Cấp độ 1 : Chịu đựng
Đây là quan điểm của khá nhiều nàng dâu, đặc biệt khi mới về nhà chồng. Quan điểm này nếu cô dâu mới không tự nguyện thì cũng được gia đình hai bên khuyến khích với những lý do như “nhịn đi cho dễ sống”, rồi “nó là em, chấp làm gì” hay “cố chịu đi, đằng nào cũng chỉ một thời gian ngắn nữa rồi em nó sẽ lấy chồng”… Đa phần những nàng dâu thường phải nhẫn nhịn, chịu đựng sự lười biếng một cách cố tình của em chồng, cách ứng xử vô tâm, thiếu tế nhị, sự vòi vĩnh về mặt tiền bạc với anh trai, những va chạm về lời ăn tiếng nói hàng ngày với chị dâu… Nghe thì có vẻ không quan trọng, không đáng chấp nhặt nhưng nếu diễn đi diễn lại hàng ngày sẽ tạo ra sức ép lớn đối với nàng dâu mới cả về tinh thần và thể chất. Chưa kể, các bà cô rất dễ được đà lấn tới, nếu được cha mẹ “đồng lòng”. Như thế sự chịu đựng, tâm lý của nàng dâu mới sẽ trở nên nặng nề hơn.
Đừng đẩy chồng bạn vào tình huống khó xử phỉa bênh vợ hoặc bênh em gái
Để chịu đựng trở thành chấp nhận: Thay vì nghĩ, mình đang phải chịu đựng các thành viên nhà chồng, bạn nên coi và chấp nhận điều đó như là điều tất yếu trong cuộc sống hôn nhân. Suy nghĩ được vậy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, đỡ ấm ức hơn. Thay đổi người khác luôn khó hơn thay đổi chính bản thân mình, thái độ của chính mình. Hãy nghĩ rằng, sự có mặt của mình đã làm xáo trộn những mối quan hệ tình cảm, nếp sống vốn có của nhà chồng và các thành viên như mẹ chồng, em chồng. Hãy nghĩ rằng các thành viên đều cần có thời gian để làm quen, điều chỉnh, để hiểu nhau hơn. Song song đó, đừng quên chia sẻ những gì bạn cảm thấy bức xúc, điều gì bạn cảm thấy em chồng đối xử quá đáng với chồng một cách thật nhẹ nhàng, tế nhị và đúng thời điểm. Chia sẻ để anh ấy hiểu những nỗ lực, cố gắng của bạn, để nhận được sự động viên. Đừng đẩy chồng bạn vào tình huống khó xử phỉa bênh vợ hoặc bênh em gái.
Cấp độ 2: Đối phó
Thực ra, với người thân trong gia đình, đối phó không phải là cách ứng xử hay, vì nó đẩy mọi người vào sự đối đầu, căng thẳng, dễ khiến không khí trở nên ngột ngạt. Nhưng rất nhiều bạn gái ngày này không muốn làm vợ một cách cam chịu, nhẫn nhục để được tiếng dâu hiền. Họ cá tính, thẳng thắn, muốn tạo lập sự bình đẳng giữa các thành viên, muốn được tôn trọng. Và khi có những người cố tình tạo sự bất bình đẳng, cố tình gây khó dễ bất chấp phải trái như các bà cô lắm chiêu thì cũng cần đến một số cách đối phó. Ví dụ: Nắm quyền quản lý các khoản chi tiêu trong nhà để đảm bảo ngân sách không bị thủng bởi thói tiêu xài phung phí của em chồng, tạo cho mình một số đồng minh thân cận trong nhà như bố mẹ chồng, anh chị em khác để không bị đơn độc, thẳng thắn trao đổi với chồng để xác định rõ đâu là những việc riêng của hai vợ chồng, người khác không nên can thiệp vào…
Đối phó không phải là cách ứng xử hay, vì nó đẩy mọi người vào sự đối đầu, căng thẳng
Làm thế nào để đối phó một cách dễ chịu, không biến gia đình thành “lò lửa”?: Trước hết, dù có khó chịu đến mấy với bà cô bên chồng thì hãy coi cô ấy là người nhà, là em của mình. Như thế việc đối phó sẽ được đặt trên nền tảng là tình cảm. Các cô em thường tranh thủ công kích vào những nhược điểm của chị dâu, vậy hãy đáp trả một cách ngọt ngào bằng việc không ngừng hoàn thiện mình. Bạn không đẹp nhưng bạn có thể duyên dáng, ăn vận, nói năng khéo léo. Việc nấu ăn chưa ngon vẫn có thể thay đổi được khi bạn chịu khó tìm tòi, học hỏi. Thẳng thắn mà nói, cuộc chiến giữa chị dâu – em chồng đôi khi cũng chỉ là cách để cả hai muốn thể hiện, khẳng định tình cảm, vị trí của mình với một người đàn ông (chồng – anh trai). Vì thế thay vì dành quá nhiều tâm, sức để lo đối đầu một cách trực tiếp với em chồng, bạn hãy khiến chồng ngày càng tin, yêu mình và ủng hộ mình hơn.
Cấp độ 3: Chinh phục
Sẽ là lý tưởng nhất nếu bạn chinh phục được bà cô bên chồng vì khi đó bạn sẽ có thêm một người bạn gái, em gái đáng quý. Đây là công việc rất khó nhưng không phải bất khả thi. Bạn hãy thử nhé!
Đừng bỏ lỡ những thời điểm thuận lợi: Cùng là phụ nữ và có thể không chênh lệch nhau quá nhiều tuổi nên bạn cần nhạy cảm để có mặt đúng lúc và biết làm những điều hợp lý trong một số thời điểm đặc biệt như: cô em chồng có bạn trai cần người tâm sự, những ngày dành cho phụ nữ, ngày đặc biệt, khi cô em có những sự cố về tình cảm, tìm hiểu, chuẩn bị lấy chồng… Những món quà nhỏ, ý nghĩa cũng là cách tranh thủ tình cảm tốt chứ không nên mua chuộc bằng tiền.
Thành viên mới sẽ giúp ích rất nhiều trong việc gắn kết tình cảm chị dâu – em chồng
Bắt đầu bằng tình cảm chân thành: Những gì từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Nếu cố gắng bao dung, nhường nhịn, chịu khó tìm hiểu bạn vẫn có thể nhìn thấy được đời sống tình cảm, những góc khác ở bà cô tưởng như không thể hòa hợp. Khoảng cách giữa hai bên có thể rút lại qua những lần tâm sự, chuyện trò. Phụ nữ mà, có vô vàn chuyện để buôn.
Chứng tỏ “năng lực” làm dâu: Khi bạn là một nàng dâu biết cách vun vén, chăm sóc gia đình, đối xử biết điều với các thành viên thì cô em chồng cũng phải tâm phục khẩu phục mà thôi.
Kết nối nhờ con cái: Bạn có tin không nhưng sự thật là sự xuất hiện của một đứa trẻ rất có thể sẽ thay đổi hoàn toàn mối quan hệ tình cảm của chị dâu – em chồng. Tạo cho em chồng có nhiều cơ hội gần gũi, chăm sóc, thương yêu bé cũng là cách để gắn kết thêm mối quan hệ chị dâu – em chồng.
Nguồn: Theo VNN
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.