1. “Ép” con ngủ ngay lập tức
Hầu hết chúng ta cần có một khoảng thời gian ngắn đặt mình nghỉ ngơi trước khi đi vào giấc ngủ và trẻ em cũng không phải là ngoại lệ. Thời gian chuẩn bị ngủ không những giúp bé có sự thoải mái nhất định mà còn mang đến cho cả hai mẹ con những khoảnh khắc thú vị.
Vì thế, mẹ đừng bao giờ “đốt cháy giai đoạn” bằng cách ép bé ngủ ngay. Thay vào đó, khoảng một tiếng trước khi trẻ đi ngủ (6-7 giờ tối là thời gian thích hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ mới lớn) hãy bắt đầu các quy trình như sau:
Đóng rèm, tắt dần ánh sáng trong phòng, chuẩn bị một chai nước và một câu chuyện bất kỳ. Một bồn nước ấm có thể làm trẻ thư thái hơn, sau khi tắm rửa cho bé xong xuôi có thể mang con vào một căn phòng tối có sẵn đĩa nhạc ru ngủ. Hãy kể một câu chuyện khi bế trẻ trong vòng tay mình. Khi đã xong, hãy để chúng trong tình trạng buồn ngủ, đặt bé lên giường khi còn ngái ngủ nhưng chưa thiếp đi hoàn toàn.
2. Bỏ qua các dấu hiệu buồn ngủ của trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ mới lớn luôn có những dấu hiệu “gửi” đến bố mẹ khi chúng thấy buồn ngủ. Một vài trong số đó có thể là dụi mắt, ngáp, hoạt động chậm chạp, khóc dai dẳng không lý do và không có hứng thú với mọi thứ xung quanh kể cả với mọi người hay đồ chơi. Nếu bạn bỏ qua những dấu hiệu này khiến bé không được ngủ khi có nhu cầu, cơ thể của bé sẽ không thể tự sản sinh được ra melatonin được. (Melatonin là một hormone nội sinh trong cơ thể. Nó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp sinh học ngủ – thức của cơ thể, đảm bảo cơ thể có giấc ngủ ngon và tỉnh dậy tỉnh táo vào ngày hôm sau). Thay vào đó, tuyến thận trên của trẻ sẽ tiết ra quá nhiều cortisol – một loại hooc-môn stress, làm chúng trở nên “kỳ quặc” hơn và tạo nên nhiều triệu chứng khác.
Vì thế, bố mẹ cần để ý đến những biểu hiện của con để biết khi nào bé muốn ngủ, thay vì cứ cố gắng dỗ con khi bé không có nhu cầu.
3. Tạo nên những thói quen xấu cho trẻ
Thường mẹ sẽ gặp vấn đề này vào tầm 2 – 3 giờ sáng, khi bé bất chợt tỉnh giấc và quấy khóc. Trong khi mẹ đã vô cùng mệt mỏi rồi, và mẹ sẽ làm mọi cách để bé quay lại giấc ngủ của mình. Những việc mẹ thường làm là vỗ về, đung đưa, hát ru, đi đi lại lại hay xoa lưng bé… Khi bé đến tầm ba hay bốn tháng tuổi, những dấu hiệu trên sẽ trở thành các thói quen để giúp con có thể đi vào giấcngủ.
Điều đó cũng có nghĩa mỗi khi con thức giấc, bé sẽ cần mẹ vỗ về, hát hay dỗ dành để ngủ trở lại. Cứ như vậy, đồng nghĩa với việc mẹ luôn phải thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, với một cơ thể mệt mỏi tưởng như kiệt sức. Và dù mẹ có duy trì được mọi việc như thế thì mẹ cũng không nên để con mình hoàn toàn phụ thuộc vào những hành động đó.
Kinh nghiệm ở đây là hãy đặt con lên giường khi chúng đang ngái ngủ nhưng chưa ngủ hoàn toàn (tốt hơn là bắt đầu khi trẻ được 6 hay 8 tuần tuổi, để có sự đồng đều nhất định), như vậy chúng sẽ tự chìm vào giấc ngủ và tự ngủ lại nếu tỉnh giấc giữa chừng.
4. Để con thức muộn với hi vọng bé sẽ ngủ sau đó
Nghe có vẻ như một ý tưởng rất hay ho. Tuy nhiên, sự thật là nếu bé đã ở tuổi thiếu niên, có thể khi đi ngủ muộn chúng sẽ muốn “nướng” luôn một giấc đến trưa hôm sau. Thế nhưng, thật không may là điều đó không áp dụng với trẻ nhỏ được. Điều đó chỉ khiến bé trở nên mệt mỏi hơn vào sáng hôm sau mà thôi.
5. Bỏ cuộc quá sớm
Không bao giờ là quá muộn để thay đổi một thói quen ngủ không tốt, nhưng bố mẹ nên tăng cường sự kiên trì. Trông chờ vào sự thay đổi nhanh chóng của một thói quen bạn đã hình thành cho con mình trong vài tháng là điều phi thực tế.
Nhiều mẹ bị rơi vào chiếc bẫy khi tin rằng thói quen ngủ của con mình sẽ tự thay đổi được và họ vẫn duy trì những phương pháp không khoa học trong khoảng thời gian đó. Thật sai lầm! Cách tốt nhất là bố mẹ nên dành ra 2 – 3 tuần quan sát thật kĩ thói quen cũng như những thay đổi trong giấc ngủ của con để từ đó thay đổi nó một cách từ từ. Với thời gian và nỗ lực bố mẹ bỏ ra đó, bé sẽ sớm hình thành một thói quen ngủ khoa học hơn, đồng nghĩa với việc có giấc ngủ ngon và sâu hơn mỗi đêm. Cuối cùng, đừng nên lo lắng nhiều và hãy tin tưởng rằng, bất cứ điều gì mẹ bỏ công sức, tâm huyết vào đó đều sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Nguyên Hà– Dịch từ Parents
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.