Thiếu tôn trọng ngấm ngầm là một trong những nguyên nhân “giết chết” tình cảm nhanh nhất. Và sự nguy hiểm này nằm ở việc người trong cuộc không hề biết những hành động của mình lại gây tổn thương cho bạn đời, còn người kia lại âm thầm khó nói ra điều mình nghĩ. Càng ngày sự oán giận từ những điều rất nhỏ tích tụ càng sâu và gây ra sự đổ vỡ không thể ngờ.
Bạn nên cẩn thận, thay đổi các hành động sau. Chỉ cần đôi chút chú tâm, bạn có thể ngăn chặn được rất nhiều hậu quả buồn bực sau này.
1. Tự quyết tất cả mọi việc: Ai cũng muốn được làm chủ trong gia đình, quyết định tất cả mọi việc theo ý mình nhưng đồng thời ai cũng muốn được lắng nghe. Việc tự quyết độc đoán có thể biến bạn thành một người gia trưởng, lạnh lùng không hề quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của bạn đời, tạo cảm giác thiếu tôn trọng sâu sắc.
2. Dùng giọng nói không thích hợp: Giọng nói có thể “phản bội” bạn, bày tỏ ra sự khinh thường ngấm ngầm, sự trêu chọc không thích hợp, sự trịch thượng “đáng ghét” dù chủ đề bạn đang nói là gì. Nếu có điều không hài lòng, bạn nên nói thẳng thay vì dùng giọng mỉa mai châm chọc, khinh thường người kia. Cách nói này gây ra nhiều tổn thương cho họ hơn là bạn nghĩ.
3. Lười biếng: Khi một người phải làm mọi việc mà người kia lại nghỉ ngơi sung sướng một cách vô tư, người vất vả sẽ cho rằng mình không hề được trân trọng, vì bạn đời không nỗ lực đóng góp cho gia đình. Việc tùy ý “sai phái” bạn đời những việc lặt vặt cũng gây tác hại tương tự. Khi bất công xảy ra trong gia đình, đó là sự thiếu tôn trọng sâu sắc.
5. Không khen ngợi: Mọi người đều có điều mình quan tâm, trân trọng. Và khi nhận được thành quả từ những nỗ lực của mình, ai cũng muốn nhận được lời ngợi khen. Khi bạn không hề để tâm đến những gì bạn đời yêu thích và không bao giờ khen ngợi họ, họ sẽ cảm thấy bạn không hề tôn trọng mình, không trân trọng những nỗ lực mà họ đã bỏ ra.
6. Ngắt lời: “Nhảy vào miệng người khác” là cách giao tiếp phản cảm nhất. Bị ngắt lời tạo ra cảm giác thiếu tôn trọng, trịch thượng và khinh thường. Dù bạn thực sự giỏi về mặt nào đó, bạn vẫn nên để người kia nói hết, đặc biệt khi họ kích động hay giận dữ. Bạn cũng nên tôn trọng việc riêng tư của bạn đời, không nên tự ý ngăn cản, xâm phạm việc họ đang làm.
7. Phân tích quá mức: Trong cuộc sống vợ chồng, sẽ có lúc hai người bất đồng ý kiến về một việc nào đó. Bạn cảm thấy mình đúng hơn, giỏi hơn nhưng không có nghĩa bạn nhất nhất phải soi xét và phân tích mọi điều mà bạn đời làm. Việc soi xét, chỉ trích quá mức này khiến bạn đời cảm thấy mình “ngớ ngẩn” dưới mắt bạn và càng tệ hơn nếu bạn chỉ trích họ trước mặt nhiều người. Nếu bạn có tính hay chỉ trích người khác, hãy học cách chuyển đổi thành góp ý xây dựng, đừng tạo cảm giác rằng bạn thông minh, đúng đắn, vượt trội hơn họ.
Nguồn: Theo Khampha
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.