Chán ghét công việc
Nếu bạn không ngừng kêu ca, than vãn về công việc, đồng nghiệp sẽ đánh giá bạn là người tiêu cực và không phải một thành viên tốt của nhóm, thậm chí còn ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của mọi người xung quanh. Và dĩ nhiên, sếp của bạn sẽ nhanh chón tìm được thủ phạm khiến tinh thần của nhóm nhân viên đang đi xuống và cũng biết rằng luôn có các ứng viên đầy nhiệt huyết đang chờ đợi bên ngoài.
Thông tin bí mật về công ty
Có rất nhiều chủ đề bạn có thể chia sẻ cùng với đồng nghiệp của mình nhưng thông tin về kế hoạch về cắt giảm nhân sự hay một hợp đồng quan trọng của công ty là những điều “cấm kị” được “tám”. Sự sơ sẩy khi nói chuyện của bạn sẽ làm nhiều người hoảng sợ hay phấn khích không đúng thời điểm, và chắc chắn là lãnh đạo của công ty không hề thích điều này.
Nói xấu sếp
Dù bạn có hài lòng hay không hài lòng về sếp thì cũng không nên nói điều này với đồng nghiệp. Bởi điều đó chỉ khiến cho câu chuyện giữa hai người trở nên căng thẳng. Thêm vào đó, với những đồng nghiệp nghiêm túc, không thích nói đến những vấn đề nhạy cảm họ sẽ tỏ thái độ và cho rằng bạn đang “buôn chuyện” với họ.
“Hạ bệ” người khác
Ở công sở nào cũng có những người năng lực yếu và thông thường mọi người đều biết đó là ai. Nếu bạn không thể giúp họ cải thiện hay không có quyền sa thải họ, bạn cũng không nên “buôn dưa lê”, chê trách hay hạ bệ sự yếu kém của họ. Việc này sẽ khiến cho hình ảnh của bạn xấu đi. Và một lúc nào đó, bạn cũng sẽ bị ám ảnh về những nhận xét tiêu cực của đồng nghiệp về mình.
Không có tinh thần làm việc nhóm
Trong công việc, thành công của tập thể là nhờ từng cá nhân góp sức. Tùy năng lực, sở trường của từng người mà trong nhóm có người đóng góp ít, người đóng góp nhiều cho dự án hay công việc. Vậy nên bạn đừng nâng cao bản thân hay so đo những việc mình làm với đồng nghiệp. Những nhân viên xuất sắc luôn muốn cả nhóm thành công chứ không chỉ riêng mình.
Thu nhập của bạn
Có thể bạn có mức thu nhập khá giả nhờ việc làm thêm, kinh doanh tay trái hay có người thân hỗ trợ Có thể bạn không phải lo về vấn đề chi tiêu trong gia đình hàng tháng hay có mức lương khá khẩm hơn đồng nghiệp. Nhưng việc chia sẻ điều đó ở nơi công sở chỉ gây ra phiền phức. Bạn nên nhớ, việc trả lương cho nhân viên không bao giờ công bằng tuyệt đối. Vì vậy, việc bạn tiết lộ mức lương hay thu nhập của mình cho đồng nghiệp sẽ khiến họ so sánh.
Chia sẻ mọi thứ mình làm và để public trên Facebook
Dù thỏa mãn hay bất mãn với công việc, sếp, đồng nghiệp cỡ nào bạn cũng không nên lên Facebook để than vãn. Mặc dù chia sẻ những điều trong cuộc sống trên mạng xã hội là quyền riêng của mỗi người nhưng bạn thử nghĩ xem, chẳng ông chủ hay đồng nghiệp nào muốn khi đăng nhập Facebook lại thấy những dòng phàn nàn về mình trên đó cả. Đó là chưa kể họ sẽ xem xét lại về năng lực cũng như kế hoạch thăng chức cho bạn nữa đấy!
Chuyện tình yêu hay chuyện giường chiếu của bạn
Những chuyện riêng tư, tế nhị như chuyện yêu đương hay giường chiếu của bạn không phải là điều nên được nói ở công sở. Có thể câu chuyện của bạn sẽ nhận được lời khen ngợi, tán dương, ngưỡng mộ nhưng sẽ có nhiều người khác thấy thiếu thoải mái hay thậm chí khó chịu. Những chuyện riêng tư này sẽ ngay lập tức làm xấu hình ảnh của bạn.
Nói đùa quá trớn
Những lời nói đùa sẽ khiến công việc của bạn bớt căng thẳng và gắn kết tình cảm nơi công sở. Nhưng nếu không khéo léo, tế nhị, hững câu đùa phản cảm, quá trớn sẽ khiến người khác cảm thấy khinh khủng và làm xấu hình ảnh của bạn. Khi muốn đùa với ai, hãy cân nhắc sự phù hợp của nó với mức độ thân thiết của bạn với người đó. Nếu cảm thấy rằng họ có thể bị tổn thương vì câu đùa của bạn thì tốt nhất đừng nói ra.
Bạn có kế hoạch nhảy việc
Dù chán công việc hiện tại và muốn tìm một cơ hội mới bạn cũng không nên “tám” với đồng nghiệp. Khi tiết lộ rằng mình đang chuẩn bị nghỉ việc, đột nhiên bạn sẽ trở thành kẻ gây lãng phí thời gian của người khác. Cũng có thể bạn sẽ không tìm được việc mới, vì vậy tốt nhất nên đợi đến khi tìm được rồi mới chia sẻ với mọi người.
Những người nổi tiếng bạn quen biết
Thật ra đồng nghiệp không hề có nhu cầu biết được gia thế của bạn ra sao, bạn học ở trường danh tiếng như thế nào, chơi thân với những người tài giỏi, nổi tiếng đến đâu… Bạn càng nói nhiều, người ta càng khó chịu. Và nếu bạn đang khoác lác, đó là cách nhanh chóng để hình ảnh của bạn trở nên xấu thậm tệ trong mắt mọi người.
Bệnh
Có lẽ bạn không muốn những tin đồn đãi về bệnh tật của mình được truyền tai nhau trên văn phòng đâu đúng không? Nếu bạn có bệnh tật hay phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa thì hãy giữ im lặng. Chắc chắn bạn không muốn bị nhìn với con mắt dò xét hay nghi kỵ hay thậm chí là thương hại, vì chúng ta đến văn phòng là để làm việc mà.
Cuộc sống phức tạp
Nếu hé lộ cho đồng nghiệp biết về đời sống cá nhân rắc rối và phức tạp của mình, bạn có thể đánh mất luôn sự tin tưởng đấy. Bởi vì theo tâm lý thông thường, một người không thể giải quyết các vấn đề cá nhân của bản thân mình, thì làm sao có thể xử lý tốt công việc được đây?
Tự nhận mình là số 1
Nếu bạn lúc nào cũng vỗ ngực cho rằng mình giỏi, nhưng chẳng có sự cố gắng, bạn chỉ nói điều đó bằng miệng thì bạn đang “chuốc họa” vào bản thân mình. Điều đó sớm muộn cũng bị “phát giác” và bị đồng nghiệp quay lưng. Chưa kể mọi người còn cho rằng bạn là kẻ chỉ biết ba hoa, khoe khoang.
Nếu thật sự bạn là một người tài năng, bạn hãy thể hiện điều đó bằng sự nỗ lực cố gắng trong công việc. Thành tích cao là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó và ai cũng nhận thấy. Lúc đó, bạn không cần phải “khoe” mà ai cũng “ghi nhận” rằng bạn là người có năng lực nổi trội.
Nha Trang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.