Bà bầu mắc sốt xuất huyết: Nguy hiểm cả mẹ và con

Bà bầu mắc sốt xuất huyết: Nguy hiểm cả mẹ và con
Mặc dù thời tiết đã chuyển lạnh nhưng số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn còn. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), do tác động kéo dài của hiện tượng El Nino nên nhiều nước như Việt Nam, Malaysia, Campuchia, Lào, Phillipines tiếp tục duy trì khí hậu nóng ẩm đến tháng 12/2015. Đây là nguyên nhân có thể làm sốt xuất huyết kéo dài hơn những năm trước đây.
Khi El Nino tác động mạnh còn có thể dẫn đến các căn bệnh khác như sốt xuất huyết, tiêu chảy, tả, sốt rét…Sự tác động này cũng là điều kiện thời tiết thuận lợi khiến muỗi tăng nhanh, tuổi của muỗi kéo dài. Vì vậy, việc phòng chống sốt xuất huyết cần phải thực hiện thường xuyên trong đó đáng lưu ý nhất là diệt loăng quăng, bọ gậy cũng như dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và các dụng cụ chứa nước để muỗi không còn nơi phát triển.
Bà bầu mắc sốt xuất huyết: Nguy hiểm cả mẹ và con
Bác sĩ Đỗ Duy Cường (Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trong vòng 3 tuần đầu tháng 11 có 30 bệnh nhân mang thai hoặc đang liên quan đến thai sản mắc sốt xuất huyết nhập viện và điều trị.
Trong các đối tượng có thể mắc sốt xuất huyết, bà bầu cần phải nâng cao cảnh giác cao độ. Bởi trong quá trình thai nghén, khi sức khỏe của mẹ có vấn đề đều ảnh hưởng đến con, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng. Với trường hợp bà bầu trong những tháng đầu của thai kỳ bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến sảy thai hay thai chết lưu. Còn bà bầu ở những tháng cuối của thai kỳ nếu bị sốt xuất huyết có thể gây đẻ non hoặc những biến chứng khi sinh, mất máu, băng huyết…
Bà bầu cần cảnh giác
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Minh Hà (Chuyên khoa Sản bệnh) cho biết: “Bà bầu cần cảnh giác với sốt xuất huyết khi có những triệu chứng như sốt cao đột ngột trên 39 độ C, đau đầu, cơ thể mệt lả, có thể viêm họng, đau trong mắt, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy… Ngoài ra, trong cơ thể còn bị đau xương khớp, mỏi cơ, xuất tiết. Khi có triệu chứng nghi ngờ phải đi khám ngay, đặc biệt bệnh diễn tiến với các hiện tượng tăng nặng như chảy máu chân răng, xuất huyết nhiều trên da, sốt cao liên tục kèm co giật, mê sảng”.
Việc dùng thuốc với bà bầu trong thai kỳ là điều cần phải lưu tâm hàng đầu. Cho nên với bà bầu, khi bị sốt xuất huyết phải kịp thời đưa ngay đến cơ sở y tế. Không tự ý điều trị tại nhà sẽ khiến cho bệnh nặng, sốt cao gây ảnh hưởng thai nhi, mất nước, biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, không tự ý truyền dịch hay mua thuốc.
Theo bác sĩ Minh Hà, khi bị mắc sốt xuất huyết điều đáng ngại là virus gây bệnh sẽ ảnh hưởng đến cơ quan tạo máu. Sự tác động này sẽ gây rối loạn quá trình đông máu, giảm tiểu cầu. Khi lượng tiểu cầu giảm, mất khả năng đông máu thì máu sẽ chảy kéo dài, ồ ạt nguy hiểm tính mạng.
Mặt khác, tiểu cầu thiếu hụt là nguy cơ dẫn đến tiền sản giật. Yếu tố này làm cho bà bầu bị tổn thương ở các cơ quan trong ổ bụng, co giật khi sinh. Còn với thai nhi do thiếu chất nên chậm lớn, suy thai thậm chí có thể chết trong bụng mẹ.
Trong trường hợp nặng, thai phụ lâm vào tình trạng vô cùng mệt mỏi do các hệ cơ quan bị ảnh hưởng như tăng men gan, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi, giảm thể tích máu khiến bong non, thai chết lưu.
Khi bị sốt xuất huyết, bà bầu cần ăn chế độ riêng với cháo loãng hoặc các thức ăn bổ dưỡng, bổ sung thêm các loại nước trái cây tươi, hoa quả đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cần bổ sung thêm dung dịch bù mất nước theo chỉ định nếu sốt quá cao.
Sốt xuất huyết ở thai phụ thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu. Hơn nữa tình trạng giảm tiểu cầu, men gan tăng và xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết đôi khi đánh lừa bác sĩ sản khoa là thai phụ có hội chứng HELLP (một biến chứng của tiền sản giật). Triệu chứng của hai bệnh này khá giống nhau, chỉ khác biệt là sốt xuất huyết có sốt, còn HELLP có tăng huyết áp.
Vũ Minh