Tùy vào khẩu vị của từng người, nhưng nhìn chung, khi nấu ăn hầu hết mẹ nào cũng “ngẫu hứng” với một chút đường, muối, bột nêm… Việc làm tưởng chừng như vô hại này thực tế lại đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bé yêu, nhất là với các bé dưới 1 tuổi
Nếu liên tục phải ăn một món “nhạt thếch” trong nhiều ngày, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy vô vị và nhàm chán đúng không? Cũng chính vì suy nghĩ này, khi chế biến thức ăn dặm cho bé, nhiều mẹ “nhiệt tình” bỏ thêm muối và đường để món ăn thêm hấp dẫn. Tuy nhiên, việc làm này có thực sự cần thiết?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc thêm muối và đường vào thức ăn dặm cho trẻ dưới 12 tháng tuổi hoàn toàn không cần thiết. Vì ở độ tuổi này, nhu cầu muối và đường của trẻ rất ít và có thể được đáp ứng đủ thông qua lượng đường và muối tự nhiên trong thực phẩm, sữa, bột ăn dặm… Hơn nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, không chỉ không cần thiết, việc nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm của trẻ còn có thể gây hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
1/ Dư muối ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe bé?
Không chỉ là gia vị nêm nếm cho món ăn thêm đậm vị, muối còn giúp cân bằng thể dịch trong cơ thể, duy trì hoạt động bình thường của các tế bào. Thiếu muối có thể dẫn tới tình trạng hoa mắt, chóng mặt thậm chí hôn mê. Nhưng ngược lại, bổ sung thừa muối cho cơ thể có thể làm tăng khối lượng dịch cho cơ thể, làm tăng huyết áp và gây các vấn đề nghiêm trọng đến tim, thận. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người có chức năng thận chưa “trưởng thành” sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “quá tải” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghiêm trọng hơn, một vài nghiên cứu còn chứng minh rằng, bổ sung muối quá nhiều trong thức ăn của bé có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của não và có thể gây tử vong trong một số trường hợp.
2/ Thừa đường thì gây tác động ra sao?
Đường ngon ngọt có thể “dụ dỗ” bé cưng uống thuốc hay giúp món nước ép của bé thêm ngon. Đồng thời, nếm một ít nước đường trước các mũi tiêm phòng cũng là cách hiệu quả giúp bé cưng giảm đau. Tuy nhiên, nếu cho bé ăn quá nhiều đường hoặc ăn quá nhiều thực phẩm ngọt như bánh, kẹo…, nguy cơ béo phì và tiểu đường của trẻ sẽ cao hơn hẳn. Đồng thời, nguy cơ sâu răng ở trẻ cũng sẽ tăng lên gấp 3 lần nếu chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé có quá nhiều đường.
Hơn nữa, một vài kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, thực đơn nhiều đường có thể là nguyên nhân gây chứng tăng động thái quá ở trẻ em và hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).
3/ Đường và muối, cho bé ăn bao nhiêu là đủ?
Tùy theo độ tuổi và lượng thực phẩm bé tiêu thụ mỗi ngày, nhu cầu về đường và mối của các bé cũng khác nhau.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi, việc bổ sung muối và đường trong các món ăn là không cần thiết. Thực phẩm tự nhiên, sữa mẹ, sữa công thức và bột ăn dặm hàng ngày đã đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
Bước qua sinh nhật lần đầu tiên, nhu cầu của bé có thể tăng thêm. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên tập cho bé thói quen ăn quá mặn, hoặc quá ngọt. Tốt nhất, vẫn nên theo mức khuyến cáo do các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra.
Độ tuổi | Nhu cầu muối/ngày | Nhu cầu đường/ngày |
0-6 tháng | < 1g | hạn chế tối đa |
6 -12 tháng | 1g | hạn chế tối đa |
1-3 tuổi | 2 g | < 4 muỗng cà phê |
4-6 tuổi | 3 g | 3 muỗng cà phê |
7-10 tuổi | 5 g | 3 muỗng cà phê |
Từ 11 tuổi trở lên | 6 g | 5-8 muỗng cà phê |
(Theo MB)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.