi” của mình bé lại.
8. Bỏ qua những sự việc mâu thuẫn nếu sự việc đó không quá nghiêm trọng
Đừng vặn vẹo, “nhai lại” những mâu thuẫn đã qua, mỗi khi tranh cãi lại lôi những câu chuyện từ thời “nguyên thủy” ra để bới móc và chỉ trích nhau. Điều đó chưa bao giờ làm một mối quan hệ trở nên tốt đẹp và bền vững cả.
9. Dành thời gian cho nhau
Có nhiều cặp đôi thường hay than thở rằng họ quá bận rộn nên không còn thời gian để dành cho đối phương. Có thực vậy? Vậy trước kia, bạn lấy đâu ra thời gian để gặp nhau, tìm hiểu nhau và yêu nhau? Đừng để cho tình yêu luôn ở trong trạng thái hiển thị “đã xem”, tình yêu cũng như một cái cây, nếu bạn không bỏ công chăm sóc, vun trồng, tỉa tót, bạn nghĩ là nó có thể sống tươi xanh hay sao?
10. Hãy nhớ “không ai là hoàn hảo”
Đừng đòi hỏi quá nhiều trong một mối quan hệ khi bạn chưa học được cách cho đi. Nên nhớ, Soái ca chỉ ở trong ngôn tình, nơi mộng tưởng của tất cả những người phụ nữ, hãy nhìn nhận lại bản thân một cách công tâm, bạn sẽ nhận ra vô số khiếm khuyết của mình. Rõ ràng là bạn không hoàn hảo, vậy cớ sao bạn lại đòi hỏi đối phương phải hoàn hảo?
Hãy dùng niềm tin và tình yêu của mình, như một miếng giáp đánh bóng lại mối quan hệ của bạn, chính bạn phải làm điều đó, đừng trông chờ nếu như bạn muốn có một cuộc tình như bạn hằng mong, hãy tập cách tự mình lau chùi nó trước đã…
Phượng Ớt
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.