Dù sinh con lần đầu hay đã làm mẹ của 2, 3 đứa trẻ thì mỗi cử động của bé trong bụng mẹ vẫn mang đến cho mẹ hết cảm xúc này đến cảm xúc khác. Từ bất ngờ khi lần đầu thấy con “máy” đến lâng lâng vui sướng và hạnh phúc âm ỉ ở trong lòng khi con “đá banh” trong bụng mẹ. Có thể nói, cảm nhận được con đạp trong bụng mẹ là điều mẹ mong đợi nhất trong thai kỳ và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất sau khi bé chào đời. Nó như một tín hiệu giao tiếp đầu tiên giữa mẹ và bé. Mỗi lần bé đạp, là một lần mẹ nhắc nhở mình rằng phải chuẩn bị thật tốt cho hành trình làm mẹ đầy gian nan sắp tới.
1. Bé bắt đầu đạp trong bụng mẹ khi nào?
Những người làm mẹ lần đầu sẽ cảm nhận được bé đạp muộn nhất vào tuần thứ 24 của thai kỳ. Thực ra bé đã có những cử động từ trước đó nhưng những cử động này rất nhẹ, mẹ chưa cảm nhận được ngay. Trong những tháng đầu thai kỳ, bé sẽ chỉ “máy nhẹ”, cảm giác như con tôm nhỏ bật tanh tách vậy. Đối với các bà mẹ đã có kinh nghiệm, mẹ sẽ phát hiện bé máy lần đầu tiên khi ở tuần 12 của thai kỳ.
2. Tại sao bé đạp?
Thai nhi có xu hướng di chuyển, vận động như một cách phản ứng lại với những gì đang xảy ra trong bụng mẹ. Cảm thấy quá ồn ào, mẹ ăn no quá hoặc ăn một số thức ăn cay nóng là một số lý do khiến bé đạp.
Thai nhi cũng cần duỗi chân, duỗi tay để thư giãn thoải mái hơn trong túi ối của mẹ. Những lúc bé đạp, mẹ có thể thay đổi tư thế, đi lại nhẹ nhàng,… sẽ khiến bé dễ chịu hơn và không đạp nữa. Một số bà mẹ tham gia các lớp yoga cho bà bầu và nhận ra rằng các em bé trở nên “hiền lành” hơn, không đạp bùm bụp nữa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các bài tập thư giãn cơ thể như yoga giúp giảm tình trạng em bé đạp trong bụng quá nhiều. Mẹ có thể tham khảo một số động tác yoga, để cả hai mẹ con cảm thấy thoải mái hơn.
3. Bé cử động như thế nào là bình thường?
Thông thường bé đạp 15-20 lần/ ngày. Mỗi em bé có thói quen sinh hoạt khác nhau, có bé sẽ ngủ cả ngày, chỉ đêm mới hoạt động, có những bé lại thích khua chân múa tay cả ngày không ngơi nghỉ.
Thời gian ngủ của em bé trong bụng mẹ tối đa là 17 giờ/ ngày. Bé sẽ ngủ khoảng 10-50 phút rồi lại thức giấc. Mẹ sẽ không nhận thấy những cơn đạp của bé nếu mẹ đang bận rộn và đang di chuyển. Hầu hết các mẹ đều cảm nhận cơn đạp rõ nhất sau bữa ăn và vào buổi chiều.
4. Khi nào nên đếm số lần cử động của bé
Mẹ có thể đếm số lần đạp của bé để biết bé có đang bình thường hay không. Khi bé lớn dần lên, thói quen đạp trong bụng mẹ cũng thay đổi. Một số mẹ cảm thấy lo lắng khi không thấy con đạp liên tục. Mẹ có thể dựa vào một số thông tin sau để theo dõi số lần đạp của bé:
– Trong hai giờ có ít hơn 10 lần đạp hoặc chuyển động.
– Giảm số lần đạp hoặc không có phản ứng gì trước tác động ngoại cảnh như tiếng ồn, vỗ vào bụng hoặc tiếng mẹ gọi.
– Giảm số lần đạp liên tục trong 2 ngày liên tiếp.
5. Cách đếm số lần cử động của bé
Nếu mẹ thấy số lần đạp của bé giảm đi, hãy ghi lại những chuyển động của bé trong các giờ sau đó. Mẹ ngồi xuống, ăn nhẹ hoặc uống đồ uống lạnh và giơ hai chân lên cao. Lượng đường trong đồ ăn và đồ uống lạnh sẽ làm bé thức giấc, sau đó mẹ sẽ cảm nhận ít nhất 10 chuyển động của bé trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Nếu không, mẹ phải đến bệnh viện khám ngay lập tức.
6. Bé giảm số lần cử động do đâu?
Một trong những lý do khiến bé giảm hoạt động trong bụng mẹ là do suy thai, thiếu dinh dưỡng và oxy. Trường hợp này bác sỹ sẽ thăm khám và tiến hành siêu âm kiểm tra lưu lượng máu đến nhau thai và sức khỏe tổng thể của thai nhi.
7. Có nên đếm số lần cử động của bé hàng ngày?
Chỉ những trường hợp đặc biệt, gặp vấn đề trong thai kỳ mới phải đếm số lần cử động của bé hàng ngày. Việc này sẽ được chỉ định bởi bác sỹ chuyên khoa và mẹ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu cũng như hướng dẫn của bác sỹ.
8. Sau 36 tuần, bé sẽ đạp ít hơn?
Đúng vậy, sau 36 tuần, em bé đã lớn hơn rất nhiều, không gian trong tử cung của mẹ trở nên chật chội đối với bé. Vì thế bé có xu hướng hoạt động ít đi.
9. Bé đạp nhiều có liên quan đến tính cách sau này?
Nhiều người tin rằng những em bé hay đạp trong bụng mẹ sau này chào đời sẽ là một đứa trẻ hiếu động nghịch ngợm. Những em bé ngủ cả ngày và chỉ hoạt động vào ban đêm cũng sẽ giữ nguyên thói quen “ngủ ngày, cày đêm” trong những tháng đầu đời. Cũng có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra mối liên hệ giữa thói quen vận động trong bụng mẹ với tính cách, hành vi của trẻ trong những năm thơ ấu.
Xem thêm
Cách tính tuổi thai
Cách tính ngày dự sinh
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh
Việt Hà – Dịch từ BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.