Tôi đã mang một trái tim trong sáng, tràn đầy nhiệt huyết khi đến cơ quan này! Khi ấy vừa tốt nghiệp ra trường, tôi không hề có mong muốn nào hơn, được làm việc trong môi trường chuyên môn, sẵn sàng chịu những thử thách, khó khăn để cạnh tranh lành mạnh. Tôi “sẵn sàng chiến đấu” để học hỏi – nếu cần! Có điều, tôi hẫng hụt hoàn toàn!
Đầu tiên là, tôi không hiểu tại sao ở đây người ta sợ sệt, lo lắng theo từng tiếng “húng hắng” của giám đốc ở đây đến vậy. Giám đốc cao tuổi có khuôn mặt hấp ha hấp háy mỗi lần nói chuyện, lộ rõ vẻ tinh ranh. Mọi người đã rỉ tai tôi rằng sếp ghê gớm lắm, “tinh ý” lắm, “cái gì cũng biết”. Tôi nghe, rồi nghĩ, “thì có sao”. Tôi cho là cứ làm việc bằng tất cả lương tâm thì dù sếp khó tính hay dễ tính cũng đều không đáng sợ. Tôi đã không hề biết được rằng chính cái suy nghĩ quá trung thực ấy đã gây ra muôn vàn rắc rối.
Lần kiểm tra sát hạch chuyên môn đầu tiên, tôi gặp rắc rối lớn với một vài chuyện nhỏ. Tôi đủ nhận thức để phân biệt lỗi nhỏ và lỗi lớn, chuyện đáng phải “làm to” và chuyện chỉ cần chân thành nhắc nhở. Nhưng với sếp thì không! Ông ấy cần phải làm lớn lên những điều không đáng nói. Tôi đã cố gắng tranh luận và thuyết phục ông ấy, rằng chuyện đó không cần phải làm to, căn cứ vào kiến thức này hay quy định khác. Tất nhiên là cuối cùng không thay đổi được gì.
Ba năm sau ngày đầu tiên đi làm, tôi chưa từng được một tờ giấy khen hay một lần lên lương. Mọi chuyện tôi cố gắng đến đâu đều trở thành vớ vẩn. Công việc trôi chảy đến mức nào đều trở thành không có gì đáng nói. Và mọi sơ suất đều bị thổi phồng như núi thái sơn.
Tôi đã nghĩ là mình sẽ đi khỏi nơi này. Tôi cảm thấy sếp không cần cách làm việc nghiêm túc của tôi, cảm thấy cơ quan này không muốn ai tiến bộ. Cảm thấy cả bầu trời lẫn mặt đất đều sụp đổ, đảo lộn và tuyệt đối không còn chút hứng thú nào với công việc của mình! Tôi không biết tại sao vô vàn những người đang thực hiện công việc một cách nhảm nhí và vớ vẩn, lại được ưu ái, đề cao đến vậy.
Cho đến khi tôi hiểu ra vấn đề chỉ là ở cái phong bì! Ra là thế! Tôi đến cơ quan này theo diện thi tuyển, cứ vô tư thi đỗ, đi làm. Tôi không có mối quan hệ quyền lực nào, cũng chưa bao giờ biết biếu sếp một mảnh phong bì nào mỗi dịp lễ lạt, tiệc tùng. Hóa ra đó là lí do lớn nhất để cho dù tôi cố gắng đến đâu cũng chưa từng được người ta ghi nhận. Tôi xâu chuỗi lại các sự kiện đi qua và nhận ra bản chất thực, rằng ở đây người ta cần tiền…
Tôi đã muốn nhảy việc ngay sau đó. Nhưng rồi, tôi tự hỏi tại sao? Lý gì mình phải ra đi trong khi lý do đơn giản đã được mình nhận diện? Đi rồi nơi khác có cho mình cơ hội làm chuyên môn như mình mong muốn hay không? Sếp tôi khi ấy cũng chỉ còn hai năm nữa về hưu, tôi việc gì phải bỏ cuộc khi ông ấy không thể làm gì sau hai năm tới?
Vậy là tôi quyết định làm khác đi. Tôi không nghĩ giản đơn và thật thà quá nữa. Tôi thăm hỏi, phong bì đầy đủ, lại “chăm sóc” sếp thường xuyên, khi thì lọ thuốc, hôm thì bộ vest… Tại sao chứ, tôi giỏi, tôi thạo việc, tôi đã học hành chăm chỉ để làm chuyên môn, bây giờ thêm chút giả lả nói cười ngọt nhạt, tôi làm được!
Y như rằng, sếp quý tôi như vàng. Chuyện gì tôi cũng được đánh giá như một đầu tầu gương mẫu, một tấm gương điển hình. Sếp khen tôi lắm, đi đâu có đối tác cũng đưa tôi đi cùng để giới thiệu về nhân viên xuất sắc, trẻ tuổi tài cao. Hai năm sau, bằng lực đẩy của số phong bì, tôi thay ghế giám đốc của ông sếp ấy.
Bây giờ tôi làm giám đốc cũng dăm năm rồi. Nhưng tôi không bao giờ nhận phong bì của ai. Anh chị em nhân viên cũng chỉ cho tôi được chục bánh gai ở quê ra, chứ chưa ai biếu tôi được cái phong bì nào. Tôi đã lên được chức vụ này, tuy bằng cách làm nhỏ nhen, nhưng là bởi hoàn cảnh khi ấy đã buộc tôi làm thế. Giờ, tôi sống bằng chuyên môn thực sự, tạo điều kiện cho anh chị em nhân viên có thêm hợp đồng, là tất cả chúng tôi đều có thêm thu nhập. Tôi chưa bao giờ hình dung nổi cảm giác nhục nhã của mình ra sao nếu nhận mảnh phong bì anh em cấp dưới đưa cho mình…
Thế là cái tết nữa lại về. Tôi ngồi kể chuyện cái phong bì ngày Tết. Nhớ lần đầu tiên đến nhà giám đốc bằng cái phong bì bố mẹ ở quê bán cả đàn lợn, tôi vẫn còn muốn rơi nước mắt.
Mai Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.