Bệnh “than” nơi công sở!

Bệnh “than” nơi công sở!

 

Sáng sớm khí trời đang dễ chịu sau mấy ngày nắng như đổ lửa, mang tâm hồn phơi phới đến công ty thì gặp nhau một “ổ” các bà tám đứng café với nhau ở ban công. Thấy tôi đi qua, liền lôi ngay tôi vào kể lể “ này, hôm qua bị sếp mắng mà sao hôm nay cứ phơi phới thế? Chị là chị không thể chịu được cái cảnh bị mắng như tát nước vào mặt thế đâu!”.

Tôi chỉ cười cười “thì mình làm việc chưa tốt thì sếp càm ràm thôi chứ có gì đâu chị…”. Chị Thúy kế toán thấy tôi nói vậy thì lại than thở “ối giời, cống hiến như thế rồi mà còn chưa thỏa, chị như mày chị nghỉ việc quách cho xong. Ở đâu ra cái kiểu lúc mình làm hùng hục tăng ca thì chẳng bảo sao, đi làm trễ giờ vài ngày cũng càm ràm, con người phải có lúc ốm lúc đau chứ! Như chị đây, đi làm vất vả chẳng được lời khen, về nhà lại còn con cái….” Tôi biết ngay là chị sẽ ca bài than thở một nách hai con nên tìm cớ vào cất đồ rồi ngồi im trong văn phòng làm việc luôn không ra tâm sự cùng hội bà tám nữa.

Bệnh “than” nơi công sở!

Làm việc ở đây có 3 tháng mà tôi nghe đủ chuyện đời đau khổ, bí bách của các chị các cô, các anh công sở. Nào là chuyện xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, chuyện hôm qua có đứa bị ốm vẫn cố đi làm để lây dịch bệnh cho cả phòng, chuyện cuộc đời hoang tàn đổ nát, càng cố gắng càng thấy bế tắc, chuyện lương ba cọc ba đồng khiến muốn mua cái quần cũng phải đắn đo, cả chuyện đến tháng mà không thấy kinh nguyệt cũng đem là làm chủ đề để ca thán thì tôi cũng thấy chịu.

Mà đâu chỉ các cô than, các anh đồng nghiệp nam cũng than thở “bụng béo quá, bia bọt nhiều giờ như con lợn! Lương bèo quá, muốn nhảy việc mà ngại, mình ngời ngời thế này mà vẫn ế..” đủ các loại chuyện rất nhỏ nhặt nhưng qua miệng các đồng nghiệp bỗng thành một vấn đề to tướng, trầm kha. Nhiều khi thấy tôi chả kêu ca gì thì mọi người lại bảo “Như cô lại sướng, chả phải lo nghĩ gì, lúc nào cũng thấy hớn hở, đời sướng thế!”.

Tôi chỉ cười, chả muốn bị lây nhiễm cái vi rút than thở nên im lặng. Thực ra, ai chẳng có những vấn đề của riêng mình cơ chứ, tôi thất nghiệp 2 năm, làm freelancer lương bấp bênh, mọi thứ chông chênh không định hướng, suy nghĩ tiêu cực luôn trong đầu hàng ngày…đã có lúc tôi tiêu cực đến mức thấy bản thân mình thật kém cỏi, tệ hại, xung quanh chẳng thể chia sẻ cùng ai, lúc nào cũng bế tắc…đến một ngày tự tôi nhận ra một điều sau khi đọc một cuốn sách về cách thay đổi tư duy trong cuộc sống, và tôi nhận ra rằng “cái gì cũng có hai mặt, nên cảm ơn cuộc đời vì mình vẫn còn lành lặn, vẫn có thể kiếm tiền, vẫn có thể nói lời yêu thương với ai đó, mở mắt ra là thấy mặt trời, thấy gia đình, bạn bè…cuộc đời ai chẳng có lo toan, đừng nghĩ vấn đề của mình là to tát, nhìn sang phía bên kia đời mình sẽ thấy bao nhiêu phận đời bi kịch mà họ vẫn lạc quan mà sống đấy thôi!”.

Bệnh “than” nơi công sở!

Và tôi thay đổi, xốc lại mình và gửi CV khắp nơi, phỏng vấn trượt khoảng 4 công ty trước khi được nhận vào đây làm. Tôi không cố gắng trụ lại bằng mọi giá nhưng tôi luôn cố gắng hết sức trong công việc hàng ngày bằng một tâm thái tích cực.

Chỉ có điều, khi vào đây làm việc tôi lại bị chứng kiến một “Tôi” của trước kia: đầy rẫy những bi kịch, bế tắc, than thở, càm ràm…Nhưng mối quan hệ đồng nghiệp mới chớm nở, họ lại là người hơn tuổi, làm sao tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình, họ sẽ nghĩ tôi dạy đời họ mất!

Thực sự, mỗi ngày đi làm tôi bị chứng kiến những tâm sự tiêu cực ấy, lòng tôi cứ bị mất tập trung, cái cảm giác muốn chia sẻ điều tích cực bỗng giảm dần…nhiều khi muốn nói với anh chị đồng nghiệp làm ơn đừng ca thán và trầm trọng hóa bi kịch đời mình nữa, nhưng sợ mất lòng, mình thì “thấp cổ bé họng” nên chẳng dám “dạy đời” tiền bối, tuy không nói ra nhưng tôi thấy khó chịu vì phải sống trong cái bầu không khí “than thở” ấy bao trùm lắm!

Thùy Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.