Bệnh mề đay mùa đông: Dễ thấy nhưng khó chữa

Thời tiết chuyển lạnh, kèm theo việc ăn uống các đồ ăn lạ, môi trường bẩn hoặc ô nhiễm khiến cho bệnh mề đay có thể “tấn công” bất cứ ai.

Có mặt tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện Da liễu Trung ương, phóng viên chứng kiến không ít các trường hợp đến khám và điều trị bệnh mề đay. Điều đáng nói, căn bệnh này đối với nhiều người dường như “đến hẹn lại lên”, cứ trời lạnh lại tái phát.

Anh Nguyễn Quân (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ mùa đông, đặc biệt những đợt lạnh sâu, kéo dài là tôi lại ngứa, nổi mụn thậm chí là cả những cục to. Lúc đầu rất lo lắng, nhưng khi khám bác sĩ cho biết đó là biểu hiện của bệnh mề đay, chỉ cần dùng thuốc, giữ vệ sinh là khỏi. Bởi vậy, mùa đông nào tôi cũng đến lấy thuốc về điều trị mỗi khi thấy ngứa và nổi nhiều mụn”.

Vết mề đay của một bệnh nhân ở bệnh viện Da liễu Trung ương.

Tuy đa số bệnh nhân bị mề đay khi trời trở lạnh, nhưng cũng có bệnh nhân vì dị ứng với một loại thực phẩm nào đó cũng có thể gây phản ứng dưới da và cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Thị Lụa (Thành Công – Ba Đình – Hà Nội) cho hay: “Khi khám bệnh, bác sĩ cho biết tôi bị mề đay, tôi rất lo lắng vì từ trước đến giờ chưa bao giờ mắc bệnh này. Tuy nhiên, khi hỏi tiền sử ăn uống, tôi mới tá hỏa vì trước đó tôi có ăn hàu nướng nên bị dị ứng mề đay”.

Dễ thấy nhưng khó chữa

Đánh giá về căn bệnh này, bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mề đay là một dạng của bệnh dị ứng. Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào, kích thước to nhỏ khác nhau.

Điều đáng nói, vết sần nổi trên da của mỗi người khác nhau có người biểu hiện rõ rệt như sẩn mụn to, có người chỉ biểu hiện hơi đỏ nhưng rất ngứa, hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì.

Theo ông Thành, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người đến khám mề đay ở BV Da liễu Trung ương, con số này gia tăng đáng kể về mùa đông.

Tuy đây là căn bệnh có khá nhiều người gặp phải nhưng bệnh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chỉ là biểu hiện ngoài da nhưng bệnh thường làm bệnh nhân khó chịu.

Với mề đay cấp tính có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da, niêm mạc nào trên cơ thể. Ban đầu là những nốt sẩn đỏ hoặc hồng, gây ngứa, có thể phù nề. Có thể càng gãi càng ngứa, thậm chí khi cơn ngứa nhiều có khi người bệnh gãi đến mức chảy máu. Sau đó các nốt sẩn có thể tự mất nhưng cũng có thể kéo dài cả tuần. Ngoài xuất hiện trên da, còn có thể xuất hiện ở niêm mạc đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, nôn, ỉa chảy.

Đây là căn bệnh dễ phát hiện vì có biểu hiện rõ ràng nhưng lại khó chữa vì khó xác định nguyên nhân. Có những bệnh nhân chỉ vì phấn hoa, bụi, thuốc, hải sản, rượu bia, sơn… hoặc có thể do lạnh nên xuất hiện mề đay. Vì thế, những người dễ bị dị ứng da cần tránh tác nhân gây mề đay là sẽ không bị bệnh.

Đối với căn bệnh này, khi da có biểu hiện sẩn, phù, người dân nên ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng, hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da. Hoặc có thể tránh tắm nóng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi. Nếu không thấy nốt sẩn lặn đi cần tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được tư vấn.

Tuấn Anh
(Theo congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.