Những khối ánh sáng bay lượn trong không trung có thể chỉ là ảo giác do bộ não của con người bị kích thích quá mức, hai nhà khoa học Áo khẳng định.
Hình minh họa sét hòn tấn công máy bay. Ảnh: paranormalspy.com.
Trong vài trăm năm qua nhiều tài liệu ghi nhận những trường hợp con người nhìn thấy những khối điện sáng lóa có kích thước từ quả bóng golf tới bóng tennis. Nhưng giới khoa học vẫn chưa thể thống nhất quan điểm về nguyên nhân và cách thức hình thành của sét hòn. Nguyên nhân chủ yếu là sét hòn hiếm khi xảy ra và thời gian tồn tại của chúng cực ngắn.
National Geographic cho biết, người ta thường nhìn thấy sét hòn trong những trận bão có sét. Giới khoa học biết nhiều tia sét liên tiếp có thể tạo ra từ trường mạnh. Vì thế, Joseph Peer và Alexander Kendl – hai nhà khoa học của Đại học Innsbruck tại Áo, cho rằng rất có thể sét hòn là ảo giác do sự tác động của trường điện từ vào não hoặc mắt người.
Trong nhiều thử nghiệm trước kia, các nhà khoa học từng đưa người vào trường điện từ mạnh và thay đổi nhanh để xem trường điện từ có gây nên ảo giác hay không. Từ trường trong các thử nghiệm đó đủ mạnh để tạo ra những dòng điện trong tế bào não mà không gây nên bất kỳ tổn hại nào đối với người.
Kết quả cho thấy khi từ trường tập trung vào vùng vỏ não điều khiển hoạt động thị giác, đối tượng tham gia thử nghiệm nhìn thấy những đường thẳng và hình đĩa phát sáng. Khi từ trường dịch chuyển bên trong vùng não điều khiển hoạt động thị giác, họ thấy những đường thẳng và hình đĩa đó chuyển động.
Peer và Kendl cho rằng trường điện từ do sét gây nên có thể gây nên tác động tương tự ở con người. Hai nhà khoa học nghĩ khoảng một nửa trường hợp sét hòn mà các tài liệu từng ghi nhận thực ra chỉ là ảo giác của con người do từ trường tạo nên.
John Abrahamson, một nhà hóa học và chuyên gia về sét hòn của Đại học Canterbury tại New Zealand, nói rằng lý luận của Peer và Kendl tương đối thuyết phục, nhưng ông vẫn không tin tất cả trường hợp sét hòn đều là ảo giác.
“Thứ nhất, những màu sắc của ánh sáng phát ra từ sét hòn trong các thử nghiệm có màu trắng, xám hoặc một màu chưa bão hòa. Nhưng theo lời kể của nhiều nhân chứng, sét hòn mà họ nhìn thấy có màu sắc đa đạng – gồm cả màu cam, xanh lục và xanh dương”, Abrahamson nói.
Trong một số trường hợp nhiều người cùng nhìn thấy một sét hòn. Tuy quan sát từ nhiều góc độ khác nhau, song lời kể của tất cả nhân chứng về hướng di chuyển của sét hòn lại không hề mâu thuẫn.
“Khi nhiều người cùng quan sát một vật thể và cùng thấy nó di chuyển về một phía thì chúng ta không thể nói họ bị ảo giác”, Abrahamson nhận xét.
Eli Jerby, một kỹ sư máy của Đại học Tel Aviv ở Israel, từng tạo ra một thứ giống sét hòn trong phòng thí nghiệm. Vì thế ông không nghĩ tất cả sét hòn chỉ là ảo giác.
“Mặc dù ảo giác có thể giải thích một số trường hợp sét hòn, tác động của sét vẫn là một nhân tố đáng xem xét trong cả tự nhiên và phòng thí nghiệm. Ngoài ra, với những thành tựu mà nhiều nhà khoa học đạt được trong nghiên cứu, chúng ta đang tiến gần hơn tới việc tạo ra sét hòn trong phòng thí nghiệm”, Jerby bình luận.
Theo VnExpress