Cuộc cạnh tranh giữa 2 loài chim sẻ ở quần đảo Galapagos đã khiến cho mỏ của một loài nhỏ lại, giúp chúng tìm thức ăn dễ dàng hơn. Các nhà khoa học đã chứng kiến được sự thay đổi này.
Loài sẻ đất lớn (trên) đã cạnh tranh với loài sẻ đất trung bình để ăn các hạt lớn, khiến cho loài trung bình có xu hướng tiến hoá ra những cái mỏ nhỏ hơn (dưới). (Ảnh: Nature) |
Trong bài báo mới đây trên Science, Peter Grant và Rosemary Grant, cả hai đều là nhà sinh học tại Đại học Princeton, bang NewJersey (Mỹ) đã mô tả cuộc cạnh tranh giữa loài chim sẻ đất trung bình (Geospiza fortis) và loài chim sẻ đất lớn (Geospiza magnirostris).
Loài sẻ đất trung bình G.fortis đã bị dồn dép và phải tiến hoá ra một cái mỏ nhỏ hơn khi xuất hiện kẻ cạnh tranh (loài chim sẻ đất lớn Geospiza magnirostris,bay đến hòn đảo này hơn 20 năm trước) và điều kiện hạn hán khắc nghiệt gần đây.
“Điều đó xảy ra rất nhanh”, Peter Grant cho biết. Trên thực tế, nó xảy ra chỉ trong một thế hệ chim duy nhất, Grant nói.
Cú huých tiến hoá bắt đầu khi một vài con chim sẻ lớn đến định cư trên đảo trong một đợt El Nino ẩm ướt khác thường năm 1982.
Kể từ đó, loài sẻ lớn G. magnirostris này đã ăn hầu hết loại hạt lớn có gai của những cây leo trên đảo và dần dần buộc loài sẻ trung bình phải phụ thuộc vào các loại hạt nhỏ hơn của những cây khác.
Kết quả là sẻ G. fortis với cái mỏ nhỏ hơn không cạnh tranh được với loài lớn, và thường không nuôi nổi con của chúng. Điều này buộc một số con phải phát triển theo hướng thu gọn lại dụng cụ kiếm ăn của mình.
Nhưng vấn đề thực sự xảy ra vào giữa năm 2004-2004, khi mà hạn hán khắc nghiệt trên đảo xảy ra và tất cả các loại hạt cây đều khan hiếm.
“Hầu hết các con chim có mỏ lớn trước hạn hán đã biến mất”, Grant nói. Trong đó bao gồm đa số cá thể của loài sẻ mới đến G. magnirostris và những con thuộc loài G. fortis vẫn còn giữ cái mỏ lớn.
“Đây là một ví dụ kinh điển về sự tiến hoá nhanh chóng”, David Skelly, một nhà sinh thái học và tiến hoá tại Đại học Yale nhận xét về tình huống này.
Thông thường tiến hoá được xem là diễn ra chậm chạp ở những loài động vật lớn như cá, chim, bò sát và thú. Kích cỡ mỏ thay đổi trong vài thập kỷ dường như đã là quá nhanh. Chính vì thế, những con chim sẻ ở Galapagos được xem là trường hợp tiến hoá nhanh tột độ gây ra bởi môi trường khắc nghiệt.
“Giờ đây dường như như công trình của Grant đã chỉ ra một xu hướng mà có thể rất phổ biến”, Skelly nói.
Chim sẻ đất trung bình – Geospiza fortis (Ảnh: oursci.org)
Chim sẻ đất lớn – Geospiza magnirostris (Ảnh: cahlander)
T. An
Theo Discovery, Vnexpress