Cũng giống như người lớn, trẻ em có nhiều đặc điểm khác nhau và không trẻ nào giống trẻ nào, bao gồm cả cân nặng và chiều cao. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kích cỡ của từng bé ví dụ như gen di truyền, kích cỡ tử cung của mẹ và dinh dưỡng. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi thấy con mình quá lớn hoặc quá nhỏ, nhưng bạn nên bình tĩnh tìm hiểu rõ các nguyên nhân trước. Nếu em bé của bạn lớn hơn những đứa trẻ khác cùng độ tuổi, bạn nên đối chiếu 4 yếu tố sau đây để biết con mình to lớn nhưng đã đủ khỏe mạnh hay chưa.
1. Môi trường tử cung
Em bé của bạn có thể bị béo phì ngay từ khi nằm trong bụng mẹ do chịu tác động gián tiếp từ các vấn đề sức khỏe mà mẹ mắc trong thời kỳ mang thai, ví dụ như:
– Bệnh tiểu đường thai kỳ
– Bệnh tiểu đường loại II
– Béo phì
– Tăng quá nhiều cân
Tất cả những vấn đề sức khỏe này đều làm tăng đường huyết và insulin của người mẹ và gây ra sự phát triển nhanh của thai nhi. Kết quả là em bé trong môi trường bào thai có mức đường huyết và insulin cao sẽ phát triển về kích cỡ nhanh, nhưng lại có nhiều nguy cơ mắc các bệnh béo phì và tiểu đường sau này.
2. Sữa mẹ
May mắn thay, sữa mẹ là nguồn thức ăn giúp trẻ sơ sinh cân bằng lại dinh dưỡng và loại bỏ nguy cơ bị mắc các bệnh tiểu đường, béo phì. Do đó, nếu em bé mới sinh của bạn bị thừa cân so với cân nặng tiêu chuẩn, bạn không nên quá lo lắng. Hãy thực hành cho con bú sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cho cả mẹ và bé.
3. Sữa công thức
Khi trẻ bú sữa công thức bằng bình sữa, trẻ không thể kiểm soát được lượng sữa và dinh dưỡng trong sữa như khi bú sữa mẹ. Lý do là bởi vì:
– Sữa mẹ thay đổi thành phần dinh dưỡng trong các giai đoạn khác nhau, nhưng sữa công thức thì không.
– Trẻ có thể điều tiết lượng sữa từ đầu vú mẹ dễ dàng hơn so với bú bằng bình (dòng sữa chảy qua núm vú giả thường chảy nhanh và khó kiểm soát hơn núm vú mẹ).
– Mẹ thường có xu hướng cho con uống hết sữa trong bình rồi mới cho trẻ thôi bú.
– Sữa công thức không chứa leptin, một loại hoóc-môn giúp cân bằng lượng thức ăn được tiêu thụ.
– Sữa công thức chứa hàm lượng protein cao hơn sữa mẹ nên gây ra sự tăng trưởng nhanh hơn.
4. Thức ăn rắn
Sau thời kỳ bú sữa mẹ liên tục, trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn rắn từ tháng thứ 6 trở đi. Trong giai đoạn này, bạn cũng chú ý cân bằng dinh dưỡng ngay cho trẻ để phòng ngừa nguy cơ bị tăng cân và béo phì.
Những cách dưới đây sẽ giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh ngay khi còn nhỏ:
– Mẹ thực hành ăn uống lành mạnh trước tiên và để trẻ làm theo.
– Tạo thời khóa biểu ăn uống cố định cho con và cả gia đình.
– Lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trái cây, rau quả, các sản phẩm từ sữa (chú ý chọn thực phẩm sữa đầy đủ chất béo cho trẻ dưới 2 tuổi), các loại chất béo lành mạnh (ví dụ như trứng và quả bơ), các loại ngũ cốc (ví dụ như bột yến mạch, gạo nâu).
– Tránh hoặc hạn chế cho trẻ ăn loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng như bánh quy, bánh ngọt, nước ngọt đóng chai và bánh mỳ trắng.
Nguyễn Mai – Nguồn: BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.