Bảo vệ đôi chân khi đi dép xỏ ngón

Bên cạnh rất nhiều ưu điểm kể trên, dép xỏ ngón cũng có những khuyết điểm nhất định. Việc đi dép xỏ ngón dễ gây tổn thương cho bàn chân, kẽ ngón chân, vị trí tiếp xúc với dây xỏ, làm xấu dáng đi… vì dép xỏ ngón không thể bảo vệ đôi chân bạn tốt như các loại giày. Để hạn chế những điều này, chúng tôi sẽ đem đến một số lưu ý quan trọng khi mua và sử dụng dép xỏ ngón.

1. Mua đúng cỡ chân

Không như giày cao gót, giày thể thao, khi mua dép xỏ ngón, nhiều người thường chọn những đôi dép không đúng kích thước chân mình. Điều này là do muốn hạ giá thành, các nhà sản xuất làm rất ít size dép. Bên cạnh đó, người mua thường “tặc lưỡi” cho qua khi chọn một đôi dép không đúng size vì nghĩ rằng “Dép xỏ ngón size nào chả đi được”. Tuy nhiên cũng như mọi loại giày dép, size của dép xỏ ngón cũng rất quan trọng với sức khỏe đôi chân. Một đôi dép xỏ ngón quá nhỏ sẽ khiến quai dép siết vào chân gây lằn da, khó chịu, về lâu dài sẽ hình thành bóng nước, trầy xước da. Với đôi dép quá to, chân chúng ta sẽ khó có thể giữ dép ổn định trong mỗi bước đi, khiến dép dễ bị rơi, lệch, điều này có thể gây nên tổn thương khớp cổ chân, mắt cá và ngón chân. 

2. Ưu tiên những loại dép xỏ ngón có quai hậu (sandal xỏ ngón)

Nếu bạn dự định mua một đôi dép cho chuyến dã ngoại hay du lịch, hãy lựa chọn dép xỏ ngón có quai hậu. Đi du lịch hay dã ngoại đều đòi hỏi bạn phải đi bộ một quãng đường khá dài. Vì vậy để nâng đỡ chân một cách tốt nhất, hãy chọn sandal. Sandal với phần quai hậu sẽ dàn trải lực tác động lên toàn đôi chân thay vì chỉ mỗi ngón chân như dép xỏ ngón bình thường. Bên cạnh đó sandal sẽ ôm chặt chân hơn, tránh tính trạng dép bị rơi ra trong khi đi.

3. Chú ý đến sự kích ứng da ở ngón chân

Dép xỏ ngón chủ yếu dồn lực tác động vào hai ngón chân. Vì thế sau khi đi dép xỏ ngón một thời gian dài, bạn hãy chú ý xem vùng da giữa hai ngón chân có bị sưng, tấy đỏ do quai dép hay không. Nếu có những triệu chứng này, hãy ngưng sử dụng dép xỏ ngón hoặc tìm một đôi dép có phần quai mềm mại bằng vải. Với vết tấy đỏ, hãy thoa một ít gel nha đam để giảm đau rát và làm vết thương mau lành.  

4. Kiểm tra độ dày của đế dép, độ chắc của quai dép

Vì dép xỏ ngón không thể bảo vệ toàn diện đôi chân, nên bạn cần phải kiểm tra kỹ phần đế dép và quai dép trước khi mua để tránh những sự cố không đáng có. Nên chọn loại dép có đế dày nhưng mềm và có tính đàn hồi. Đế dép quá mỏng có thể làm cho chân bạn bị đá, sỏi hay vật nhọn làm tổn thương khi dẫm phải. Đế dép quá cứng sẽ làm đau gan bàn chân khi đi. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra độ bền của quai dép để đảm bảo chúng không dễ bị đứt rời. 

5. Không đi những đôi dép xỏ ngón quá mòn

Bạn có một đôi dép xỏ ngón từ Hè năm ngoái, đế đã mòn nhưng vẫn đưa đứt, gãy và muốn tiếp tục sử dụng? Điều này là không nên. Đừng ngần ngại bỏ đi những đôi dép đã mòn vì chúng rất dễ trơn trượt khi độ ma sát của đế dép không còn. Thông thường, dép xỏ ngón chỉ nên sử dụng trong một năm sau đó cần thay mới. 

6. Tránh đi dép xỏ ngón lái xe hơi

Khi lái xe hơi, bạn sẽ cần phải dùng chân để đạp ga và thắng. Do đó hãy đi một đôi giày thể thao hoặc sandal chắc chắn. Tại Mỹ, rất nhiều tai nạn xe hơi đã xảy ra chỉ vì một nguyên nhân rất “vớ vẩn” là người lái bị trượt chân ra khỏi bàn đạp thắng vì đi dép xỏ ngón. 

7. Không đi bộ xa hoặc chơi thể thao với dép xỏ ngón

Dép xỏ ngón lý tưởng cho những buổi đi dạo trên bãi biển hoặc xung quanh hồ bơi. Nhưng chúng không thích hợp để đi bộ đường dài hoặc chơi thể thao. Dép xỏ ngón không hỗ trợ, nâng đỡ cho chân, vì vậy chơi thể thao với dép xỏ ngón, nguy cơ chấn thương là rất lớn. Tương tự với việc đi bộ đường dài, dép xỏ ngón sẽ làm chân bạn bị sưng đau, nhức mỏi hay tệ hơn là trật khớp vì dễ vấp ngã.

8. Thoa kem chống nắng cho chân khi đi dép xỏ ngón

Da ở chân cũng như da trên toàn bộ cơ thể, đều coi ánh nắng mặt trời là kẻ thù “không đội trời chung”. Vì thế đừng chỉ chú ý đến da mặt hay da tay mà quên bôi kem chống nắng cho da bàn chân. Dép xỏ ngón không bảo vệ chân dưới ánh nắng như các loại giày vì thế bạn cũng cần phải chú ý đến da chân cẩn thận. Nguy cơ ung thư da do nắng có thể xuất hiện ở bất cứ vùng nào, da chân không ngoại lệ. 

Nguồn: Theo Symptom Find

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.