7 sai lầm dễ mắc phải hậu ly hôn

Cho dù bạn đang có một hôn nhân hạnh phúc hay chỉ đang mơ về điều đó, chắc chắn có một chủ đề bạn không bao giờ muốn bàn đến: ly hôn. Tuy nhiên, bạn cũng không thể phủ nhận rằng nguy cơ ly hôn chẳng “né tránh” bất cứ cặp vợ chồng nào. Thậm chí một thống kê gần đây còn cho biết tỷ lệ ly hôn đã lên tới 50%. Con số đáng ngại này khiến chúng ta không khỏi hoang mang: Phải chăng hôn nhân còn hay mất lại dựa vào may rủi như việc tung đồng xu?

Tạp chí Time đã dẫn lại kết quả một nghiên cứu của trường đại học Pennsylvania cho thấy độ tuổi kết hôn sẽ ảnh hưởng đến mức bền vững của cuộc hôn nhân. Theo đó, những người kết hôn trong những năm 80 và ở độ tuổi từ 26 trở lên thì thường có hôn nhân kéo dài hơn 20 năm. Trong khi chỉ 65% cặp đôi kết hôn dưới tuổi 26 là còn chưa đưa nhau ra tòa.

Vậy nếu bạn nằm trong phần trăm không may mắn có hôn nhân đổ vỡ, bạn cần nắm rõ những điều mình nên thực hiện ngay và những điều nên tránh trong thời điểm nhạy cảm này.

Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia về hôn nhân – gia đình Shannon Fox và luật sư ly hôn Celeste Liversidge về 7 điều mà họ cho là tồi tệ nhất một người có thể làm hậu ly hôn.

1. Ép con phải chọn giữa cha và mẹ

Các bậc cha mẹ thường cho rằng khiến con cái bị tổn thương là điều cuối cùng họ muốn làm trên đời. Thật không may, khi ly hôn đã là không tránh khỏi, một cặp vợ chồng thường gây ra cho con mình nhiều đau đớn hơn mức họ có thể tưởng tượng.
Chắc chắn là bạn đang phải trải qua một giai đoạn mệt mỏi. Bạn tức giận, bạn muốn trừng phạt chồng/ vợ mình – điều đó là dễ hiểu, nhưng bạn tuyệt đối không nên sử dụng con cái như những con tốt. Hành động đó có thể gây ra những hậu quả không cách nào khắc phục được. Đứa trẻ lẽ ra phải được hưởng trọn vẹn tình yêu và sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ thì giờ đây sẽ phải mất một trong hai. Con bạn đã thiệt thòi lắm rồi, vì vậy đừng tạo sức ép lên con và bắt con lựa chọn để thể hiện tình yêu với mình. Điều duy nhất mà bạn nên (và cần phải) làm lúc này là an ủi con và nhắc bé nhớ là dù cha mẹ ly hôn, tình yêu dành cho bé sẽ không thay đổi.

2. Hiểu lầm vai trò của luật sư

Luật sư của bạn có thể là một chuyên gia trong pháp luật và cũng là một người giàu cảm thông, biết lắng nghe… nhưng không phải là một bác sĩ tâm lý trị liệu. Bạn có thể cung cấp cho luật sư những chi tiết cần thiết để giải quyết vụ ly hôn theo hướng có lợi cho bạn nhất, nhưng mải mê chia sẻ cảm xúc cá nhân với người này sẽ không giúp bạn đi tới đâu cả. Thay vào đó, hãy tìm một người với đúng chuyên môn đó để “trút” bầu tâm sự. Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc hơn.

3. Đổi mười để lấy một

Lúc còn mặn nồng thì của lớn cũng là của chung nhưng khi đã ra tòa thì cái bát, cái đũa có khi cũng phải tranh chấp. Vậy phải làm sao để giành được nhiều tài sản về mình nhất? Đương nhiên là nhờ vào tài của luật sư. Nhưng làm sao để các luật sư chịu dùng tài của họ để mang tài sản về tay bạn? Bạn thấy rồi đấy, đôi khi sự cố chấp muốn chiến thắng người chồng đã hết tình nghĩa sẽ khiến bạn hành động mù quáng như đứa trẻ con. Và người hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tranh giành này chắc chắn không phải bạn đâu.

4. Để việc ly hôn chi phối đầu óc

Luật sư Celeste Liversidge chia sẻ rằng có nhiều khách hàng hầu như gọi điện cho ông mỗi ngày để hỏi về việc giải quyết vụ ly hôn của mình. Trên thực tế, việc xử lý một hồ sơ ly hôn thường rất “rề rà”, trong khi những đương sự đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” thì lại khó mà kiên nhẫn được.

Sự nôn nóng của bạn là có căn cứ và xứng đáng được thông cảm, tuy nhiên, bạn có thể tự cho mình một đặc ân là học cách bình tĩnh. Nếu bạn lo rằng luật sư sẽ lơ là hồ sơ của mình, hãy đề nghị với người đó một thời gian biểu và những cột mốc rõ ràng ngay từ đầu. Đừng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho việc thăm viếng tòa án hay “khủng bố” điện thoại luật sư vì hành động đó không giúp thay đổi điều gì cả. Thay vào đó, bạn nên gác sang một bên những phiền muộn về vụ ly hôn này và nhanh chóng bắt đầu những trang đầu tiên của cuộc sống mới.

5. Hòa giải thiếu thiện chí

Tất nhiên, khi đã đệ đơn ly hôn có nghĩa là bạn chẳng muốn nói thêm điều gì với chồng mình nữa. Thậm chí bạn còn cảm thấy hài hước khi tòa muốn bạn ngồi xuống và trò chuyện để hòa giải với người đã gây ra cho mình bao nhiêu nỗi thống khổ. Nhưng dù bạn có thấy việc hòa giải dư thừa đến thế nào, thẳng thừng loại bỏ bước này có thể sẽ khiến bạn hối hận về sau. Hòa giải có thể không giúp bạn và chồng bãi đơn mà trở về với nhau, nhưng chí ít, một số rắc rối sẽ được giải quyết nhờ bước này. Hầu hết những cặp đồng ý tiến hành hòa giải đều trả lời rằng họ thấy thủ tục trông có vẻ “rườm rà” này hóa ra lại có ích và giúp tiết kiệm được nhiều thời gian để giải quyết tổng thể vụ ly hôn hơn họ tưởng.

6. Khiến con nghĩ xấu về cha

Nếu bạn ly hôn vì lý do chồng ngoại tình, khả năng cao là bạn sẽ muốn kể từng chi tiết câu chuyện này cho con nghe để khiến bé khinh thường và ghét bỏ cha mình. Đây là một hành động sai lầm và khó cảm thông dù có thuận logic. Bạn cần hiểu rằng khi bạn cố tình hủy hoại người cha trong lòng bé, bạn cũng đang hủy hoại bé. Con bạn chỉ có một người cha đó mà thôi. Bạn có thể ly hôn người chồng bạn không còn yêu thương nhưng bé không thể từ bỏ máu mủ với cha mình. Hãy tin điều này: Nếu chồng bạn thực sự là một gã tồi, không cần bạn phải cố gắng bêu riếu, con bạn sẽ tự mình khám phá ra điều đó.

7. Vội vàng “nhảy” vào một mối quan hệ mới

Trải nghiệm ly hôn có thể là giai đoạn căng thẳng và cô đơn nhất trong suốt cuộc đời bạn. Lúc này, tâm hồn bị tổn thương của bạn sẽ vô thức muốn tìm kiếm sự an ủi và nâng đỡ. Đó là lý do bạn sẽ dễ dàng bị cuốn vào những mối quan hệ chóng vánh chỉ để khỏa lấp nỗi buồn. Lời khuyên cho bạn là hãy kiềm chế.
Hãy kiềm chế vì hiện giờ bạn vẫn chưa sẵn sàng để yêu thương một người trọn vẹn và không làm tổn thương người đó. Hãy kiềm chế vì con cái bạn vẫn chưa vượt qua được cú sốc gia đình ly tán và khó lòng chấp nhận được một người tình mới của mẹ. Hãy kiềm chế vì nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ học được những bài học cần thiết hậu ly hôn. Và bạn sẽ lặp lại đúng những sai lầm cũ trong cuộc hôn nhân mới.

Lúc này, điều bạn cần làm là tìm cho mình một khoảng lặng và suy nghĩ lại về chuyện buồn vừa xảy ra. Bạn cần thời gian để tự chữa lành vết thương và xây dựng một con người mới cho cuộc sống mới của mình.

Nguồn: Theo Womansday.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.