Chị Thu (Hoàng Cầu, Hà Nội) trước đây là nhân viên bán hàng, từ 2 năm trở lại đây chị làm nhân viên văn phòng. Với tính chất ngồi nhiều, ngồi cả ngày ở cơ quan nên mắt chị và lưng, vai thường xuất hiện triệu chứng nhức mỏi. Thậm chí, chị Thu ít khi rời khỏi chỗ ngồi do công việc bận.
Trước đây phòng chị có 2 người cùng san sẻ công việc nhưng nhiều tháng trở lại đây đồng nghiệp nghỉ sinh dài ngày nên chị Thu phải cáng đáng công việc một mình. Công việc chính là soạn thảo văn bản, các hợp đồng, giấy tờ nên chị phải dùng đến đôi tay gần như 8-9 tiếng mỗi ngày. Chưa kể có những hôm nhiều việc chị còn phải ngồi làm việc đến tận 12h đêm.
“Dịp cuối năm càng bận rộn, tay của tôi gần như hoạt động hết công suất. Thời gian gần đây, ở cổ tay thường mỏi, nặng nề, đôi khi như có kim châm. Đặc biệt có những khi ngủ dậy thấy tay bị tê đi, dù vẫn để trong chăn ấm”, chị Thu kể.
Thời gian đầu chị Thu thấy bệnh có thuyên giảm, nhưng sau một thời gian những cơn đau, tê cứng như có kim châm vào các đầu ngón tay thường xuyên xuất hiện nhất là vào buổi đêm khiến chị khó ngủ. Bệnh ngày càng nặng hơn khiến chị có cảm giác các ngón tay của mình hình như đang bị teo nhỏ các hoạt động bình thường như cầm nắm trở nên khó khăn. Lúc này, chị Ngân mới tá hỏa đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị mắc hội chứng ống cổ tay. Đây là căn bệnh mà dân văn phòng vẫn thường gặp phải. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Anh (Chuyên khoa Cơ – Xương – Khớp) cho hay, đây là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều người chủ quan, thậm chí coi thường. Những triệu chứng ban đầu khiến cho nhiều người nghĩ do mệt mỏi thông thường.
“Đó là cảm giác tê đầu các ngón trỏ, cái, cảm giác kiến bò ở các ngón trừ ngón áp út. Khi cầm nắm vật gì đó, ngủ dậy hay lái xe sẽ cảm giác khó chịu hơn. Cơ lực tay yếu, khi đang cầm đồ vật cảm giác không chắc chắn, có thể đánh rơi đồ vật xuống sàn, cử động tay chậm hơn”, bác sĩ Hoàng Anh nói.
Những người dễ mắc hội chứng ống cổ tay là người lao động mà sử dụng tay nhiều, thợ sửa chữa máy móc, sửa xe, người lao động nặng như chặt thịt cá, béo phì, người mắc tiểu đường, người bị gút. Đối tượng dễ bị bệnh là nữ giới cao hơn nam giới. Nguyên nhân do ống cổ tay của nữ giới nhỏ hơn và nữ thường làm việc văn phòng liên quan đến máy tính, gõ bàn phím…
Cách phòng bệnh
Về sự nguy hiểm của hội chứng này, với trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ quyết định việc phẫu thuật hay không, hình thức mổ có thể là mổ hở hoặc nội soi. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể xuất hiện những cơn đau đó là hơi đau ở lòng bàn tay.
Người được phẫu thuật sau đó sẽ phải mang nẹp vải trong khoảng 3 tuần và hoàn toàn có thể sử dụng bàn tay bình thường. Các công việc như gõ bàn phím, chăm sóc bản thân, cầm nắm có thể thực hiện sớm sau phẫu thuật.
Để phòng hội chứng ống cổ tay cần tránh dùng chuột vi tính lâu, bất cứ cơ quan nào trong cơ thể kể cả ống cổ tay cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, chú ý giảm vận động cổ tay khi không cần thiết, không căng cổ tay quá sức. Khi làm việc với máy tính nên để bàn phím ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn khuỷu tay một chút. Ngoài ra, vai và cánh tay cũng cần phải đặt đúng vị trí tránh nhức mỏi tác động lên cổ tay.
Khi làm việc với máy tính cần có lớp lót ở chuột để làm điểm tựa cho ống cổ tay. Sau những giờ căng thẳng nên để cổ tay được nghỉ ngơi, tập luyện nhẹ nhàng bằng cách căng cổ tay. Hoặc đi lại, thả lỏng cơ thể, đi bộ thả lỏng tay cũng là cách đơn giản để bạn giảm bớt triệu chứng khó chịu này.
Hiền Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.