Tất nhiên trách nhiệm dạy bơi cho trẻ sẽ thuộc về nhà trường và các giáo viên, huấn luyện viên. Song, trước một sự thật rằng đã có nhiều trường hợp trẻ chết đuối ngay trong các hồ bơi, kể cả khi đang học bơi, khiến phụ huynh không thể yên tâm tự nhủ: “Giao bé cho thầy, thế là xong!”. Vậy, bạn có thể chuẩn bị những gì cho con, để bé thật sự an toàn?
1. Khảo sát địa điểm trẻ học bơi
Khi được nhà trường thông báo về việc cho trẻ học bơi hoặc bạn dự tính đăng ký riêng cho con học bơi, bạn nên dành ra một chút thời gian, khảo sát và kiểm tra xem chất lượng hồ bơi con mình sẽ học. Kiểm tra xem nước hồ có đủ sạch. Kiểm tra hệ thống cứu hộ, nhân viên cứu hộ có đầy đủ. Kiểm tra xem các khu vực nước sâu có biển báo rõ ràng không.
Nếu hồ có khu vực dốc xuống chênh lệch độ sâu quá thấp, bạn cần cẩn thận báo trước cho con biết rằng đây là những khu vực nguy hiểm, con không được tự ý ra nếu không có áo phao hay không có thầy kèm trực tiếp.
2. Trực tiếp dạy trẻ vài kỹ năng đứng nước
Trừ trường hợp con bạn được học kèm riêng (tức một giáo viên, một học sinh), còn lại, lưu ý rằng trẻ rất hiếu động và với tình trạng một lớp 50 học sinh chỉ có 1 giáo viên dạy bơi như nhiều trường đang làm hiện tại, sẽ tốt hơn nếu bạn trang bị cho con một số kỹ năng cần thiết để an toàn với nước ban đầu.
Chẳng hạn, chỉ cần trẻ biết đứng nước vững trước khi bơi thôi, thì khi để con đi học ở trường hoặc ở lớp bơi, trẻ sẽ được an toàn hơn. Trong trường hợp chính bạn không biết bơi, không thể dạy cho con, tốt nhất hãy cho trẻ học một kèm một, để giáo viên theo sát trẻ từ đầu đến cuối buổi học, trước khi cho trẻ học bơi nhóm hay học ở trường.
3. Mua cho con đầy đủ các vật dụng an toàn
Những thứ bạn cần trang bị riêng, đầy đủ cho con khi cho trẻ đi học bơi là:
– Quần áo bơi.
– Kính bơi.
– Mũ chụp đầu (dành cho bé gái).
– Nút bịt lỗ tai.
– Phao tay hoặc áo phao.
Lưu ý rằng phao tay/áo phao là rất quan trọng cho bé trong bước đầu học bơi. Để phòng ngừa trường hợp nếu trẻ học bơi ở trường và lớp quá đông, chưa chắc có đầy đủ phao tay/áo phao, bạn nên mua riêng cho con (không hề đắt) và yêu cầu trẻ luôn mặc/mang áo phao/phao tay trong ít nhất 8 buổi học đầu.
4. Nhắc nhở con cẩn thận trước buổi học bơi
Như đã nói, trẻ rất hiếu động và tò mò, thích “chứng tỏ” với bạn bè (ví dụ bơi chưa giỏi nhưng thích ra sâu). Trừ khi giáo viên kèm riêng duy nhất một mình trẻ, trường hợp trẻ học trong lớp và theo nhóm, dù thầy cô có nhắc nhở nhưng sẽ nhắc không xuể.
Chính vì vậy, thay vì phó thác: “Đấy là trách nhiệm cũng giáo viên dạy con tôi mà!”, sẽ tốt hơn nếu bạn nói chuyện với con trước khi con học bơi buổi đầu tiên và thường xuyên nhắc nhở con sau đó. Cho con biết sẽ rất nguy hiểm nếu con không tuân theo hướng dẫn của thầy cô, rất nguy hiểm nếu con lẻn thầy cô “chơi riêng”.
Cho con biết những việc an toàn như khởi động kỹ trước khi bơi, tuân thủ hướng dẫn, không được ra ngoài khu vực sâu trừ khi đã bơi được và thầy cô cho phép…
5. Trực tiếp ở trên bờ quan sát
Nếu có điều kiện và nếu lớp học bơi cho phép, bạn nên trực tiếp giám sát con trong những buổi học đầu tiên, ít nhất là đến khi trẻ bơi tương đối vững. (Hầu hết các lớp dạy bơi cho trẻ em đều cho phép điều này). Để mắt đến con sẽ giúp bạn phát hiện ra ngay dấu hiệu bất thường nếu có ở con, cũng như trẻ sẽ ít dám nghịch ngợm hơn khi biết mẹ đang “theo dõi”. Cẩn thận hơn, bạn nên học và thành thạo một số động tác sơ cứu cần thiết khi trẻ chẳng may đuối nước.
NT
(Theo M&C)
(Theo M&C)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.