5 thực phẩm tưởng “có hại” mà lại tốt cho sức khỏe

Thực phẩm nào tốt hay không tốt cho sức khỏe con người dường như cũng thay đổi chóng mặt như thời tiết vậy. Cứ sau mỗi một nghiên cứu mới, khuyến nghị về dinh dưỡng cũng theo đó mà “chạy theo”.

Điều này khiến các nhà khoa học gặp khó khăn khi xác định thực phẩm nào có hại hay không. Scott Harding, giảng viên ngành khoa học dinh dưỡng tại Đại học King, London, nhận xét về 5 thực phẩm từng được coi là “kẻ thù”.

Trứng

Trong suốt một thời gian dài, trứng được cho là không tốt cho tim mạch. 1 quả trứng chứa hàm lượng cholesterol cao lên tới 185mg. Vàcholesterol trong thực phẩm được cho là làm gia tăng lượng cholesterol trong máu.

Nhưng trong suốt 20 năm qua, các nghiên cứu về dinh dưỡng và khoa học đã liên tục chỉ ra, nếu được hấp thụ ở mức bình thường, loại cholesterol này không ảnh hưởng gì đến lượng cholesterol trong máu.

Mặc dù mất thời gian khá lâu, giờ đây, các chuyên gia đã lấy lại được công bằng cho trứng và các thực phẩm khác cũng chứa cholesterol (như gan gà và tôm cua) bằng việc loại chúng ra khỏi danh mục cần chú ý.

Trứng là nguồn cung cấp protein, chất béo tốt, vitamin và chất khoáng rất tốt và có thể được bổ sung hàng ngày.

Bơ thực vật và bơ động vật

Câu chuyện về chất béo dạng phết, ví dụ như bơ thực vật và bơ động vật, có lẽ là một trong những câu chuyện dinh dưỡng gây hoang mang nhất.

Bơ thực vật, lấy chất béo từ rau củ, xuất hiện từ giữa thế kỉ 19. Từ đó, ở các nước đang phát triển, người dân sử dụng bơ thực vật dần thay thế bơ động vật.

Sự thay đổi này là do bơ thực vật có giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên nên hạn chế ăn chất béo bão hòa để phòng bệnh động mạch vành.

Dù việc thay đổi này đã cho thấy sự giảm thiểu bệnh tim mạch do chất béo bão hòa gây ra, các nhà nghiên cứu lại phát hiện mối liên kết giữa chất béo chuyển hóa (được tạo ra bằng cách thêm hydro vào bơ thực vật) và bệnh động mạch vành.

Từ đó, các trung tâm kiểm định toàn cầu đã tìm cách loại bỏ chất béo này ra khỏi bữa ăn. Và ngành công nghiệp thực phẩm nhanh chóng tiếp nhận và đã cho ra thị trường loại bơ thực vật không chứa chất béo chuyển hóa.

Tuy nhiên ngày nay người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ về độ an toàn của chất béo từ rau củ quả. Câu trả lời ngắn gọn là nó vẫn an toàn, miễn là trên nhãn không ghi thành phần là “dầu thực vật được hydro hóa một phần”.

Theo nhiều nghiên cứu, chất béo làm từ dầu thực vật là một cách thay thế chất béo bão hòa, đồng thời tăng hấp thụ chất béo đa không bão hòa, giúp giảm thiểu bệnh tim mạch.

Khoai tây

Khoai tây là một trong số ít rau củ quả bị coi là có hại cho sức khỏe. Do chứa chỉ số đường huyết cao nên khoai tây và những thực phẩm làm từ đường tinh luyện được khuyến cáo nên tránh.

Nhưng khoai tây lại là nguồn cung cấp dồi dào tinh bột, vitamin C, một vài vitamin B và các vi khoáng. Chế biến đúng cách sẽ giúp thay đổi tiếng xấu mà khoai tây phải chịu lâu nay.

Nấu và làm nguội khoai tây sẽ làm gia tăng chất kháng tinh bột. Chất này sẽ hoạt động như các chất xơ “chịu đựng” sự tiêu hóa, ảnh hưởng tích cực tới các vi khuẩn trong đường ruột.

Các loại hạt và bơ lạc

Các loại hạt cũng bị tiếng xấu do chứa nhiều chất béo và calories, khiến cho những người muốn giảm cân đều tránh sử dụng.

Nhưng đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy các loại hạt lại là chìa khóa cho một chế độ ăn khỏe mạnh và giúp duy trì mức trọng lượng cơ thể cân bằng.

Một nghiên cứu gần đây được đăng trên Tờ Dinh dưỡng của Anh cho biết ăn hạt sẽ giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, động mạch vành và đột tử.

Các loại hạt thường chứa protein, chất béo có lợi (ít chất béo bão hòa nhưng chứa nhiều chất béo đơn và đa không bão hòa), chất xơ và chất dinh dưỡng vi lượng.

Bơ làm từ các loại hạt như bơ lạc cũng có thể xuất hiện trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Bơ lạc chứa chất béo có lợi và chứa nhiều protein, chất xơ, vitamin B6 và magie.

Dù được chứng mình ăn hạt và bơ từ hạt mang lại dinh dưỡng rất tốt, nhưng bạn cũng cần chú ý đến hàm lượng calo nạp vào.

Thực phẩm từ sữa

Thực phẩm từ sữa bao gồm sữa, bơ, sữa chưa và pho mát, từng được coi là thành phần thiết yếu trong chế độ ăn của nhiều người, nhưng lượng tiêu thụ luôn thay đổi, một phần là do những thông tin về sức khỏe gây khó hiểu.

Thực phẩm từ sữa đem lại lượng protein và canxi rất lớn. Khi chọn các sản phẩm từ sữa nên chú ý đến hàm lượng chất béo và loại chất béo bởi vì một số loại chứa lượng chất béo cao và thường là loại bão hòa.

Mặc dù nên tránh ăn nhiều chất béo bão hòa (nhân tố gây nên bệnh động mạch vành), tiêu thụ thường xuyên các sản phẩm từ sữa thật ra không gây nguy hiểm nếu lượng calo và chất béo hấp thu vẫn nằm trong mức cho phép.

Vì rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tính 2 mặt của thực phẩm làm từ sữa. Vì vậy, rất khó để đưa ra lời khuyên chính xác về định mức hay loại thực phẩm nên sử dụng để tốt cho sức khỏe.

Biểu đồ dinh dưỡng mới nhất của Anh vẫn đưa các thực phẩm từ sữa vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhưng kèm theo đó là phải lựa chọn loại có hàm lượng chất béo thấp.

Nguồn: Theo Trí thức trẻ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.