Các nhà khoa học xã hội Mỹ đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu về tình hình hôn nhân ở nước này từ năm 1970 và phát hiện ra một sự thực gây sốc: tỷ lệ ly hôn đang lên cao tới mức chưa từng thấy. Trong cuốn sách The Science of Happily Ever After, nhà tâm lý học Ty Tashiro cũng cho biết, hiện nay, chỉ có 30% trong số những cặp đôi đã kết hôn tại Mỹ là vẫn còn duy trì được cuộc hôn nhân hạnh phúc và lành mạnh.
Nhà văn Leo Tolstoy từng nói: “Tất cả những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, tuy nhiên mỗi gia đình không hạnh phúc lại có kiểu không hạnh phúc của riêng mình”. Thế nhưng liệu có điểm chung nào dù là nhỏ bé giữa những cuộc hôn nhân không hạnh phúc không?
Năm 1986, nhà tâm lý học John Gottman (hiện đang sống và làm việc tại New York) đã cùng đồng nghiệp Robert Levenson tổ chức cuộc nghiên cứu mang tên The Love Lab. Gottman và Levenson đã mời một số cặp cô dâu và chú rể vào phòng thí nghiệm và quan sát cách họ tương tác với nhau.
Sau khi gắn thiết bị đo điện não và huyết áp lên người, các cặp đôi phải trả lời một số câu hỏi về tình hình mối quan hệ của họ, chẳng hạn như họ đã gặp nhau như thế nào; họ đã từng cùng nhau trải qua sóng gió gì; họ có kỷ niệm đẹp nào đáng nhớ không;… Trong khi người tham gia trả lời câu hỏi, các nhà nghiên cứu thu thập thông số từ máy móc trên người họ để tiến hành phân tích. Trong vòng 6 năm sau, các nhà nghiên cứu vẫn theo sát bước chân những cặp đôi này xem họ có còn chung sống với nhau hay không.
Thông qua các dữ liệu đã thu thập được, Gottman tách các cặp vợ chồng thành hai nhóm chính: nhóm “lão luyện” và nhóm “thảm họa”. Nhóm “lão luyện” vẫn chung sống hạnh phúc sau 6 năm nhưng nhóm “thảm họa” thì hoặc đã ly hôn, hoặc đang phải cố chịu đựng nhau.
Khi phân tích số liệu thu được, Gottman nhận ra rằng, mặc dù những người thuộc nhóm “thảm họa” tỏ ra rất bình tĩnh suốt cuộc khảo sát, nhưng cơ thể họ lại “kể” một câu chuyện khác. Tim họ đập rất nhanh và mồ hôi thì túa ra như suối. Trên thực tế, những người có hoạt động thể lý “hỗn loạn” nhất trong lúc tham gia thí nghiệm thì cũng là người sớm chấm dứt hôn nhân của mình nhất sau 6 năm.
Vậy những biểu hiện sinh học đó thì liên quan gì đến độ bền vững của hôn nhân? Câu trả lời là: người có hoạt động thể lý tích cực thường là người dễ mất kiên nhẫn và dễ nổi nóng.
Cho dù chỉ phải ngồi một lúc để nói về những điều rất bình thường trong tình yêu của mình, họ cũng cảm thấy căng thẳng. Tâm trạng này khiến tim họ đập nhanh hơn và khiến họ bị kích động.
Ngược lại, nhóm “lão luyện” thể hiện nhịp sinh lý rất ổn định. Họ cảm thấy thoái mái và luôn kết nối chặt chẽ với người bạn đời của mình. Tâm trạng thư thái đó giúp họ giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, kể cả khi phải tranh cãi với chồng/vợ.
Đến năm 1990, Gottman lại tiến hành một nghiên cứu khác để tìm hiểu kỹ hơn về những yếu tố có thể tác động lên tình cảm vợ chồng.
Ông đã mời 130 cặp vợ chồng mới cưới đến một phòng thí nghiệm được bài trí như căn hộ gia đình để làm những việc thường ngày như: nấu ăn, dọn dẹp, nghe nhạc, dùng bữa, trò chuyện và đi dạo. Thông qua nghiên cứu này, Gottman đã phát hiện được những yếu tố quan trọng quyết định việc một cuộc hôn nhân sẽ diễn ra theo cách nào.
Trong quá trình tiến hành thí nghiệm, các cặp vợ chồng được yêu cầu làm những hành động để thể hiện sự kết nối đặc biệt giữa hai người. Ví dụ, khi một người chồng thấy con chim oanh đậu ngoài sân, nhiệm vụ của anh ta là phải khều vợ mình và nói: “Nhìn kìa em, có một con chim oanh ngoài kia!”
Trong lúc này, người vợ thường sẽ phản ứng theo hai hướng: hoặc là quay đầu nhìn ra hướng chồng chỉ, hoặc là phớt lờ lời nói của chồng.
Gottman cho rằng chỉ một con chim oanh nhỏ cũng có thể nói lên nhiều điều về mối quan hệ giữa hai người. Khi nói với vợ về sự xuất hiện của con chim, người chồng đang ngầm yêu cầu một phản ứng đáp trả của vợ mình – một dấu hiệu thể hiện sự quan tâm hoặc hỗ trợ. Cách người vợ phản ứng trong tình huống này sẽ cho thấy cô có nhận ra được dụng ý của chồng và tôn trọng điều đó hay không.
Sau cuộc thí nghiệm, Gottman lại chờ 6 năm để xem các cặp vợ chồng mới cười ngày nào có còn hạnh phúc với nhau hay không. Kết quả là: những cặp đã ly hôn cũng là những cặp chỉ thể hiện được khoảng 33% kết nối trong cuộc thí nghiệm 6 năm trước. Trong khi đó, những cặp vẫn còn chung sống hạnh phúc đã từng thực hiện được tới 87% kết nối. Gottman nói: “Họ hiểu được nhu cầu cảm xúc của người bạn đời và đáp ứng nó một cách nồng nhiệt, đó là lý do họ có thể gắn bó với nhau lâu dài”.
Chỉ bằng cách quan sát các tương tác nhỏ nhặt của một cặp đôi, Gottman có thể dự đoán chính xác tới 94% khả năng chung sống hạnh phúc của họ trong nhiều năm sau. “Điểm cốt yếu ở đây là tinh thần mà hai người mang lại cho mối quan hệ của mình. Hai bạn đối xử với nhau một cách tử tế và hào phóng hay khinh miệt và thù địch?” Ông nói.
Thái độ khinh miệt, theo những phân tích của Gottman là yếu tố có khả năng phá vỡ hạnh phúc hôn nhân cao nhất.
“Những người thường xuyên đối xử lạnh nhạt và thích chỉ trích, miệt thị bạn đời hiếm khi nhận ra rằng họ đang tự tay hủy diệt mối quan hệ vợ chồng của mình”, Gottman nói. Không chỉ vậy, nghiên cứu cho thấy những người phải chịu đựng cuộc hôn nhân căng thẳng và thường xuyên bị vợ/chồng chỉ trích cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim, huyết áp cao và bị giảm thiểu khả năng chống chọi lại virus lạ và bệnh ung thư.
Ngược lại, sự ân cần chính là chất keo kết nối trong hôn nhân. Nghiên cứu khác của Gottman cho thấy, sự ân cần (xuất phát từ tình yêu chân thành) là yếu tố quan trọng nhất để dự đoán “tuổi thọ” của một cuộc hôn nhân. Khi một cặp vợ chồng cư xử ân cần và quan tâm đến nhau, cả hai đều sẽ cảm thấy mình đang được yêu thương, trân trọng đúng mực. Mặt khác, thực tế đã chứng minh rằng con người khi được chứng kiến lòng tốt sẽ tự nhiên muốn lặp lại hành động đó và khiến lòng tốt lan tỏa rộng rãi.
Có hai cách nghĩ về sự ân cần. Thứ nhất, bạn có thể coi nó là một đặc trưng cố định: tồn tại hoặc không tồn tại trong mình. Thứ hai, bạn có thể coi nó như một dạng cơ bắp – thứ có thể thay đổi tùy thuộc vào việc rèn luyện. Gottman nói: “Nhóm ‘lão luyện’ mà tôi từng đề cập có xu hướng nghĩ về sự ân cần như một dạng cơ bắp. Họ biết là cuộc hôn nhân của họ cần đến nó và biết là nếu muốn nó phát triển thì phải thường xuyên rèn luyện”.
Gottman lấy một ví dụ để giải thích về tác dụng của việc thường xuyên “rèn luyện” sự ân cần trong hôn nhân: “Nếu vợ/chồng có tâm sự cần chia sẻ đúng lúc bạn đang mệt mỏi hoặc chỉ muốn được yên tĩnh, sự ân cần đã trở thành thói quen sẽ khiến bạn vẫn sẵn sàng lắng nghe mà không chút bận lòng”. Những khoảnh khắc như vậy là điều bạn đời của bạn sẽ rất ấn tượng và không bao giờ quên.
Trong tình huống trên, nếu là một người không thường cư xử ân cần thì anh/cô ta sẽ phản ứng bằng cách ậm ừ qua loa cho xong việc hoặc giả vờ lảng đi nơi khác. Tất nhiên, không một ai thích thái độ này khi họ đang cần một bờ vai để tựa vào chứ đừng nói tới người là vợ chồng của nhau.
Thời điểm thử thách nhất nhưng cũng là lúc cần đến sự ân cần nhất là khi hai bạn cãi vã. Gottman nói: “Tỏ ra ân cần không có nghĩa là bạn phải nhịn nhục mọi điều và luôn luôn là người xin lỗi. Sự ân cần nằm trong cách bạn thể hiện nỗi giận dữ của mình. Trong lúc này, nếu bạn chọn cách bình tĩnh giải thích vì sao mình giận dữ chứ không hùng hổ lớn tiếng với vợ/chồng, bạn vẫn đang cư xử ân cần”.
Khi nghĩ cách thể hiện sự ân cần, chúng ta thường tính tới những việc nhỏ nhặt và thảng hoặc mới làm một lần như tặng chồng một món quà nhỏ khi đi xa về, đỡ đần công việc cho vợ vào dịp đặc biệt như sinh nhật, ngày Quốc tế Phụ nữ,… Thế nhưng trên thực tế, ân cần là yếu tố cần phải thấy được mỗi ngày trong cuộc hôn nhân của bạn và nó không khó thực hiện như bạn tưởng.
Một trong những cách thể hiện sự ân cần là tỏ ra rộng lượng hơn với bạn đời. Gottman cho rằng: “Trong hôn nhân, đôi khi vì đang khó chịu, bạn có thể phóng đại những lỗi lầm vốn nhỏ nhặt của vợ/chồng mình”. Một người vợ đang tức giận có thể “nổi đóa” khi thấy chồng không dội nước bồn cầu sau khi dùng, dù thực ra anh ấy chỉ lỡ quên có đúng một lần. Một người chồng có thể phát cáu khi thấy vợ đến muộn trong cuộc hẹn kỷ niệm ngày cưới, dù lý do là vì cô ấy dừng lại dọc đường để mua một món quà đặc biệt dành tặng chồng.
Hãy tưởng tượng người vợ sẽ thất vọng thế nào nếu chồng chào đón cô bằng ánh mắt lạnh lùng và thái độ giận dữ. “Đây chính là lúc sự rộng lượng cần xuất hiện để bảo vệ tình cảm của của hai bạn”, Gottman nói.
Một cách khác để thể hiện sự ân cần là chia sẻ niềm vui. Qua những nghiên cứu của mình, Gottman nhận thấy một trong những lý do khiến các cặp đôi đường ai nấy đi là không kết nối được tâm trạng hạnh phúc với nhau. Khi một người chia sẻ tin vui với bạn, họ đang mong sẽ được hưởng ứng và thấy bạn mừng cho hạnh phúc của họ. Nếu một người chồng chỉ ngồi ngáp khi vợ thông báo tin vừa được thăng chức, anh ta sẽ khiến vợ cảm thấy vô cùng hụt hẫng và mất hứng.
Gottman nói: “Chúng ta vẫn thường nghe rằng vợ chồng phải sát cánh bên nhau lúc nguy nan, nhưng việc chia ngọt sẻ bùi cũng quan trọng không kém. Nếu bạn không thể chân thành vui mừng vì thành công hay hạnh phúc của vợ/chồng mình, sớm muộn gì họ cũng sẽ nguội nhạt tình cảm với bạn”.
Năm 2006, chuyên gia tâm lý Shelly Gable và các đồng nghiệp đã thực hiện một thí nghiệm để xem các cặp đôi thường phản ứng thế nào khi nghe tin vui của nhau. Shelly phát hiện ra rằng, nhìn chung, các cặp vợ chồng sẽ phản ứng theo bốn hướng:
- Thụ động tiêu cực
- Chủ động tiêu cực
- Bị động mang tính xây dựng
- Chủ động mang tính xây dựng
Ví dụ, một người vợ thông báo với chồng rằng mình vừa thi đậu vào hệ cao học của một trường nổi tiếng, các tình huống có thể xảy ra là:
Nếu người chồng phản ứng theo kiểu thụ động tiêu cực, anh ta sẽ phớt lờ màn thông báo này, thậm chí còn đánh trống lảng sang chuyện khác.
Nếu người chồng phản ứng theo kiểu bị động mang tính xây dựng, anh ta sẽ tỏ ra lắng nghe nhưng chỉ chân thành nửa vời. Có thể anh ta sẽ nói: “Ôi, tuyệt quá em yêu!” nhưng chỉ thế là hết.
Nếu người chồng phản ứng theo kiểu chủ động tiêu cực, anh ta sẽ tìm cách dập tắt niềm vui lớn của vợ bằng cách nói những câu như: “Ôi em có biết trường đó học phí đắt như thế nào không? Ngoài ra việc học tập cũng rất bận rộn nữa, em lo nổi không?”
Cuối cùng, nếu người chồng phản ứng theo kiểu chủ động mang tính xây dựng, anh ta sẽ dừng hết mọi công việc đang làm và chúc mừng vợ mình một cách chân thành: “Ôi vợ tôi giỏi quá! Khi nào thì em bắt đầu khóa học? Người ta đã gọi cho em rồi chứ?”
Hoạt động chia sẻ là rất quan trọng để gìn giữ một cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu bền. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng có nhiều cuộc ly hôn đã xảy ra chỉ vì hai người không thể kết nối được với cảm xúc của nhau. Chuyên gia Shelly cho biết, trong bốn kiểu phản ứng kể trên thì người có kiểu phản ứng chủ động mang tính xây dựng cũng là người có hôn nhân hạnh phúc nhất.
Có nhiều lý do dẫn đến sự đổ vỡ của một mối quan hệ, nhưng nếu nhìn sâu vào trong bản chất vấn đề, bạn sẽ thấy mọi lý do đều bắt nguồn từ việc hai người không quan tâm và chia sẻ với nhau đủ nhiều. Một khi hai người đã không thực sự nghĩ đến nhau thì những áp lực khác từ cuộc sống sẽ dễ dàng chen vào và phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Nguồn: Theo Business Insider
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.