5 điều không nên bỏ qua để giúp bé tự tin hơn

0
109

Tự tin giúp trẻ tìm ra điểm mạnh của bản thân, tạo động cơ tích cực tiến lên, khích lệ thực hiện mục tiêu đã định. Rèn cho con sự tự tin sẽ là điều có lợi trong suốt cả cuộc đời của trẻ. Vì thế, mẹ đừng bỏ qua 5 điều dưới đây để giúp con tự tin hơn nhé!

1. Tự hào về con

Trên một tờ giấy trắng tinh, nếu có một chấm đen xuất hiện thì người ta hay nhìn vào chấm đen đó – nhìn vào điểm yếu, điểm tiêu cực mặc dù điểm đen chỉ chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ so với tờ giấy trắng. Tương tự, các bậc bố mẹ thường hay nhìn điểm tiêu cực, điểm yếu của trẻ và rất tiết kiệm lời khen.

Nhưng, hãy luôn nói với con: “Bố mẹ tự hào về con”, “con rất giỏi”, “con thật tuyệt vời”,… vào những thời điểm trẻ làm được việc tốt. Tuyệt đối không  nhắc đến nhược điểm của trẻ trước mặt người khác, hãy làm mờ nhược điểm, nhấn mạnh ưu điểm. Luôn nói: “Bố mẹ tin rằng con sẽ làm được”, “con sẽ đạt kết quả cao hơn”,…

2. Khơi gợi khả năng tiềm ẩn của trẻ

Ta biết rằng đứa trẻ nào cũng thông minh, chỉ là theo cách khác nhau mà thôi. Có trẻ thông minh về ngôn ngữ nói, viết, có trẻ thông minh về vận động, có trẻ thông minh về logic/toán học, có trẻ thông minh giao tiếp,… Hãy khơi gợi cho trẻ biết khả năng tiềm ẩn của trẻ lúc còn bé. Chẳng hạn, nếu bây giờ trẻ nhút nhát, thiếu tự tin khi gặp nhiều người,… thì mẹ có thể nói: “Mẹ nhớ là lúc 3, 4 tuổi con hay hát, con thích nói và hát trước đông người, con hát rất hay,…”. Nếu trẻ tự ti, nghĩ là mình học kém toán, có thể nói: “Con biết đếm sớm lắm, lúc con học mẫu giáo, con đã biết đếm, biết đọc các số, con còn biết làm các phép tính cộng đơn giản, ai đố con về toán là con thích lắm”,…

Chỉ cho con bạn biết điểm mạnh của con hiện nay, khả năng con sẽ hơn bố mẹ, vì khi bằng tuổi của con, bố/mẹ chưa làm được như con.

3. Khích lệ, cổ vũ trẻ

Nên nhớ là nếu ta càng “ghi nhận” công lao của trẻ, trẻ càng mang lại nhiều niềm vui cho ta và trẻ sẽ phát triển ngày càng tốt hơn. Khi con phàn nàn làm một việc gì đó chưa tốt hoặc kết quả chưa cao nên khích lệ con “nhất định con sẽ làm được tốt hơn”.

Chẳng hạn, nếu con gái bạn phàn nàn rằng con làm cái này không được, con còn kém điều này, điều kia,… thì nên khích lệ bé: “Rồi con sẽ làm tốt…”. Chẳng hạn con bảo: “con nấu cơm không ngon bằng mẹ, con xào rau không ngon mẹ ạ”,… hãy nói luôn là: “Con làm thế này là tốt lắm rồi, khi mẹ bằng tuổi con, mẹ chưa làm được thế này”, hoặc “Chắc chắn rồi con sẽ làm được tốt hơn”,…

Hiện nay, một số bậc cha mẹ lại nói với con kiểu: “Mày làm kém thế, lúc tao bằng bằng tuổi mày, tao làm giỏi gấp mấy lần thế này” – điều này hoàn toàn không nên. Cần phải tin vào trẻ, nếu cha mẹ nói thế sẽ làm trẻ tự ti, trẻ nghĩ rằng dù mình có cố gắng mấy vẫn bị bố/mẹ chê thôi, và trẻ sẽ mất niềm tin vào bản thân mình. Cũng như khi trẻ mắc lỗi nhỏ, hãy coi đó là chuyện nhỏ thay vì là một điều trầm trọng.

4. Nói lời tích cực, gợi nhớ sự kiện tích cực

Đừng bàn luận hay nhận xét về trẻ bằng các từ tiêu cực như: “hư”, “lười”, “dốt”, “kém”, “nghịch”,… Chẳng hạn: “Con trai nhà em hư lắm, hay nói tục, chửi bậy”; “Con gái em yếu lắm, hơi tí là lăn ra ốm”; “Nó nghịch như giặc không ai trông nổi đâu”; “Con nhà em dốt lắm, nói mãi không hiểu”. Các bố/mẹ hãy thử suy nghĩ xem liệu mình có muốn bị người khác miêu tả như thế không? Chắc chắn không ai thích mình bị nhận xét như vậy hay bị mang ra bình luận với người khác.

Thế nhưng nhiều bậc bố mẹ đang làm vậy với con mình – những đứa bé không có khả năng tự bảo vệ. Nếu trẻ bị dùng từ tiêu cực nhiều, bị chê nhiều, trẻ sẽ tự ti.
Nên dùng các từ, các câu tích cực và dùng câu khẳng định, hạn chế dùng câu hỏi hay câu phủ định, chẳng hạn thay vì: “Con có làm được việc này không?” thành “Bố/mẹ nghĩ việc này con sẽ làm được”. Sử dụng ngôn ngữ tích cực với trẻ là cách bố mẹ thể hiện sự tôn trọng con, giúp trẻ hình thành thái độ sống tích cực ngay từ nhỏ, giúp trẻ học cách tôn trọng mọi người và tự tin hơn.
 
Nên gợi nhớ các sự kiện tích cực mà trẻ đã làm, khi trẻ làm một việc gì đó chưa tốt, có thể gợi lại cho trẻ biết, lần trước con đã làm việc này rất tốt, chẳng hạn khi trẻ làm bài tiếng Anh bị điểm thấp, có thể gợi lại cho trẻ nhớ là: “Năm học trước/tháng trước con vừa đạt điểm 9 môn tiếng Anh mà, con vẫn có thể đạt điểm cao đấy, con chỉ cần lưu ý điểm này, điểm kia,…”. Hạn chế nhắc lại những điểm kém, điểm yếu, việc tiêu cực của trẻ.

5. Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động tập thể

Hãy vận động để con người trở nên linh hoạt hơn, nhanh nhẹn hơn. Tham gia một môn thể thao đối kháng như bóng đá, bóng rổ, cầu lông không chỉ giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần minh mẫn mà còn làm trẻ thêm mạnh mẽ để đối đầu với những áp lực. Khi tham gia các hoạt động tập thể, trẻ được giao tiếp với nhiều người, sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Nếu trẻ tự ti không sẵn sàng tham gia các hoạt động tập thể thì bố mẹ các bé hãy khích lệ, động viên trẻ tham gia, nếu trẻ muốn có thể tham gia cùng trẻ.

Thành Tâm

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.