Bị đồng nghiệp kỳ thị khi từ chối tham gia tặng quà sếp

Bị đồng nghiệp kỳ thị khi từ chối tham gia tặng quà sếp

Đợt vừa rồi, cơ quan tôi tổng kết cuối năm, mọi người muốn mua một quà gì đó tặng sếp mới nhân dịp tết dương. Rồi một chị lớn tuổi trong ban tôi hô hào mọi người góp tiền lại để mua quà tặng Sếp. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, mỗi người 300 ngàn đồng  để tặng sếp một đôi giày. Nghe các chị thông báo, tôi thấy ý kiến này không hay cho lắm. Bởi lựa chọn được một món quà tặng cho người thân, bạn bè đã khó thì tìm quà để tặng sếp đặc biệt là khi tuổi sếp còn trẻ lại là điều khó hơn. Tôi không phản đối việc tặng quà sếp nhưng vấn đề là phải lựa chọn món quà nào phù hợp với tính chất của công việc, đừng mang ý nghĩa cá nhân quá như vậy. Nghe tôi nói xong các chị nói “vào dịp tết dương, phòng mình có món qùa muốn tặng sếp và đang trưng cầu ý kiến mọi người. Vậy theo em tặng sếp quà gì thì phù hợp?”

Không chỉ tiêu tốn tiền bạc, việc tặng quà này còn khiến các chị lớn tuổi phòng tôi hao tổn không ít thời gian và tâm trí để cân nhắc xem nên tặng gì và tặng như thế nào. Thực lòng tôi chỉ nghĩ lấy quỹ phòng ra cả phòng liên hoan một hôm vừa tạo sự đoàn kết của tập thể, vừa là cơ hội để sếp mới gần gũi, từng bước làm quen với nhân viên. Nghĩ sao nói vậy, tôi nêu ý kiến của mình với các chị thì nhận được các lý do cho sự không thể như sau. Thứ nhất, không thể lấy quỹ phòng vì trong phòng có 3 ban, 2 ban kia không ủng hộ. Thứ hai, đây là quà riêng của ban tặng sếp chứ không phải cả phòng. Nghe xong lý do tôi lại càng thấy ngàn lần dự định này có vấn đề. Nếu tôi đồng ý, cổ súy cho các chị tặng quà chẳng khác nào tôi đang chia rẽ đoàn kết nội bộ. Món quà dự định tặng sếp nó không còn mang tính chất công việc mà trở thành vấn đề cá nhân. Nếu nói đó là món quà của ban A tặng, đương nhiên sếp và mọi người có thể nghĩ chúng tôi đang tặng để lấy lòng sếp, mong nhận được sự ưu ái trong công việc. Tôi phản đối việc tặng quà mang tính cá nhân như vậy. Cuối cùng nghe tôi nói có lý, 2 đồng nghiệp nam trong ban cũng phản đối. Hai chị nhiều tuổi kia tức tôi ra mặt, không chỉ lườm, nguýt các chị còn lẩm bẩm sau lưng tôi “đồ phá đám, đồ ki bo. Bỏ ra 300 nghìn mà lấy được lòng sếp không hơn à?” Tôi nghe hết nhưng vì các chị không nói trước mặt nên tôi lờ đi cho yên chuyện. Sự việc còn khó chịu hơn, những ngày sau đó, dù trong ban chỉ có 3 chị em phụ nữ nhưng hai chị còn chẳng thèm nói chuyện với tôi. Gặp tôi ở sảnh các chị không niềm nở đã đành nhưng 5 người trong ban cùng chung 1 bàn làm việc mà tôi hỏi các chị còn chẳng thèm đáp một lời. Mấy hôm đi làm trong không khí nặng như chì khiến tôi vô cùng mệt mỏi.

Bị đồng nghiệp kỳ thị khi từ chối tham gia tặng quà sếp

Đến hôm vừa rồi, khi sếp mới nói sẽ mời cả phòng liên hoan xem như ra mắt. Thì cả phòng vỗ tay hưởng ứng. Chị phó phòng giữ quỹ chung của 3 ban nói mọi người họp lại xem nên “đáp lễ” sếp thế nào cho phải phép. Người ý kiến nọ, người muốn tặng thứ kia, làm sự cục rối tung hết cả. Cuối cùng chị thủ quỹ kết luận, nếu mua quà cho sếp thì mang ý nghĩ cá nhân nhiều quá nên chỉ tặng một món quà nhỏ, số tiền còn lại sẽ góp để đỡ chi phí cho sếp trong buổi liên hoan cuối năm. Ý kiến của chị được đa số ủng hộ, nên cả phòng thực hiện theo ý tưởng đó. Buổi liên hoan kết thúc vui vẻ, sếp tỏ rõ sự vui mừng khi được sự chào đón, hòa đồng của nhân viên trong phòng. Việc liên hoan, tặng quà sếp đã xong nhưng thái độ củ 2 chị trong ban đối với tôi cũng chẳng khác gì. Buổi làm việc đầu tiên của năm mới, các chị nhìn tôi cũng chẳng nở một nụ cười, không lẽ ý tưởng của các chị không thực hiện được là do tôi sao. Có lẽ, các chị vẫn mang tư tưởng cá nhân vào công việc nhiều quá, ở công sở đâu phải lúc nào tặng quà cũng thích hợp và món quà gì cũng làm mối quan hệ tốt đẹp lên. Nếu các chị chưa hiểu, tôi xin mạn phép lấy kinh nghiệm ít ỏi của mình về các tặng quà công sở mong các chị đọc được và rút kinh nghiệm cho mình:

1. Không phải sếp nào cũng thích tặng quà:

Trường hợp này bản thân tôi đã gặp trong lần đi thực tập. Đó là một cơ quan nhà nước, sếp là một người đáng tuổi bố tôi. Vì muốn công việc thuận lợi, tôi mua tặng chú một chiếc cà vạt và không quên nhờ gửi chú tạo điều kiện cho mình trong quá trình thực tập. Chưa cần nhìn xem quà là gì, chú chỉ cười và nói “chú cảm ơn, nhưng món quà lớn nhất chính là sau thời gian thực tập ở đây, kiến thức cháu thu được là gì. Có lẽ bố cháu cũng ngang tuổi chú, coi như chú đã nhận và chú gửi cháu về tặng bố”. Sự cương quyết của sếp khiến tôi ngượng chín mặt, và chính là động lực để tôi học hỏi nhiều hơn. Sau kỳ thực tập chú nói với tôi rằng, không phải sếp nào cũng thích nhận quà, món quà ý nghĩa nhất chính là hiệu quả công việc mà nhân viên đó mang lại. Bài học đầu tiên ấy đã theo tôi cho đến tận giờ và tôi nghĩ nó luôn đúng.

2.  Đừng kêu gọi mọi người đóng tiền để mua quà chung tặng sếp

Việc tặng quà chỉ nên làm khi hiểu sếp mình là người như thế nào. Nhưng nếu muốn tặng quà sếp thì đừng nên hô hào mọi người tham gia, hãy để họ tự giác. Nếu bạn là người khởi xướng nhưng cứ cố nài ép mọi người thì vô hình dung sẽ đẩy mọi người vào thế “buộc, phải” tham gia. Họ có thể lo ngại rằng, họ sẽ bị nhìn nhận khác đi nếu không tham gia. Như vậy, đây sẽ là một sự bóp méo tình cảm thay vì là một món quà thực sự.

3. Những món quà mang nặng tính chất cá nhân không có chỗ trong môi trường công sở

Nước hoa, quần áo, nữ trang, vật dụng cá nhân khác… là những món quà không phù hợp để tặng ở công sở. Tốt hơn hết, bạn hãy dành những món quà này cho bạn bè, người thân. Bạn nghĩ gì khi mang đến tặng sếp hoặc đồng nghiệp một cái khăn, chiếc áo? Quả thực nó chẳng hợp lý chút nào, món quà đó chỉ khiến hình ảnh của bạn bị bóp méo trong mắt đồng nghiệp. Mọi người sẽ nghĩ đó là một hình thức “lấy lòng rẻ tiền” của bạn với sếp. Chưa kể đến việc món quà của bạn sếp có ưng ý và sử dụng hay không.

Mai Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.