Ngày 25/2, Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa đẩy mang theo bảy vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, trong đó có một vệ tinh của Canada với nhiệm vụ phát hiện các tiểu hành tinh có khả năng va chạm với Trái Đất.
>>> Ấn Độ phóng tàu không người lái lên sao Hỏa năm 2013
Vụ phóng được thực hiện bằng tên lửa đẩy PSLV do Ấn Độ sản xuất từ Trung tâm phóng vệ tinh Sriharikota ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã chứng kiến vụ phóng từ Trung tâm điều khiển.
Trong số bảy vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, đáng chú ý có một vệ tinh của Cơ quan Không gian Canada. Vệ tinh này có tên gọi “Lính canh bầu trời” có nhiệm vụ tìm kiếm các tiểu hành tinh có thể tới gần Trái Đất.
Ấn Độ phóng vệ tinh hồi tháng 9/2012
Ngoài ra, “Lính canh bầu trời” còn theo dõi các sao chổi và mảnh vỡ trong không gian có thể gây ra các vụ va chạm. Vệ tinh này bay quanh Trái Đất một vòng hết 100 phút.
Đây là thông tin gây chú ý bởi mới đây một thiên thạch có khối lượng khoảng 10.000 tấn đã nổ tung trên bầu trời Nga, phá hủy nhiều cơ sở vật chất và khiến hơn 1.000 người bị thương.
Ngoài vệ tinh của Canada, tên lửa đẩy của Ấn Độ còn mang theo ba vệ tinh liên doanh với Pháp (SARAL), trong đó có hai vệ tinh (ARGOS và ALTIKA ) của Cơ quan Không gian Pháp (CNES) có nhiệm vụ phân tích các dòng đại dương và chiều cao mực nước biển.
Phía Pháp hy vọng hai vệ này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn sự tác động của hiện tượng ấm lên của Trái Đất đối. Ba vệ tinh khác được đưa lên quỹ đạo gồm một vệ tinh của Đan Mạch, một vệ tinh của Anh và một vệ tinh khác của Canada.
Đây là sứ mệnh lần thứ 23 của tên lửa đẩy PSLV do Ấn Độ sản xuất. Ấn Độ hiện là một trong những nước lớn trên thị trường phóng vệ tinh thương mại.
Kể từ năm 1999, Cơ quan Không gian Ấn Độ đã phóng tổng cộng 35 vệ tinh nước ngoài lên quỹ đạo, trong đó tên lửa đẩy PSLV mang lên quỹ đạo 10 vệ tinh nước ngoài. Quốc gia Nam Á này còn có kế hoạch thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên vào không gian trong năm 2016.
Theo Vietnam+