6 sự thật thú vị về bánh Trung Thu

1. Tết Bánh Trung Thu là tên gọi khác của tết Trung Thu

Đoàn viên gia đình, cùng ăn bánh và ngắm trăng là một tập tục truyền thống trong ngày tết Trung Thu.

Ở Trung Quốc, ngày lễ này còn có tên gọi khác là tết Bánh Trung Thu và tết Đoàn Viên. Tết Trung Thu diễn ra vào ngày 15, tháng 8 âm lịch hàng năm. Trong ngày này, người ta sẽ ăn bánh Trung Thu để bày tỏ tình yêu dành cho gia đình và hy vọng cho một cuộc sống hạnh phúc. Khoảng thời gian này trong năm thường rơi vào tiết Thu phân và mặt trăng nhìn từ trái đất sẽ tròn và sáng nhất. Sự tròn trịa của mặt trăng tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa hợp của gia đình.

2. Bánh Trung Thu và câu chuyện Hậu Nghệ – Hằng Nga

Mặc dù có ý nghĩa chủ chốt là ăn mừng mùa thu hoạch và tôn vinh gia đình nhưng xoay quanh ngày tết Trung Thu có rất nhiều thần thoại thú vị. Trong số đó, câu chuyện được nhiều người biết đến nhất là Hậu Nghệ – Hằng Nga.

Hậu Nghệ và Hằng Nga vốn là thần tiên trên thiên giới nhưng vì phạm tội nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Vì muốn có lại khả năng bất tử của thần linh, Hằng Nga đã uống viên thuốc trường sinh của Tây Vương Mẫu và bị cuốn lên cung Trăng vào ngày 15, tháng 8 âm lịch.

Từ đó, hàng năm cứ đến đúng ngày này, Hậu Nghệ lại chuẩn bị đồ ăn yêu thích của Hằng Nga, bao gồm cả bánh Trung Thu và ngồi trước trăng để thể hiện lòng thương nhớ vợ. Đây được coi là lời giải thích cho phong tục đoàn viên gia đình, cùng ăn bánh Trung Thu, uống trà dưới ánh trăng của hậu thế.

3. Bánh Trung Thu và cuộc chiến với Mông Cổ

Một truyền thuyết nổi tiếng khác về bánh Trung Thu là loại bánh này đã được dùng như phương tiện để đánh bại nhà Nguyên do người Mông Cổ dựng nên ở Trung Quốc trong thế kỷ 14. Vì người Mông Cổ không có phong tục ăn bánh Trung Thu, vào đúng ngày 15, tháng 8 âm lịch hàng ngàn chiếc bánh Trung Thu có chứa tờ giấy kêu gọi người dân Trung Nguyên đứng lên lật đổ triều Nguyên đã được bán ra.

Lời kêu gọi đã gợi nên tinh thần cách mạng của nhân dân lao động và một cuộc khởi nghĩa lớn đã nổ ra. Từ đó, cứ ngày 15, tháng 8 âm lịch hàng năm người ta sẽ ăn bánh Trung Thu để kỷ niệm chiến thắng này. Đây cũng được coi là lý do khiến cho đến tận ngày nay, người Mông Cổ vẫn không có tục lệ ăn bánh Trung Thu.

4. Ý nghĩa của hình vẽ trên bánh Trung Thu

Trên mặt bánh Trung Thu truyền thống sẽ được in dập nổi các Hán tự cổ với ý nghĩa là đoàn kết, hài hòa. Bên cạnh đó còn có con dấu riêng của từng hiệu bánh. Những họa tiết gắn với tự nhiên như hoa, lá, mặt trăng hoặc thỏ ngọc (nhân vật gắn liền với Hằng Nga trên cung trăng) có thể được trang trí xung quanh để tăng thêm tính thẩm mỹ.

Nhân bánh Trung Thu rất đa dạng và sự khác biệt chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện địa lý và sản vật của từng địa phương. Tuy nhiên, hầu hết bánh Trung Thu truyền thống đều có nhân bao gồm mứt, lạp xưởng, đậu xanh, hạt sen, hạt dưa, đường, mỡ lợn và trứng muối tượng trưng cho mặt trăng.

5. Bánh Trung Thu đầu tiên được làm với khuôn gỗ

Khuôn gỗ làm bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu truyền thống được làm trong khuôn gỗ có khắc nổi biểu tượng của hiệu làm bánh. Những chiếc khuôn này thường được ngâm trong dầu thực phẩm nhiều ngày để giúp vỏ bánh có được đồ mềm mịn và bóng. Ngày nay, chất liệu làm khuôn bánh đã trở nên rất đa dạng với sự xuất hiện của kim loại, nhựa và sứ. Người Trung Quốc xưa thường thích bánh Trung Thu bán với giá cao và có xuất xứ từ những tiệm bánh lớn, uy tín. Bánh Trung Thu cao cấp dùng để làm quà biếu để thể hiện tấm lòng nhiều hơn là để ăn thật sự.

6. Sự cách tân của thói quen ăn bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu rau câu

Ngày nay, cách làm bánh Trung Thu đã có nhiều cách tân để phù hợp với sự biến đổi trong văn hóa và thói quen ăn uống của con người. Trên thực tế, một chiếc bánh nướng bình thường với nhân trứng muối nặng 180 g có thể chứa tới 790 calo và 45 g chất béo có hại. Do đó, công nghiệp sản xuất bánh Trung Thu hiện đại ngày càng chú trọng đến các sản phẩm ít béo, ít đường và có lợi cho sức khỏe hơn. Sự lựa chọn bánh Trung Thu ngày nay cũng không chỉ đóng khung trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng nữa mà đã phát triển ra bánh Trung Thu trà xanh, bánh Trung Thu nhân trái cây và thậm chí là bánh Trung Thu rau câu. Kích thước của các loại bánh mới này cũng nhỏ hơn để phù hợp với nhu cầu ăn thưởng thức hơn ăn no nên của người hiện đại. 

Nguồn: Theo Rdasia.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.